Từ đầu năm đến nay, chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản ở TP.HCM ghi nhận sức mua không mấy khả quan. Nhưng những ngày gần đây, thị trường đã bắt đầu nhích dần nhờ hiệu ứng của các ngày lễ Noel, Tết.
"Dù cơ bản sức mua vẫn còn chậm nhưng tháng 12 chúng tôi cũng đã tăng trưởng khoảng 10-15%. Riêng 5 ngày qua, chúng tôi bán được 50-60 con cua hoàng đế, tôi nghĩ con số này khá ổn so với tình hình năm nay", ông Philip Nguyễn Kỳ, CEO Đảo Hải Sản và Lobster Bay nói với Zing.
Chờ đơn hàng 100 triệu đồng
Với tỷ trọng khách lẻ chiếm đến 90%, Đảo Hải Sản đang tập trung vào hai nhóm sản phẩm chính cho dịp Tết. Trong đó, phục vụ nhu cầu tiệc tùng có các loại hải sản tươi sống được ưa chuộng như cua hoàng đế, tôm hùm Alaska, cua lông Hong Kong, ốc hương... Chiếm doanh số ít hơn nhưng cũng đang tăng trưởng là nhóm sản phẩm đông lạnh, đóng gói phục vụ nhu cầu biếu tặng.
"Hiện tại chúng tôi vẫn đang chạy đua đơn hàng Tết, nhưng chủ yếu mới chỉ có những đơn hàng khoảng 8-9 triệu đồng. Còn những năm trước đơn hàng 80-100 triệu đồng là bình thường. Có lẽ 1-2 tuần nữa vào mùa tiệc sôi động hơn sẽ xuất hiện những đơn 'khủng' như vậy", ông nói.
Sát Tết, cua hoàng đế vẫn giữ mức giá ổn định, đang được đặt mua nhiều hơn. Ảnh: Lan Anh. |
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Trường - CEO Hải sản Hoàng Gia cũng xác nhận sức mua những ngày gần đây đã bắt đầu tốt hơn. "Doanh số đang tăng lên, đặc biệt là cuối tuần, lễ, Tết tăng gấp 3 lần ngày thường, nhưng tất nhiên vẫn chưa bằng các năm trước", ông chia sẻ.
Thực tế, chị Phương Uyên (42 tuổi, sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết dịp Noel vừa qua chỉ mua vài con tôm hùm Alaska và ốc hương để mở tiệc tại nhà với gia đình nhỏ. Chị dự định khảo sát trước giá cả cũng như cách chế biến mới để chuẩn bị cho tiệc tất niên có đông đủ người thân, bạn bè vào cuối tháng Chạp.
"Năm nay các kỳ nghỉ lễ dồn dập từ Noel cho đến Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, trong khi thu nhập lại bị ảnh hưởng nhiều, nên gia đình tôi quyết định dồn lại chỉ tổ chức một bữa tiệc lớn vào ngày cuối trước khi về quê. Nếu thưởng Tết ổn, có thể tôi sẽ vẫn mua một con cua hoàng đế về biếu bố mẹ như năm ngoái", chị chia sẻ.
Theo đại diện Hải sản Hoàng Gia, phân khúc khách hàng cao cấp vẫn tìm đến các loại hải sản nhập khẩu như cua hoàng đế, bào ngư, tôm hùm... Đặc biệt, Tết năm nay, lần đầu tiên doanh nghiệp nhập ốc vòi voi vàng trực tiếp từ Canada với sản lượng hơn 1 tấn nhưng đến nay đã bán gần hết cho cả khách lẻ lẫn sỉ.
"Ốc vòi voi vàng Canada có giá lên đến gần 2,5 triệu đồng/kg, mỗi con từ 1,3-2 kg. Đây là hàng tự nhiên, sản lượng ít nên phải đặt hàng trước cả tháng. Hiện chúng tôi đang đặt thêm hơn 1 tấn nữa nhưng chưa có hàng", ông Trường nói thêm.
Giá Tết không tăng
Theo các doanh nghiệp, một phần lý do giúp sức mua tăng trưởng trở lại trong dịp Tết này là giá cả được giữ ổn định. Khác với mọi năm giá hải sản thường tăng cao vào cao điểm Tết, năm nay giá nhập vào của một số mặt hàng còn giảm 10-15% so với cùng kỳ các năm trước.
Nguyên nhân là nguồn cung hải sản đang dồi dào, trong khi sức mua từ khách hàng cá nhân lẫn kênh nhà hàng đều giảm. Mặt khác, với hải sản ngoại, giá cước tàu biển, xăng dầu giảm và giá USD hạ nhiệt, cũng như các đường bay kết nối đã dễ dàng hơn giai đoạn dịch bệnh.
Nói riêng về hải sản Canada, ông Behzad Babakhani - Tổng lãnh sự Canada tại TP.HCM cho biết hiệp định CPTPP đã hỗ trợ rất nhiều không chỉ trong vấn đề thủ tục, quy trình mà còn giúp giá cả tại Việt Nam gần như tương đương thị trường nội địa Canada.
Tính đến tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu hải sản Canada vào Việt Nam đã lên đến 87 triệu CAD, tương đương hơn 1.500 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Ốc vòi voi vàng Canada giá gần 2,5 triệu đồng/kg. Ảnh: Lan Anh. |
Dù vậy, cá biệt vẫn có một số mặt hàng tăng giá đến 20-30% như tôm hùm, bào ngư do các nước đang có bão tuyết, nhiệt độ xuống thấp khiến ngư dân không đánh bắt được.
Khảo sát của Zing tại các cửa hàng hải sản lớn ở TP.HCM cho thấy cua hoàng đế Alaska đang được bán với giá khoảng 1,6-2,1 triệu đồng/kg, tôm hùm Alaska 0,8-1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm Tây Australia 1,7-1,9 triệu đồng/kg, bào ngư Hàn Quốc 0,9-1,1 triệu đồng/kg, bào ngư Australia 1,3-1,4 triệu đồng/kg tùy kích thước và cửa hàng...
Nhìn nhận về năm 2023, ông Trường dự báo thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn do lạm phát và bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu. Dù vậy, ông kỳ vọng sức mua sẽ dần ổn định, đặc biệt khi khách du lịch Trung Quốc quay lại Việt Nam có thể đẩy doanh số tại các nhà hàng.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng giá hải sản sẽ tăng khi Trung Quốc mở cửa, bởi nhu cầu của thị trường này rất lớn, có thể gây thiếu hụt nguồn cung cho thị trường Việt Nam", ông nhận định.
Trước những biến động sắp tới của thị trường, ông Philip Nguyễn Kỳ cho biết năm 2023 sẽ tiếp tục phát triển hệ thống phân tích dữ liệu khách hàng, từ đó cá nhân hóa các giải pháp quảng cáo nhằm tối ưu chi phí và gia tăng hiệu quả. Doanh nghiệp đồng thời tập trung hơn cho kênh bán hàng tại các siêu thị, đặc biệt với các dòng sản phẩm đóng gói.
Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...