Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cung lao động đang thiếu cục bộ

Sự mất cân đối cung cầu xảy ra cục bộ tại một số địa phương lẫn ngành nghề, chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Đây là thực tế được Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chỉ ra trong Hội thảo “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19” tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 5/6.

Ông cho biết nhu cầu tuyển dụng năm nay của các doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021. Trong khi đó, nguồn cung lao động đang dần tăng trở lại, riêng quý I số lao động có việc làm là 50 triệu người, tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, ông nhận xét cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao. Một số địa phương, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.

Nguon cung lao dong dang thieu hut cuc bo anh 1

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: T.N.

"Quý I thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 người, gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng, cao hơn những năm trước khoảng 2-3%, chủ yếu thiếu hụt lao động phổ thông ở ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ và một số ngành bị tác động mạnh, phải dừng hoạt động dài như du lịch, giáo dục...", Thứ trưởng Lê Văn Thanh phân tích.

Điều đáng nói, trình độ người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu công nghệ, nhất là giai đoạn phục hồi khi nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, cơ cấu lao động giữa khu vực chính thức và phi chính thức vẫn chưa trở lại trạng thái trước dịch bệnh, còn thiếu động lực để chuyển dịch mạnh mẽ số lao động phi chính thức sang chính thức.

"Nhìn chung, mức độ phát triển của thị trường lao động còn ở trình độ thấp. Một số chính sách, quy định pháp luật và nhiều yếu tố thị trường chưa đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập và đòi hỏi của nền kinh tế", ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cũng nêu quan điểm.

Do đó, ông đề xuất các nhóm phương án về quản lý thị trường lao động, trong đó tập trung tạo việc làm bền vững, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thông qua môi trường làm việc, môi trường sống tốt. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia về lao động một cách hiện đại, hội nhập.

Riêng tại TP.HCM, sau làn sóng lao động ngoại tỉnh rời đi, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP - cho biết đang tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động nhằm bù đắp năng suất còn thiếu, cũng như tổ chức các cuộc đối thoại, thương lượng để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các bên trên thị trường lao động.

Về mặt dài hạn, TP.HCM xây dựng tổng hòa bộ giải pháp để theo dõi, quản lý, dự báo thông tin về thị trường lao động, trong đó kết nối cung cầu nội tỉnh và liên tỉnh với hệ thống dữ liệu được đầu tư bài bản.

Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia cũng cho rằng Chính phủ cần từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động gắn với an sinh xã hội nhằm có cơ sở thực tế cho các chính sách, hỗ trợ người lao động.

Mới có hơn 10.000 trong 3,4 triệu lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà

Đến nay các địa phương mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng trong tổng số 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất...

Doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng

Vừa thiếu lao động sau đại dịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa phải mở rộng sản xuất kinh doanh, các công ty đang tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng nghìn lao động.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm