Người Việt Nam thường bày biện chu toàn bàn thờ gia tiên vào ngày Tết. Ảnh: Phạm Thắng. |
Thạc sĩ Nguyễn Đức Bá hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu Bảo tồn Di sản tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về phong tục, văn hóa như Phóng sinh dưới góc nhìn Phật pháp và đời sống, Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt...
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Bá cho biết Tết, theo quan niệm tâm linh phổ biến của người Việt Nam, là dịp để các tiên tổ quy tụ về, sum vầy với con cháu. Bàn thờ gia tiên được cho là sẽ biểu hiện cái tâm của gia chủ hướng về tổ tiên như thế nào.
"Có tâm là quý nhưng tâm cũng nên đúng"
- Ông đã chuẩn bị tư liệu và viết cuốn "Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt" như thế nào để sách ra mắt bạn đọc đúng dịp Tết này?
- Cuốn Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt tôi không tập trung liền mạch mà viết lẻ tẻ nên thời gian khá lâu. Ba năm trước, tôi viết về chất liệu gỗ để làm bàn thờ, năm kia tôi viết về quy cách bài trí trên bàn thờ, năm nay tôi viết về các thế lạy.
Tôi học Hán-Nôm, thường nghiên cứu các văn bản cổ trong viện Hán-Nôm, thư viện Quốc gia. Sau khi nghiên cứu lý thuyết trong sách, tôi đi thực tế để kiểm nghiệm nữa. Ví dụ, sau khi đọc về chất liệu gỗ, tôi đi về các làng nghề để phỏng vấn các nghệ nhân sản xuất đồ thờ, để xem từ trước đến giờ, các cụ dùng chất liệu gỗ có như sách nói không. Tôi cũng muốn xem thực trạng làm bàn thờ nữa, xem có khớp với sách cổ hay không.
ThS Nguyễn Đức Bá tại phòng làm việc ở Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo. Ảnh: Minh Hùng. |
Tôi cũng đã đến những nơi được cho là trung tâm của thờ tự, như miếu, nhà thờ của những vị tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa ngày xưa, nhà thờ Giang Văn Minh, nhà thờ họ Lê, xem họ bài trí như thế nào. Kết hợp lý thuyết với thực trạng xong tôi mới đưa ra sách.
Đương nhiên, có một điều là sau khi nghiên cứu xong, tôi nhận thấy có một số nghi thức nay người ta thường làm thực ra là làm sai. Cho nên tôi viết sách, mong định hướng lại những nghi thức.
- Ông có thể nêu một vài ví dụ cho các nghi thức đó?
- Đơn cử, ngày nay bày bàn thờ người ta hay bày 2 bình hoa, 2 đĩa hoa quả... Đó là tư duy của người dương, quan niệm xa xưa là người âm tư duy chỉ 1 thôi: 1 bình hoa, 1 đĩa quả. Ngày nay người ta cũng hay xếp hoa quả quá cao, che mất bài vị, đúng ra là nên để chếch ra. Đó là những nghi thức có ý nghĩa. Bây giờ người ta hay làm tùy hứng.
- Có thể coi những thay đổi trong bài trí bàn thờ là cải tiến không?
- Cải tiến ấy là theo tư duy và sở thích của người làm, chứ không phải cho đối tượng mình hướng đến. Sách hệ thống tư duy của cha ông ta ngày xưa giờ khó tiếp cận, vì vậy mọi người thực hiện lễ bái chỉ nghĩ: "Có tâm là được". Nhiều người còn đem đồ mặn, gà qué lên chùa Tam Bảo cúng...
Xin lấy một ví dụ khác: ngày xưa, rồng phượng là của hoàng gia, vua chúa thôi. Giờ người ta cũng tùy nghi rồi, bày biện bàn thờ đầy rồng phượng, kể cả rồng năm móng, với tinh thần ngày xưa là cấm tiệt, không ai nhà dân mà dám dùng đồ có rồng năm móng.
Tôi nghĩ góc nhìn của người đương đại đang ép "người xưa" phải theo. Chúng ta cúng tổ tiên là hướng đến những thế hệ trước, thế hệ sống trong thời phong kiến với tư duy của thời phong kiến, hồi đó người ta thấy rồng thấy vàng là phải tránh ra. Mình đặt rồng đặt vàng trước mặt các cụ, các cụ sợ chứ, ai dám phi vào mà ngồi.
Tôi nghĩ có tâm là quý nhưng tâm cũng nên đúng. Mong muốn của tôi là định hướng mọi người thực hiện thờ cúng sao cho đúng, tất nhiên tôi đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu để đi đến được những đúc kết thống nhất, những lễ quy chung. Đúng là nên cải biến cho đơn giản hơn, nhưng cái gì quy chuẩn thì không nên thay đổi.
- Việc định hướng phong tục lễ nghi hẳn không dễ?
- Tất nhiên là khó rồi. Nhưng giải thích ra thì nhiều người sẽ nghe. Do hiện nay kiến thức chưa được phổ biến rộng rãi thôi. Tôi nghĩ người ta không cố tình làm sai.
Thờ cúng đúng cách chính là phản ánh những giá trị cha ông ta để lại. Tôi nghĩ ta nên biết để gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.
Cúng gia tiên bắt nguồn từ chữ "hiếu", trở thành một giá trị dân tộc
- Văn khấn có tính chất truyền miệng, mỗi người khấn một kiểu, vậy làm thế nào để biết chọn văn khấn "đúng"?
- Đối với văn khấn gia tiên thì khi khấn còn tùy vào tôn giáo, tín ngưỡng và vùng miền. Văn khấn chung chung hiện nay thì chỗ nào cũng "Nam mô a di đà phật", đấy là tư duy của Phật giáo. Nhưng còn những người theo công giáo thì sao? Rồi những người theo đạo Cao Đài? Những dân tộc như Chăm-pa và Khơ-me cũng thờ mẫu riêng? Chúng ta không thể áp đặt mọi người phải khấn theo văn mình.
Trong sách, tôi đưa ra một cái nhìn khách quan hơn để mọi người hiểu rõ. Văn khấn trong Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt là văn khấn chung, rồi ai theo đạo nào sẽ tự bổ sung, kiểu "Con là con chiên" hay "Con là Phật tử"...
- Theo ông, tập tục thờ cúng gia tiên được hình thành và gìn giữ ra sao trong đời sống người Việt?
- Trong chương 1 sách Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt có nhắc tới. Từ nghìn xưa, người dân Việt vẫn luôn coi trọng Hiếu lễ.
Tục thờ cúng tổ tiên khởi phát từ lòng tri ân, nhớ ơn tiên tổ. Từ cảm niệm về tinh thần, người ta có hệ thống vật chất kèm theo, người ta tìm cách nói thế nào cho tỏ được ý cao nhất của ngôn từ - sinh ra văn khấn.
Sách Bàn thờ gia tiên và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Ảnh: NXB Tôn giáo. |
Hệ thống tư niệm gia tiên là chung, nhưng mỗi dân tộc lại có một cách trình bày khác nhau. Trong quan niệm riêng, người ta sẽ khấn người nào cai quản cao nhất đầu tiên.
Chữ "hiếu" cũng là một trong những tinh thần và cũng là quy định khắt khe của Nho giáo. Từ cái tinh thần ấy hướng đến vật chất để đưa tinh thần lên giá trị cao hơn. Từ những lời lẽ, cử chỉ khấn, tín thờ cúng gia tiên được hình thành. Điều này đã được ghi lại trong các văn bản từ thời Nho giáo. Đương nhiên, qua các thời kỳ, hệ thống tư duy này ngày càng phát triển, để rồi trở thành một quan niệm sống của người Việt.
Cho đến nay, hệ thống tư duy phong kiến không còn nguyên vẹn nữa, nhưng chữ "hiếu" vẫn được coi trọng. Người ta nhận định đây là một đạo lý thật và giữ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Chính chữ "hiếu" hình thành nên một tập tục không thể mất đi trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Tôi nghĩ chữ "hiếu" như một giá trị dân tộc rồi.
- Thờ cúng gia tiên vào dịp Tết có điểm gì đặc biệt, thưa ông?
- Tết là thời gian để quy tụ. Tết là dịp để người ta tìm về cội nguồn, để báo hiếu. Người ta dồn hết tâm tư, tình cảm, hành động, lời nói, cử chỉ để biểu hiện việc tri ân tiên tổ một cách cụ thể nhất trong thời gian này. Trong quan niệm tâm linh, Tết cũng là dịp để các tiên tổ quy tụ về, sum vầy với con cháu. Bàn thờ gia tiên được cho là sẽ biểu hiện cái tâm của mình hướng về tổ tiên như thế nào.
Tôi cho rằng đây là ngày mà mọi người chu toàn bày biện bàn thờ gia tiên nhất, đầy đủ hơn, sạch sẽ hơn. Người ta tin rằng đây là cơ hội duy nhất để thể hiện tất cả những gì đầm ấm, sung túc nhất, như một sự báo cáo thành tích với tổ tiên.
Có một quan niệm phổ biến cho rằng bàn thờ gia tiên ngày Tết thể hiện mối tương giao giữa người dương và người âm. Tất nhiên, cái giá trị cốt lõi chính là sự đoàn kết của con cháu, cùng thành kính, tri ân tiên tổ. Để thể hiện, người ta dùng vật chất. Dễ thấy trong ngày Tết, trên bàn thờ thường có cành đào, mâm ngũ quả... Hòa quyện cả vật chất lẫn tinh thần, bàn thờ gia tiên mới đạt được giá trị tối cao của việc thờ tự.
Cần nhớ, vật chất cần hàm chứa và truyền tải được giá trị tinh thần. Mâm cúng ngày Tết sở dĩ luôn quanh đi quẩn lại những món quen thuộc là vì để cúng cho người xưa. Việc cúng theo sở thích ăn uống của mình hay cúng theo sở thích của người xưa vẫn còn là một chủ đề nhiều tranh luận. Tôi nghĩ, bản chất của việc thờ tự là tri ân người đã khuất, vì vậy, việc chọn đồ cúng nên hướng đến người đã khuất. Đó mới là tinh thần của tín ngưỡng văn hóa này.