Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) chia sẻ tại tọa đàm "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/5.
"Vì các địa phương mới hoàn thành phê duyệt kế hoạch, chủ yếu ở phía Nam nhiều hơn. Đến nay, các địa phương mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng cho hơn 10.000 lao động. Con số này đang còn nhỏ so với yêu cầu là 6.600 tỷ đồng cho gần 4 triệu lao động", ông thừa nhận.
Lãnh đạo Bộ này cho biết vừa đi đôn đốc các địa phương một số tỉnh miền Trung, Nam, Bắc để trong tháng 6 cơ bản lập được hết danh sách. Ông lý giải nhiều nơi muốn dồn ba tháng (4, 5, 6) lại nhận tiền một lần, nên làm còn chậm.
"Người lao động cũng cần phải chủ động hơn, vì phải chủ động viết đơn, có xác nhận của nhà trọ gửi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có cơ sở lập danh sách. Chúng tôi cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động, liên đoàn lao động địa phương đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách gửi thẩm định", ông nói.
Theo ông Thanh, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần người lao động viết đơn, có giấy xác nhận của chủ trọ, gửi cho doanh nghiệp để lập danh sách gửi BHXH xác nhận, sau đó trình cho UBND cấp huyện thẩm định, rồi tỉnh phê duyệt là chuyển tiền được ngay cho người lao động.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, có đến 2,2 triệu người từ thành phố, từ khu kinh tế trọng điểm về nông thôn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Vừa rồi chúng tôi đi kiểm tra và thấy rằng về cơ bản các địa phương đã ban hành hết kế hoạch để triển khai. Tuy nhiên, vẫn chậm hơn so với mong muốn. Đáng lẽ từ đầu tháng 4 nhưng đến nay, các địa phương vẫn đang phê duyệt, một số đã chi trả", ông nói.
Dự kiến, khoảng 3,4 triệu lao động với tổng kinh phí là 6.600 tỷ đồng. Hiện nay, một số địa phương đã phê duyệt được gần 10.000 lao động với số tiền hơn 33 tỷ đồng.
"Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa làm sao trong tháng 5, 6 để người lao động cơ bản nhận được số tiền này. Thời gian thực hiện đến 15/8 sẽ kết thúc, hoàn thành được việc này", ông cho hay.
Còn về lâu dài, ông cho rằng cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động.
Trước đó, tại Quyết định 08 ban hành ngày 28/3, Chính phủ quyết định hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đang ở thuê, ở trọ từ ngày 1/2 đến 30/6.
Đồng thời, người lao động phải có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4, đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Theo quy trình, kể từ khi gửi đơn đăng ký nhận hỗ trợ tiền thuê trọ, người lao động mất tối thiểu 11 ngày để nhận được hỗ trợ.
Đồng thời, để thúc đẩy người lao động quay lại thị trường, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng tiền thuê nhà trọ với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu chế xuất hoặc khu vực kinh trọng điểm; đang ở thuê, ở trọ từ 1/4 đến ngày 30/6.
Thời hạn hỗ trợ 3 tháng, phương thức chi trả theo từng tháng.