Cục Hàng không cho biết đã nhận được phản ánh của hành khách về việc một số hãng hàng không nước ngoài quảng cáo bán vé thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Hàng không Việt Nam đã liên lạc ngay với hãng hàng không nước ngoài để làm rõ.
Hãng hàng không nước ngoài xác nhận với Cục Hàng không Việt Nam là hãng không hề thực hiện các chuyến bay như quảng cáo nêu trên. Cục Hàng không Việt Nam cũng không cấp phép cho hãng hàng không này để thực hiện chuyến bay như vậy.
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá vụ việc này có các dấu hiệu lừa đảo để trục lợi từ hành khách đi tàu bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc với cơ quan chức năng để làm rõ thông tin nêu trên và có biện pháp để ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây tổn thất cho những hành khách có nhu cầu về nước cũng như hình ảnh của hãng hàng không.
Đồng thời, nhà chức trách hàng không cũng khuyến cáo công dân thường xuyên theo dõi, truy cập vào những nguồn thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT và của các hãng hàng không để cập nhật thông tin chính xác về việc hỗ trợ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19.
Theo nhà chức trách hàng không, thời gian gần đây xuất hiện hành vi lừa đảo để trục lợi từ hành khách đi máy bay trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: Diệp Anh. |
Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng trực tiếp đăng tải lịch thực hiện chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam theo Kế hoạch dự kiến của Cục Lãnh sự để hỗ trợ công dân Việt Nam về nước giai đoạn từ ngày 1/11 đến 31/12 để khách bay có thể tra cứu, tránh bị lừa đảo.
Trước đó vào tháng 7, nhiều người có nhu cầu trở về Việt Nam trong mùa dịch trên những chuyến bay đón công dân theo chủ chương của Chính phủ đã nhận được thư điện tử lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền vé máy bay.
Cụ thể, các đối tượng thường giả mạo hãng hàng không hoặc lãnh sự quán Việt Nam tại nước sở tại để gửi thư tới công dân có nhu cầu. Nội dung thư nói về việc công dân đã may mắn nằm trong nhóm được lựa chọn ưu tiên để chuyên chở về Việt Nam trên chuyến bay thương mại nhằm đón công dân về nước tránh dịch.
Thư điện tử lừa đảo còn kèm theo mã hiệu chuyến bay (không chính xác), chặng bay và giờ bay (không có thật) cùng giá vé và thông tin chuyển khoản để công dân thực hiện thanh toán, đặt chỗ.
Tuy nhiên, thông tin thanh toán trong thư điện tử lại thường là tài khoản ngân hàng cá nhân ở Việt Nam với mục đích chiếm đoạt tiền đặt vé. Giá vé ảo mà các đối tượng đề cập trong thư lừa đảo thường rơi vào khoảng 10-20 triệu đồng và yêu cầu hành khách phải gửi ngay trong 3 ngày để giữ chỗ trên chuyến bay.