MiG-15 (bay trước) và F-86 là thế hệ chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của thế giới. Ảnh: Autoentusiastas |
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 khép lại, Mỹ và Liên Xô bị cuốn vào cuộc xung đột quân sự ngắn giữa 2 miền trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc chiến này ghi nhận lần chạm trán trên không đầu tiên giữa các máy bay phản lực.
F-86 Sabres của Mỹ và MiG-15 của Liên Xô là thế hệ máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của thế giới. MiG-15 là sản phẩm của Phòng thiết kế Mikoyan. Phi cơ này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/12/1947.
Trong khi đó, F-86 là sản phẩm của công ty North American, máy bay cất cánh lần đầu vào ngày 1/10/1947. Cả 2 phi cơ có thiết kế khí động học tương tự nhau với động cơ nằm trong thân. Cửa hút không khí nằm ở mũi máy bay.
MiG-15 có thể đạt tốc độ tối đa 1.059 km/h, trong khi thống kê tương tự của F-86 là 1.106 km/h. Vũ khí chính của MiG-15 là 2 pháo 23 mm và 1 pháo 37 mm. F-86 mang theo 6 súng máy hạng nặng 12,7 mm.
Mỹ bất ngờ với MiG-15
Trong thực chiến, MiG-15 nhanh nhẹn hơn nhiều so với F-86 của Mỹ. Ảnh: Ahctv |
Cuộc chiến trên bầu trời Triều Tiên không chỉ đơn thuần là chạm trán về quân sự mà còn là cơ hội để đôi bên thể hiện sức mạnh công nghệ. MiG-15 và F-86 là những máy bay chiến đấu hiện đại nhất thời đó. Triều Tiên là nơi để 2 chiến đấu cơ chứng minh thực lực so với đối thủ.
Theo tạp chí National Interest, khi diễn biến chiến trường Triều Tiên trở nên phức tạp, cả Mỹ và Liên Xô đều tung những máy bay hiện đại nhất vào cuộc chiến. Ở thời điểm đó, MiG-15 tỏ ra rất hiệu quả trong việc tiêu diệt các máy bay ném bom B-29.
Các máy bay hộ tống cho B-29 là F-80 và F-84 tỏ ra bất lực trong việc ngăn chặn MiG-15. Mỹ lập tức điều động 3 phi đội F-86, tiêm kích “Át chủ bài” đến Triều Tiên hộ tống cho máy bay B-29. Để đảm bảo ưu thế, Mỹ huy động những phi công giàu kinh nghiệm từng tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 điều khiển F-86.
Tuy nhiên, F-86 cũng không ngăn được MiG-15 tung hoành trên bầu trời. Các phi công Mỹ rất ngạc nhiên bởi hiệu suất chiến đấu vượt trội của MiG. Tướng John Slessor, cựu Tổng tham mưu trưởng Không quân Hoàng gia Anh từng nhận xét: “Nó (MiG-15) không chỉ nhanh hơn các máy bay của chúng ta mà còn được sản xuất với số lượng lớn”.
MiG-15 được thiết kế cánh xuôi về phía sau giúp máy bay cơ động tốt hơn trong phạm vi hẹp so với đối thủ F-86. Một lợi thế lớn khác của MiG-15 là khả năng leo lên cao rất nhanh. Các phi công thường sử dụng chiến thuật bay thấp, khi gặp đội hình chiến đấu của đối phương thì lấy tốc độ bay lên cao cắt vào giữa đội hình .
Chiến thuật của các phi công MiG-15 rất hiệu quả, nhiều máy bay F-86 bị bắn hạ.
Tranh cãi về tổn thất
Cả Mỹ và Triều Tiên đều tuyên bố chiếm ưu thế trong không chiến so với đối phương. Phía Mỹ tuyên bố tỷ lệ chiến thắng của F-86 trước MiG-15 là 10/1, tức là F-86 bắn hạ 10 máy bay MiG-15 mới phải chịu một tổn thất.
Phía Mỹ lập luận rằng, ban đầu các máy bay MiG-15 do phi công giàu kinh nghiệm của Liên Xô điều khiển nên hiệu suất chiến đấu cao. Về sau, các phi công “non kinh nghiệm” của Triều Tiên điều khiển nên kết quả chiến đấu sụt giảm nghiêm trọng
Trong khi đó, phía Liên Xô công bố tỷ lệ chiến thắng của MiG-15 trước F-86 là 1,4/1. Không số liệu nào của cả Mỹ và Liên Xô được xác nhận chính thức. Tuy nhiên, sau những trận không chiến trên bầu trời Triều Tiên, Mỹ và Liên Xô đã bước vào cuộc chạy đua để phát triển những tiêm kích hiện đại nhằm chiếm ưu thế trước đối phương.