Khi chỉ còn vài giờ nữa là đến cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ, các cử tri - bao gồm cử tri gốc Việt - đang cân nhắc kỹ lưỡng lựa chọn của họ.
Theo cuộc một cuộc thăm dò mới của PBS NewsHour/NPR/Marist được thực hiện một tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra ngày 8/11, trong số các cử tri độc lập (phi đảng phái), đảng Cộng hòa chiếm lợi thế 15% so với đảng Dân chủ, với 45% ủng hộ so với 30% dành cho đảng cầm quyền.
“Tôi không ủng hộ bất cứ đảng phái nào, nhưng năm nay tôi sẽ đi bầu cho đảng Cộng hòa”, ông James Truong, một người Mỹ gốc Việt sống tại Santa Ana, California, cho biết.
“Là một cử tri độc lập, tôi trung dung giữa hai chính đảng. Tôi đã bầu cho Thống đốc Florida Ron DeSantis và sẽ tiếp tục ủng hộ thống đốc. Tôi cho rằng ông DeSantis đang đóng góp thành công cho bang”, ông Đinh Công Bằng - chuyên gia tư vấn chính phủ điện tử, hiện làm việc tại cơ quan môi trường bang Florida - chia sẻ với Zing.
Trong khi đó, Khang Đinh, cũng là một cử tri độc lập, cho biết anh vẫn còn đắn đo và có thể sẽ không bỏ phiếu.
“Mỗi đảng đều có những chính sách tốt và không tốt theo quan điểm và hoàn cảnh của mỗi người. Việc của mỗi cử tri như chúng tôi là cân đo đong đếm lợi ích của mình để ủng hộ cho đảng mà mình cảm thấy có lợi hơn”, anh nói với Zing.
Chọn chính sách phù hợp, không chọn đảng
Dù đang sống ở bang mà đảng Cộng hòa chiếm ưu thế nhẹ, ông Bằng cho biết điều đó không phải là yếu tố quyết định việc ông sẽ bỏ phiếu cho đảng nào. Thay vào đó, các chính sách ông quan tâm mới là chìa khóa.
“Cử tri tại mỗi tiểu bang có thể có sự quan tâm khác nhau đôi chút, xu thế bầu cử tại từng tiểu bang, và chương trình cũng như hồ sơ của mỗi ứng cử viên sẽ quyết định kết quả”, ông nói.
Có cùng quan điểm, dù ở bang thường “xanh” (tức bang nghiêng về đảng Dân chủ), ông James Truong cho biết năm nay ông sẽ bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa để tham gia vào phong trào “đỏ” (ủng hộ đảng Cộng hòa) tại bang, vì không hài lòng với nhiều chính sách hiện tại của đảng Dân chủ.
“Có năm đảng Cộng hòa làm tốt, có năm đảng Dân chủ làm tốt. Thấy đảng nào có các chính sách hay và đưa nước Mỹ lên thì tôi ủng hộ”, ông thẳng thắn.
Ông chia sẻ thêm rằng bản thân mong muốn đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát ít nhất một viện trong quốc hội sau cuộc bầu cử này để tạo nên một hệ thống "kiểm soát và cân bằng" trong bộ máy quản lý để không đảng nào có quyền lực quá lớn.
Một cử tri trẻ tuổi xúc động trong lần đầu tiên được tham gia bỏ phiếu tại bang Ohio hôm 1/11. Ảnh: Reuters. |
Đinh Khang, sinh viên đại học ở Riverside, California, cho biết bản thân có nhận thấy một số vùng trong bang, đặc biệt là các hạt phía Nam, có phong trào “đỏ”.
Dù là bang “xanh”, California vẫn có những hạt trung lập, hoặc “đỏ”. Tại đây vẫn có ứng viên của đảng Cộng hòa mở các cuộc vận động tranh cử nhằm nỗ lực “đỏ hóa” bang, Khang cho biết.
Nói về quan điểm cá nhân, Khang chia sẻ cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay khiến anh khó chọn lựa. “Đảng Dân chủ cầm quyền hiện tại có những chính sách mà tôi cảm thấy có lợi hoặc phù hợp với quan điểm sống của tôi như hỗ trợ người nghèo, giảm tiền học, ủng hộ quyền phá thai, ủng hộ LGBT. Tuy nhiên, các vấn đề về quản lý người vô gia cư, chưa kiểm soát tốt tệ nạn và tội phạm khiến tôi không hài lòng”.
Chính sách kinh tế chưa hiệu quả
Trả lời Zing, ông Đinh Công Bằng nói rằng ông khá quan tâm đến cuộc bầu cử giữa kỳ lần này với những vấn đề đáng lưu ý khác nhau, đáng chú ý nhất là chủ đề kinh tế.
Theo ông, ở phạm vi liên bang, vấn đề đáng quan tâm nhất là phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và kìm hãm lạm phát. Ở phạm vi địa phương, vấn đề đáng quan tâm là tăng cường an ninh xã hội và duy trì phát triển.
“Do hiện trạng giá cả vẫn tiếp tục leo thang và đời sống tài chính ngày càng eo hẹp, tôi cho rằng đa số cử tri vẫn quan tâm nhất đến chủ đề kinh tế”, ông Bằng cho hay.
Theo kết quả cuộc thăm dò được ABC News và Ipsos công bố hôm 30/10, khoảng 50% cử tri cho biết nền kinh tế và lạm phát là hai vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này.
Nhận thấy sự quan tâm của cử tri, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đẩy mạnh truyền tải những thông điệp giảm lạm phát khi cuộc bầu cử sắp đến gần. Đáng chú ý, ông nêu bật những thắng lợi về mặt lập pháp của chính quyền ông vào đầu năm nay, bao gồm dự luật khí hậu, thuế và chăm sóc sức khỏe.
Hôm 16/8, Tổng thống Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, giảm giá thuốc kê toa và kiểm soát lạm phát. Việc thông qua đạo luật này từng được coi là một chiến thắng quan trọng trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sau thời gian chính quyền của ông Biden bị suy giảm uy tín nghiêm trọng.
Tuy chính phủ Joe Biden đã tung ra nhiều biện pháp kìm hãm lạm phát và phục hồi kinh tế, 8 trong số 10 cử tri bày tỏ nước Mỹ đang rơi vào tình trạng “vượt ngoài tầm kiểm soát”, theo một cuộc thăm dò công bố hôm 30/10 của CBS News-YouGov.
“Tôi cho rằng những biện pháp kìm hãm lạm phát của Tổng thống Biden gần như không có tác dụng vì vừa không kịp thời, vừa không tập trung, vừa không hiệu quả”, ông Bằng nêu quan điểm.
Ông Bằng chia sẻ rằng việc Tổng thống Biden tiếp tục kéo dài và tăng cường các chương trình trợ cấp tài chính trong và sau Covid-19 đã đặt gánh nặng rất lớn trên đồng USD, dẫn đến đồng tiền giảm sức mua liên tục và khó kìm hãm.
Bên cạnh đó, việc ông Biden cùng lúc ra luật xóa một phần nợ vay đại học lại chồng chất thêm gánh nặng cho đồng USD, khiến cho các biện pháp gần đây không đem lại nhiều hiệu quả.
Kết quả của cuộc bầu cử ngày 8/11 được đánh giá sẽ có ảnh hưởng to lớn tới 2 năm còn lại trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
“Tôi cho rằng đó (xóa nợ sinh viên) không phải là chính sách hay”, ông Bằng đánh giá. “Không có lý do cụ thể nào đủ mạnh để đem ngân sách ra phục vụ không phân biệt một nhóm nhỏ trong xã hội như sinh viên hoặc cựu sinh viên”.
Theo ông Bằng, sinh viên chỉ là một phần thiểu số trong tổng số người dân Mỹ và khoản nợ đại học chỉ là một trong số những khoản nợ khác của hộ gia đình tại Mỹ. Đây cũng là một khoản nợ mà người vay có lựa chọn và quyết định vay.
“Có rất nhiều loại nợ khác đáng quan tâm hơn nợ sinh viên. Ví dụ như người vay để mở doanh nghiệp nhỏ tự tạo công ăn việc làm cho bản thân, gia đình, và nhân công. Hoặc, những người rơi vào cảnh nợ nần do mắc bệnh, bị tai nạn, hoặc vợ chồng của họ đột ngột qua đời. Đây là những khoản nợ đáng quan tâm hơn nhiều cả về mặt phát triển kinh tế và nhân đạo”, ông Bằng chia sẻ.
Trong khi đó, anh Đinh Khang ở bang California đánh giá gói hỗ trợ xóa nợ sinh viên từ 10.000 đến 20.000 USD của đảng Dân chủ giúp ích phần nào cho nhiều người trong thời buổi khó khăn hiện nay, nhưng không phải là giải pháp có thể giải quyết được cốt lõi vấn đề.
“Là một sinh viên - đối tượng được hưởng lợi - chính sách này nếu được thông qua chắc chắn sẽ giúp ích tôi được phần nào, nhưng tôi thừa nhận rằng điều này có thể bất công với những người đã trả xong nợ sinh viên”, anh Khang nói.
“Dù gói hỗ trợ này có được thông qua, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không giải quyết được nguồn gốc khó khăn của sinh viên hoặc cựu sinh viên là chi phí sinh hoạt và học phí cao”. Anh Khang cho biết thêm học phí tại đại học công nơi anh theo học hiện khoảng 30.000 USD/năm.
Đồng quan điểm, ông James Truong tin rằng chính sách xóa nợ sinh viên tốt cho sinh viên, nhưng sẽ góp phần làm thâm hụt ngân sách do tiền thuế của người dân, đồng thời tạo ra sự bất công không đáng có.
Những vấn đề gây tranh cãi
Ngoài kinh tế, các cử tri Việt cũng đặt mối quan tâm lớn đến vấn đề người nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico, và cho rằng còn nhiều tranh cãi và chưa có sự thỏa đáng trong cách giải quyết từ cả 2 đảng.
“Thực trạng tình hình nhập cư cũng như chính sách nhập cư là một bức tranh ảm đạm bất kể nhìn từ phía nào, Dân chủ hay Cộng hòa. Trong hàng chục năm nay, không có một diễn biến lập pháp nào đáng kể về chính sách nhập cư mà chỉ là các điều chỉnh nhỏ hoặc tác động hành pháp của các thời tổng thống”, ông Bằng - người theo dõi chính trị lâu năm - nhìn nhận.
Ông cũng cho rằng cùng lúc, ở quốc hội không có diễn biến nào hiệu quả hướng đến tăng cường nhập cư hợp pháp và điều chỉnh theo nhu cầu phát triển kinh tế và đa dạng văn hóa của Mỹ.
Sau khi Tổng thống Biden lên nhậm chức, ông đã ngừng việc xây tường biên giới phía nam và nới lỏng các biện pháp quản lý nhập cư, dẫn đến sự gia tăng đột biến số người vượt biên vào Mỹ cũng như số người nước ngoài chịu rủi ro tìm cách vào Mỹ qua biên giới đường bộ.
Đối với công dân trong nước, tình trạng này cũng dẫn đến những rủi ro.
Là những người nhập cư hợp pháp, các cử tri Việt hiểu đảng của ông Biden đã có nhiều hỗ trợ đối với họ, nhưng cũng cho rằng các chính sách nhập cư quá lỏng lẻo ở biên giới Mỹ - Mexico “đang là một vấn đề lớn tạo gánh nặng cho người đóng thuế Mỹ”.
“Đa phần người nhập cư từ Mexico khi qua đây sẽ được chính phủ trợ cấp, sử dụng tiền đóng thuế của công dân Mỹ”, ông James Truong nói.
Cùng quan điểm đó, Khang thẳng thắn rằng anh “không thích cách chính phủ hiện thời tiếp nhận người nhập cư quá dễ dàng” vì điều này đang gây nên nhiều phiền não cho cuộc sống của chính anh.
“Các chính sách mở cửa nhập cư của đảng Dân chủ để lại những vấn đề nhức đầu, điển hình là tình trạng người vô gia cư. Họ chiếm dụng các khu vực công cộng. Tuy không phải tất cả, nhiều người vô gia cư có hành vi trộm cướp và gây mất an ninh công cộng”, Khang cho biết.
Anh nói rõ ngay gần trường đại học của mình, người vô gia cư tập trung rất nhiều và thường gây ra tệ nạn khiến sinh viên khá lo lắng. “Cứ 2-3 ngày, tôi lại nghe gần khu vực này có cướp, đánh nhau,...”, anh quan ngại.
Bên cạnh các tệ nạn do người vô gia cư đến từ biên giới phía Nam gây ra, Khang cho biết anh cảm thấy “đặc biệt không an toàn” với tình trạng tội phạm súng đạn đang gia tăng hiện nay.
Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, từ năm 2020 đến năm 2021, tỷ lệ các vụ giết người bằng súng tăng hơn 8%.
Tác giả báo cáo Thomas Simon, Phó giám đốc khoa học Phòng chống Bạo lực tại Trung tâm Quốc gia về Phòng chống Thương tích của CDC cho biết: “Điều đáng chú ý là súng đã được sử dụng trong phần lớn các vụ giết người (81%) vào năm 2021. Con số này tăng từ 79% vào năm 2020. Nhìn chung, đây là tỷ lệ phần trăm cao nhất mà chúng tôi từng thấy trong một thời gian dài và có thể là trong khoảng hơn 50 năm”.
Trong năm nay, Mỹ cũng đã ghi nhận nhiều vụ xả súng hàng loạt gây rúng động, điển hình là vụ xả súng tại trường tiểu học ở Uvalde, bang Texas, Mỹ vào trưa 24/5 khiến 21 người thiệt mạng. Tính đến ngày 3/11, Mỹ ghi nhận 580 vụ xả súng hàng loạt, theo Gun Violence Archive.
Tỷ lệ các vụ giết người bằng súng tại Mỹ tăng hơn 8% từ năm 2020 đến năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Khang thừa nhận các quy trình để sở hữu súng hiện này đã khá chặt chẽ, và rằng dù siết chặt hơn nữa, những người có ý đồ xấu vẫn có thể tìm cách có được súng. Nhưng với anh, “có cấm có lành”. Vì vậy, Khang cho biết anh hoàn toàn ủng hộ đảng Dân chủ trong việc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa luật súng.
“Tôi đã quá sợ hãi khi chỉ cần lướt trên Twitter, cứ vài ngày tôi lại thấy tin tức có bắn súng đâu đó chỉ vì xích mích nhỏ, chứ chưa kể đến các vụ xả súng lớn”.
Dẫu vậy, là một trong những vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ nhất ở Mỹ, không lạ khi ông Bằng và ông James Truong có quan điểm trái với Khang.
Theo ông James Truong, với luật súng hiện tại, những người muốn đăng ký sở hữu súng hợp pháp đều phải được kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng và trải qua 6 tháng chờ đợi, mỗi cây súng đã được đăng ký đều có số series có thể truy ra người đã hoặc đang sở hữu nó. Vì vậy, việc siết quá chặt luật súng “sẽ vô tình tước đi quyền lợi được sở hữu súng để tự vệ”.
“Cái mà đảng Dân chủ nên kiểm soát chặt hơn là thị trường súng ‘chợ đen’”, ông nêu quan điểm.
Ông Bằng cũng có cùng suy nghĩ, nói rằng “ở Mỹ, súng không chỉ là công cụ tự vệ mà còn là biểu tượng cho tự do của cá nhân và cộng đồng trước các thế lực áp bức”, và vì vậy ông không ủng hộ cách tiếp cận của đảng Dân chủ về luật này.
Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi không kém khác và ảnh hưởng đến quyết định của các cử tri Việt là quyền phá thai. Trong khi một số người ủng hộ quyết định của Tòa án tối cao Mỹ hồi tháng 6 trong việc đảo ngược phán quyết Roe v. Wade năm 1972 hợp pháp hóa việc phá thai, một số người cảm thấy thất vọng.
Sống ở California, một bang có truyền thống “xanh”, Khang cho biết dù đảng Cộng hòa có lên nắm quyền, đạo luật cấm phá thai ở trong bang cũng có thể không quá khắt khe.
Tuy nhiên, là người có em gái và có người thân, bạn bè nhiều nơi là phụ nữ trong độ tuổi mang thai, “tôi lo lắng họ có thể phải chịu luật cấm phá thai toàn diện ở các bang ‘đỏ’, bao gồm không được phá thai ngay cả khi bị cưỡng hiếp”.
“Tôi ủng hộ quyền tự do thân thể của phụ nữ miễn là họ phá thai trong khoảng thời gian cho phép của thai kỳ, tức khoảng dưới 15 tuần, hoặc trong những trường hợp mà thai phụ hoặc bác sĩ cảm thấy bất khả kháng”, Khang nói.
Ngoài ra, trong một số trường hợp thai phụ hoặc thai nhi gặp vấn đề về sức khỏe cần phải phá thai, bác sĩ ở các bang cấm phá thai triệt để có thể rất ngần ngại khi đưa ra quyết định, vì có thể họ sẽ bị phạt nặng, hoặc bị bắt, Khang lập luận thêm.
Tuy nhiên, khác với quan điểm của Khang, James Truong nói ông hiểu được phụ nữ có quyền “my body, my choice”, nhưng thẳng thắn thừa nhận bản thân là người “pro-life” (tức ủng hộ sự sống) nên không ủng hộ việc phá thai vào các giai đoạn muộn.
“Giả sử như một người phụ nữ bị hiếp dâm thì họ vẫn có thể uống thuốc ngừa thai khẩn cấp”, ông lập luận. James Truong cũng cho rằng các vấn đề sức khỏe của thai nhi hoặc thai phụ vẫn có thể phát hiện được trong các giai đoạn sớm và việc phá thai khi đó vẫn có thể thực hiện được.
Trong khi đó, ông Bằng có góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề, nói rằng ông “ủng hộ quyết định hồi tháng 6 của Tòa án Tối cao Liên bang trên khía cạnh nó cho phép mỗi tiểu bang tự quyết định với nhau họ muốn gì”.
“Cùng lúc, điều này cho phép công dân Mỹ có những lựa chọn tự do về nơi họ muốn sinh sống nếu họ cho rằng phá thai là điều quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ”, ông Bằng nói.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu Tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.