Kim Jong Un chỉ đạo các sĩ quan quân đội trong một chuyến thị sát. Ảnh: KCNA |
Khi thông báo Kim Jong Un sẽ không tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Moscow hôm 9/5, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên hủy chuyến công du do “những vấn đề nội bộ của đất nước”, AP đưa tin.
Lời lẽ của Bình Nhưỡng khiến nhiều người đoán Jong Un có thể đối mặt với mối họa nội bộ nào đó nếu ông tới Nga.
“Tôi không tin vào lý do đó. Chúng ta chưa thấy bất kỳ sự bất đồng mang tính tập thể nào đối với bộ máy lãnh đạo của Triều Tiên. Jong Un bổ nhiệm những người đáng tin cậy vào các vị trí chủ chốt và vị thế của ông ấy rất an toàn”, giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Kookmin tại Hàn Quốc, bình luận.
Khi Jong Un đồng ý tới Moscow để dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng theo lời mời của Điện Kremlin, giới quan sát vạch ra hàng loạt tình huống ngoại giao thú vị, bởi đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên công du nước ngoài từ khi người cha Kim Jong Il qua đời vào năm 2011.
Mặc dù từng tiếp hàng loạt quan chức cấp cao Trung Quốc tại Bình Nhưỡng, có lẽ nhân vật nước ngoài nổi bật nhất mà Jong Un từng gặp là Dennis Rodman, cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ. Ông chưa từng chủ trì một cuộc gặp thượng đỉnh. Thậm chí Jong Un còn không hội đàm với Tổng thống Mông Cổ khi ông thăm Triều Tiên vào năm 2013.
Vì thế, tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng phát xít tại Moscow là sự mở đầu tuyệt vời đối với Jong Un, bởi Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và nhiều nguyên thủ quốc gia sẽ tham dự sự kiện.
“Có lẽ sự hiện diện của quá nhiều nguyên thủ quốc gia là vấn đề đối với Jong Un. Nhà lãnh đạo trẻ này chưa từng hội đàm với bất kỳ nguyên thủ nước ngoài nào. Vì thế ông ấy chưa quen với việc bước vào một khán phòng để gặp rất nhiều nhà lãnh đạo quốc gia”, Yang Moo Jin - một giáo sư của Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại thành phố Seoul, Hàn Quốc - lập luận.
Triều Tiên luôn tỏ ra thận trọng trong nỗ lực bảo vệ hình ảnh của gia đình họ Kim. Bình Nhưỡng kiểm duyệt rất kỹ những hình ảnh liên quan tới Jong Un mỗi khi ông xuất hiện trước công chúng.
“Có lẽ ban đầu Jong Un thực sự muốn tới Moscow. Song chuyến công du ấy có thể dẫn tới nhiều tình huống bất ngờ về phương diện kiểm soát hình ảnh. Ngay cả Nga cũng không thể giúp Jong Un kiểm soát hình ảnh của bản thân trước giới truyền thông trong một sự kiện quốc tế có quy mô lớn. Và có thể ông ấy sẽ gặp một nhà lãnh đạo nước ngoài sẵn sàng chỉ trích Triều Tiên để tạo ấn tượng với cử tri trong nước”, Lankov giải thích.
Phần lớn giới phân tích nhất trí rằng, sau khi Jong Un hủy chuyến công du tới Nga, sự kiện mang tính quốc tế đầu tiên mà ông tham dự sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh song phương trên lãnh thổ Triều Tiên.
Gia tộc Kim chưa bao giờ thực hiện những chuyến công du lớn ra nước ngoài. Lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập Triều Tiên, từng thăm các nước trong khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Song sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tan rã của Liên Xô khiến nhà lãnh đạo Kim Jong Il còn rất ít lựa chọn sau khi ông nắm quyền vào năm 1994.
Kim Jong Il không thích di chuyển bằng máy bay nên ông chỉ tới Trung Quốc và Nga bằng tàu hỏa.
Trung Quốc là đồng minh gần gũi nhất của Triều Tiên. Vì thế, đương nhiên Bắc Kinh là lựa chọn lý tưởng cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Jong Un với tư cách là nhà lãnh đạo đất nước. Nhưng quan hệ giữa hai nước trở nên xa cách hơn trong vài năm gần đây do Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục theo đuổi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Mức độ kiên nhẫn của Bắc Kinh đối với những hành động bất ngờ của Bình Nhưỡng đang giảm dần.
Ông Tập và Jong Un vẫn giữ khoảng cách với nhau từ khi hai người lần lượt trở thành nguyên thủ. Trong chuyến thăm bán đảo Triều Tiên vào năm ngoái, ông tới Hàn Quốc.
“Tôi vẫn nghĩ Jong Un sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc trong cuộc hội đàm thượng đỉnh song phương đầu tiên. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể hỗ trợ Triều Tiên về kinh tế và Jong Un hiểu rõ thực tế ấy”, Paik Hak Soon, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Sejong tại Hàn Quốc, khẳng định.