Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng

Vừa thiếu lao động sau đại dịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vừa phải mở rộng sản xuất kinh doanh, các công ty đang tuyển dụng từ hàng trăm đến hàng nghìn lao động.

Chia sẻ với Zing, bà Mỹ Hạnh, phó giám đốc nhân sự một công ty dệt may ở Khu công nghiệp Mỹ Phước, Thị xã Bến Cát, Bình Dương, cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 400-500 lao động. Tuy nhiên, từ hôm khai trương mùng 7 Tết đến nay, doanh nghiệp chỉ tuyển được khoảng 60 người.

"Qua đợt dịch, lượng người nghỉ việc về quê khá lớn, chúng tôi hiện chỉ còn hơn 600 lao động, cần bổ sung sớm để bù đắp sự thiếu hụt này", bà Hạnh lý giải.

Mỗi doanh nghiệp cần hàng nghìn lao động

Theo bà Hạnh, năm nay nhiệm vụ tuyển dụng càng trở nên khó khăn hơn, bởi những người lao động ở quê còn nhiều, một phần vì ở quê họ cũng đã có nhiều công ty mới mọc lên. Đặc biệt, đa số nhân công ngành may là phụ nữ, trong khi thời gian này các trường học, lớp giữ trẻ chưa hoạt động ổn định trở lại, do đó họ chưa thể đi làm.

Tình hình tương tự cũng diễn ra tại TP.HCM. Trong khi đơn hàng xuất khẩu của đa số doanh nghiệp dệt may đã có đủ đến giữa năm, ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP (Agtek) - cho biết nhiều đơn vị đang lo lắng về lao động.

"Nguồn lao động cho ngành may tại TP.HCM vẫn thiếu gần 10% sau khi một số người về quê giữa đại dịch chưa trở lại. Dịp Tết cũng thường xảy ra tình trạng này nên các doanh nghiệp lo sự thiếu hụt sẽ càng trầm trọng hơn", ông nói.

Doanh nghiep mon moi cho lao dong anh 1

Dệt may, da giày là những ngành thiếu hụt lao động nhiều nhất hiện nay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy các doanh nghiệp trên địa bàn cần khoảng 30.000 nhân công do biến động lao động. Còn các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp đăng ký nhu cầu 51.000 lao động, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 80%. Lượng thiếu hụt tập trung ở ngành may mặc, giày da, cơ khí, điện - điện tử, chế biến...

Cơ quan quản lý lao động tỉnh Bình Dương cũng cho biết nhu cầu tuyển mới và bù đắp lượng lao động không trở lại làm việc là khoảng 40.000 người, trong đó có 70% là lao động phổ thông.

Khảo sát nhanh của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai tại hơn 400 doanh nghiệp lớn trong tỉnh ghi nhận nhu cầu tuyển dụng khoảng 42.000 lao động. Đơn cử, Công ty TNHH Pousung Việt Nam cần tuyển trên 5.000 lao động phổ thông, Taekwang Vina cần hơn 5.000 người, Pouchen Việt Nam thiếu hơn 3.000 lao động...

Ở khu vực phía Bắc, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty May 10, cũng cho biết thông thường người lao động sẽ đợi sau rằm tháng Giêng mới tìm việc mới, nên phải qua mốc thời gian này mới nhận định được chính xác.

May mắn là các nhà máy đặt tại các tỉnh, thành nông thôn nên không xảy ra tình trạng lao động về quê rồi không quay lại. Tỷ lệ lao động trở lại làm việc sau Tết đạt gần như 100%.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển thêm 3.000-5.000 lao động từ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Tĩnh... cho các dự án mới đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Hiện tại, ông cho biết đã thu hút được một số lượng lao động nhất định, tuy nhiên chưa nhiều.

Tìm đủ cách hấp dẫn lao động

Ông Đoàn Văn Nam - Phó giám đốc Công ty Cofidec (Bình Chánh, TP.HCM) cho biết với khoảng 1.200 công nhân hiện tại, doanh nghiệp còn thiếu khoảng 20% lao động để mở rộng quy mô, nhưng rất khó tuyển thêm.

“Đơn vị đang tập trung sử dụng nguồn lao động khoán từ các công ty cung cấp nguồn nhân lực. Hiện mức lương học việc tại công ty ở mức hơn 5,5 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các khoản phụ cấp làm thêm giờ, ăn cơm trưa”, ông nói.

Doanh nghiep mon moi cho lao dong anh 2

Các doanh nghiệp sản xuất tìm đủ cách kiếm lao động. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đưa ra các chế độ lương thưởng, phúc lợi tốt cho công nhân trong giai đoạn này.

Như ở Khu công nghệ cao TP.HCM, Công ty TNHH Nidec Việt Nam thông báo tuyển dụng 1.000 lao động phổ thông với mức lương từ 12,5-13,5 triệu đồng/tháng và nhân viên thời vụ với lương trên 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đưa ra các đãi ngộ tốt về phụ cấp đi lại, phụ cấp chuyên cần, thậm chí hỗ trợ chỗ ở cho những người chưa có phòng trọ.

Ở một số đơn vị khác, hoa hồng thưởng cho nhân viên giới thiệu người thân, bạn bè vào làm việc cũng ở mức vài triệu đồng. Có doanh nghiệp đích thân cử lãnh đạo đi xe khách xuống tận các địa phương để mời lao động đến làm việc.

"Công ty tôi cũng như nhiều đơn vị khác ở các khu công nghiệp xung quanh cũng đang điều chỉnh các chính sách tuyển dụng, lương thưởng nhằm hấp dẫn người lao động hơn. Hi vọng cuối tháng này hoặc sang tháng 3 tình hình sẽ ổn hơn chút", bà Mỹ Hạnh nói.

Doanh nghiệp tuyển lao động lúc người dân rời miền Tây sau Tết

Hàng chục nghìn lao động rời miền Tây để đi tìm việc trong khi các doanh nghiệp trong khu vực liên tục thông báo tuyển người.

Doanh nghiệp TP.HCM lo giải bài toán thiếu lao động sau Tết

Sau Tết Nguyên Đán, doanh nghiệp TP.HCM đau đầu với bài toán thiếu công nhân. Nhiều đơn vị tăng lương, thưởng và đãi ngộ để giữ chân người lao động.

Lan Anh - Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm