Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cua ma cà rồng, dịch vụ ăn theo Arsenal hot nhất tuần qua

Cá massage, cua ma cà rồng... cùng những dịch vụ ăn theo chuyến du đấu của CLB Arsenal là những chủ đề làm nóng thị trường tuần qua.

Cua ma cà rồng, dịch vụ ăn theo Arsenal hot nhất tuần qua

Cá massage, cua ma cà rồng... cùng những dịch vụ ăn theo chuyến du đấu của CLB Arsenal là những chủ đề làm nóng thị trường tuần qua.

Cua ma cà rồng, cá mặt quỷ tiền triệu

Xu hướng chơi cua ma ma rồng (vampire crab) của người mê sưu tầm sinh vật cảnh xuất hiện ở cộng đồng quốc tế và chỉ lan truyền đến Việt Nam khoảng một năm nay. Tần suất xuất hiện những rao vặt về cua ma không nhiều, do loài vật này vẫn còn độ “hot”, và hiếm nhất định trong giới mê sưu tầm sinh vật cảnh.

 Dài chỉ từ 1 inch, tương đương với gần 3 cm trở lên, xong mỗi con cua ma được rao bán lên tới gần nửa triệu đồng, thậm chí cả triệu đồng ở thị trường sinh vật cảnh quốc tế.

Theo lời anh Tùng, nhân viên bán hàng một đại lý cá cảnh trên phố Yên Phụ, Hà Nội: “Người mua cua ma chủ yếu là khách trẻ, mua về để nuôi giống như nuôi các loại pet (thú cưng) hay những con tép cảnh vì giá phù hợp và không quá đắt đỏ”, anh Tùng tiết lộ. Mỗi con cua nhỏ chỉ khoảng 3-4 cm như cua đồng giá lên tới 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

Trên mạng mua bán trực tuyến, một con cua ma đực được rao bán 15 USD, còn con cái 25 USD, tương đương với hơn 300.000 đồng đến hơn 500.000 đồng/con. Mức giá nói trên áp dụng cho những năm 2011, đến nay, giá cua ma được nhiều người mê sinh vật cảnh quốc tế săn tìm đã lên tới 30-40 USD/con, tùy “giới tính” và màu sắc, kích thước.

Cá mặt quỷ có vẻ ngoài xấu xí như một hòn đá bám san hô nhưng lại là món ăn được nhiều người ưa thích.

Cá mặt quỷ có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại là món ăn được yêu thích với giá bán lên tới vài triệu đồng/con.

Tại một số nhà hàng ở Hà Nội và TP.HCM, cá mặt quỷ hiện được rao bán với giá khoảng 700.000 đồng đến 1,6 triệu đồng/kg. Trọng lượng trung bình của một con cá khoảng 1,5 đến 2 kg. Do đó, thực khách sẽ phải trả vài triệu cho một set ăn 4 người.

Là một loài cá nước mặn, cá mặt quỷ thường sinh sống tại những vùng nước nông dọc bờ biển. Chúng có vẻ ngoài xấu xí dến đáng sợ, và khả năng ngụy trang tài tình, trông không khác gì một tảng đá nên còn có một tên gọi khác là cá đá. Cá có thể sống trên cạn trong một vài ngày, nếu môi trường đảm bảo đủ độ ẩm. Ở Việt Nam, loài này có kích thước tương đối nhỏ, chỉ dưới 30cm.

Nếu được chế biến đúng cách, đây là món ăn khoái khẩu của nhiều người với vị giòn, ngọt, giúp tuần hoàn máu tốt, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

10.000 đồng một con cá massage

Xuất hiện trên các cửa hàng online từ ba năm nay, và từng gây sốt vào năm 2011, khi có khá nhiều cơ sở dự định mở dịch vụ này, một chú cá massage chỉ dài chừng 3cm và sống theo đàn lớn. Cá massage thường được các cửa hàng giới thiệu là cá bảy màu, các mún, cá sọc ngựa... do tập tính dễ nuôi, ăn rỉa và có kích thước nhỏ.

 
 Cá massage chỉ sống được ở nhiệt độ nước 20-25 độ C.

Các loài cá này từng được gọi dưới tên chung là Doctor Fish, với giá bán lẻ dao động từ 3.000 đồng đến 15.000 đồng/con. Thông thường, các cửa hàng bán cá massage chỉ giao hàng với số lượng trên 50 con. Nếu lấy nhiều, giá được chiết khấu từ 10% đến 30%, đã bao gồm cả phí vận chuyển. Sử dụng tốt nhất là khi cá đạt 4-5cm chiều dài, với mật độ tối đa là 1.500con/m2. Thức ăn chủ yếu là bánh đa mỏng được nhập khẩu, và không cho cá ăn quá nhiều, ăn quá no, một ngày ăn một bữa vào tối muộn để cá "chăm massage" và không bị béo phì.

Anh Huy, chủ một cửa hàng bán cá cảnh tại khu vực quận Ba Đình- Hà Nội, cho biết trước đây, có thời điểm cá massage có giá lên tới 20.000 đồng/con và cháy hàng: "Nhiều người đặt hàng lên tới hàng ngàn con, trong khi cũng yêu cầu lấy cá Thổ Nhĩ Kỳ vì chất lượng tốt, dễ nuôi lại không nhiễm khuẩn".

Tuy nhiên sau thông tin cảnh báo về việc dịch vụ này có thể gây nguy cơ lây truyền các bênh về da, thậm chí cả virus HIV, nhiều người đã bỏ ý định đến các cơ sở chuyên massage mà mua cá về nhà tự thực hiện. Dù cơn sốt cá massage không còn, nhưng theo anh Huy, số lượng bán vẫn khá ổn định, và giá có giảm nhẹ, thường là trên 10.000 đồng/con.

Ăn theo Arsenal, đút túi tiền triệu sau vài tiếng

Quán nước, hàng ăn, bán áo, cờ, băng-rôn... là những dịch vụ dễ dàng thu tiền triệu sau vài tiếng nhờ "ăn theo" trận đấu Việt Nam - Arsenal diễn ra tại sân Mỹ Đình.

Dịch vụ bán cờ, băng-rôn, đề can kiếm bộn tiền nhờ ăn theo trận Việt Nam – Arsenal.

Không bỏ lỡ thời cơ, nhiều dịch vụ ăn theo khác cũng phát sinh khi trận đấu giữa Việt Nam và Arsenal sắp diễn ra. Từ chiều 16/7, nhóm bạn 10 người của Nguyễn Minh Hoàng, nhà ở Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đã bán được gần 100 chiếc áo phông in biểu tượng “pháo thủ” Arsenal. Hoàng cho biết, buổi trưa muộn, cả nhóm bắt taxi từ Nghĩa Tân ra trước cửa sân vận động Mỹ Đình, mỗi người cầm một bọc đi chào khách. Đến hơn 8h30 tối 16/7, họ bán được tổng cộng gần 80 chiếc, với giá 2 loại là 50.000 đồng và 80.000 đồng.

Hầu như tất cả các dịch vụ ăn theo trận đấu này đều phát tài, khi lượng người đổ về sân mỗi lúc một đông. Một bắp ngô luộc bình thường khoảng 6.000 - 7.000 đồng thì ngay từ tối 16/7 đã được bán 10.000 đồng. Xúc xích rán từ 10.000 đồng đội lên 15.000 đồng, nước mía ngày thường 7.000 - 8.000 đồng/cốc đội lên 15.000 đồng.

Thu nhập trăm triệu từ nuôi lươn lót bạt

Các xã An Long, Phú Thành A (Tam Nông, Đồng Tháp) có hàng chục hộ nuôi lươn trong hồ lót bạt nilon. Mỗi đợt nuôi từ 8 - 12 tháng, xuất bán hàng chục tấn lươn thương phẩm, thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Xô ở ấp Long Thành, xã Phú Thành A cho biết: “Con lươn rất dễ nuôi, ít bị bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Người nuôi chỉ cần cho lươn ăn đầy đủ, chăm sóc, phòng ngừa bệnh đúng quy trình hướng dẫn… lươn phát triển nhanh và đồng đều”.

Nuôi lươn lót bạt giúp nhiều nông dân có thu nhập trăm triệu.

Hồ nuôi lươn được thiết kế rất đơn giản bằng cách lót bạt nilon hoặc xây tường xi măng lên cao 9 tấc trên một khoản sân trống thành hình chữ nhật, có thể thay nước dễ dàng.

Nguồn thức ăn cho lươn chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp có nhiều đạm và cá tạp nấu chín trộn với bộn gòn…Cứ đầu tư khoảng 3,5 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg lươn thương phẩm. Sau 8 tháng nuôi, anh Xô thu hoạch hơn 600 kg lươn, bán giá 107.000 đồng/kg, thu nhập hơn 63 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi hơn 20 triệu.

Nuôi lươn trong hồ lót bạt nilon và hồ xi măng trên cạn ở huyện Tam Nông vừa có nguồn thu nhập cao, lại giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây là mô hình độc đáo đang được nghiên cứu phát huy và nhân rộng … 

Nước chấm đánh đố nước mắm

Giữa ma trận hàng trăm loại nước mắm thật giả lẫn lộn đang bán trên thị trường, người tiêu dùng còn bị ngộ nhận khi doanh nghiệp lập lờ nước chấm chính là nước mắm.

Người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là nước mắm đúng tiêu chuẩn giữa hàng trăm loại nước chấm, nước mắm trên thị trường.

Trên thị trường hiện có nhiều loại nước mắm không ghi rõ chỉ số độ đạm, dù đây là chỉ số bắt buộc đối với nhà sản xuất. Một số nhà sản xuất lại ghi các thông tin độ đạm ở nơi khó nhìn thấy, ghi tên ký hiệu, cỡ chữ nhỏ, không rõ ràng…nhằm tránh sự chú ý của người tiêu dùng. Cũng có nhiều doanh nghiệp ghi hẳn lên nhãn là nước mắm nhưng chỉ có 5-7 độ đạm, đồng thời quảng cáo rầm rộ về những sản phẩm này.  

Một doanh nghiệp có thâm niên trong sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, còn cho biết để cạnh tranh, nhiều nhà sản xuất đã cho thêm các chất điều vị và phụ gia để tạo mùi thơm của nước mắm, vị ngọt của đạm, hoặc sử dụng biện pháp pha loãng nước mắm có độ đạm cao nhiều lần bằng nước muối để hạ giá thành. Nước mắm bị pha loãng, độ đạm rất thấp và nghèo dinh dưỡng nhưng đã bị phụ gia tạo mùi đánh lừa vị giác, nên người tiêu dùng vẫn tưởng là nước mắm ngon.

Bà Phan Triệu Nhất Tâm, giám đốc makerting công ty cổ phần thực phẩm Hồng Phú (thương hiệu nước mắm Kabin và Thái Long), cho rằng, trên thị trường hiện nay có quá nhiều loại nước mắm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều loại được cho là nước mắm nhưng không được làm từ cá mà chế biến bằng hương liệu, có mùi vị thơm ngon rồi bán rẻ, đánh lừa người tiêu dùng.

Cũng theo bà Tâm, nước mắm ngon hay dở thì yếu tố đầu tiên phải là độ đạm. Theo tiêu chuẩn hiện nay (TCVN 5107/2003), nước mắm tối thiểu phải đạt 10 độ đạm trở lên mới gọi là nước mắm, các loại gia vị dưới 10 độ đạm chỉ được gọi là nước chấm. Song nhiều doanh nghiệp cứ lập lờ, không làm rõ vấn đề này, còn người tiêu dùng luôn nhầm lẫn nước chấm cũng chính là nước mắm nên thường mua phải các loại gia vị không phải là nước mắm.

 H.L (tổng hợp)

Theo infonet

 H.L (tổng hợp)

Theo infonet

Bạn có thể quan tâm