Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cư dân vườn địa đàng ở Iraq: 'Cuộc sống của chúng tôi thế là hết'

Vườn địa đàng ở Iraq đang trở nên khô cạn khi mực nước trong các đầm lầy đã xuống mức thấp nhất, đe dọa cuộc sống của người dân và đa dạng sinh thái khu vực.

Để chăn trâu, ông Hashem Gassed phải băng qua vùng đất nóng như thiêu đốt, trải dài 10 km ở miền Nam Iraq - nơi hạn hán đang tàn phá khu vực đầm lầy Mesopotamian thần thoại.

Vùng đầm lầy từng lớn bằng Xứ Wales - nơi được gọi là “Vườn địa đàng” trong Kinh thánh - đã bị hủy hoại bởi ba năm hạn hán với lượng mưa thấp, và lượng nước chảy dọc theo các nhánh sông bắt nguồn từ nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Iran suy giảm.

Thảm thực vật rộng lớn, từng xanh tốt một thời ở các đầm lầy Huwaizah, nằm giữa biên giới với Iran, đã bị “nướng khô” và trở nên úa vàng dưới nắng nóng. Khu vực đẹp nhất ở miền Nam Iraq, được gọi là "Al-Chibayish Marshes", cũng chịu chung số phận.

vuon dia dang o Iraq anh 1

Hạn hán đang tàn phá vùng đầm lầy Mesopotamian của Iraq. Ảnh: AFP.

Vùng đầm lầy miền Nam Iraq từng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2016, nhờ sự đa dạng sinh học và lịch sử lâu đời.

“Các đầm lầy là kế sinh nhai của chúng tôi. Chúng tôi thường đánh cá ở đây, trong khi bầy gia súc có thể ăn cỏ và uống nước”, ông Gassed, 35 tuổi, ở một ngôi làng gần Huwaizah, cho biết.

Nhưng giờ đây, khu vực này chỉ còn những lòng suối khô cạn, trơ đáy. Lượng nước trong hồ Um al-Naaj cũng giảm dần, biến nơi đây thành vũng nước bùn đục ngầu giữa mặt đất khô cằn, nứt nẻ.

Giống như người cha của mình, ông Gassed chăn trâu để kiếm sống. Nhưng gia đình ông giờ chỉ còn lại 5 con trong số 30 con trước đó. Những con khác đã chết hoặc bị bán khi gia đình phải vật lộn để kiếm sống.

Vì vậy, các thành viên trong gia đình giờ đều trông chừng kỹ lưỡng số trâu còn lại, lo sợ rằng những con vật yếu ớt, thiếu ăn có thể rơi xuống bùn và chết.

“Chúng tôi đã biểu tình phản đối hơn hai năm và không ai lắng nghe”, ông Gassed nói. "Chúng tôi không biết phải đi đâu. Cuộc sống của chúng tôi thế là hết".

"Không còn cá nữa"

Nép mình giữa hai con sông Tigris và Euphrates, vùng đầm lầy Mesopotamia từng là quê hương của hàng triệu loài chim và cả lực lượng chống đối nhà độc tài Saddam Hussein.

Vào năm 1991, ông Hussein đã ra lệnh rút cạn vùng đất như một hình phạt đối với những người bản địa vì đã chứa chấp quân nổi dậy, và để săn lùng nhóm này dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, khu vực này sau đó đã dần hồi sinh nhờ những cơn mưa quý giá.

Nhưng từ tháng 8/2020 đến nay, 46% vùng đầm lầy ở miền Nam Iraq, bao gồm cả Huwaizah và Chibayish, đang ngày càng khô cạn, theo tổ chức PAX của Hà Lan.

41% diện tích đầm lầy khác cũng bị giảm mực nước và độ ẩm, theo dữ liệu vệ tinh.

vuon dia dang o Iraq anh 2

Ảnh chụp từ trên không cho thấy một phần đầm lầy phía nam Chibayish vào ngày 24/7. Ảnh: AFP.

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên Hợp Quốc tại Iraq cảnh báo các đầm lầy là "một trong những khu vực nghèo nhất ở Iraq và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu".

Nó đã gây ra "tác động tai hại" đối với hơn 6.000 gia đình - những người "đang mất đi trâu bò, tài sản sống duy nhất của họ".

Đa dạng sinh học cũng có nguy cơ bị đe dọa. Theo UNESCO, vùng đầm lầy là nơi sinh sống của "nhiều quần thể loài bị đe dọa" và là điểm dừng chân quan trọng của khoảng 200 loài chim di trú.

Nhà hoạt động môi trường Ahmed Saleh Neema cho biết "không còn cá", lợn rừng hay thậm chí là một phân loài rái cá lông mượt nào trong đầm lầy.

Trở thành sa mạc

Ông Gassed cho biết bề mặt đầm lầy Huwaizah được cung cấp nước bởi hai nhánh của sông Tigris, bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng dòng chảy của chúng đang giảm.

Trong khi đó, chính quyền Iraq đang lấy thêm nguồn nước từ đây để đáp ứng các nhu cầu khác.

"Chính phủ muốn bảo tồn lượng nước lớn nhất có thể", ông nói, than thở về "việc chia sẻ nước không công bằng" và "quản lý (tài nguyên) yếu kém".

Sau áp lực từ những người biểu tình, nhà chức trách đã mở một phần các van, nhưng sau đó lại đóng chúng, ông cho biết thêm.

Về phía Iran, quần đảo Huwaizah, được gọi là Hoor al-Azim, cũng đang phải trải qua tình cảnh tương tự.

Hãng thông tấn nhà nước Irna của Iran gần đây đưa tin “vùng đất ngập nước giờ đây phải đối mặt với căng thẳng về nước và hiện khoảng một nửa thuộc phía Iran đã khô cạn”.

Ông Hatem Hamid, người đứng đầu trung tâm quản lý nước của chính phủ Iraq, cũng nói rằng "về phía Iran, con sông chính cung cấp nước cho đầm lầy Huwaizah đã bị cắt hoàn toàn trong hơn một năm".

Bên cạnh đó, ông thừa nhận nhu cầu nước của các trang trại và đầm lầy ở Iraq chỉ được đáp ứng một nửa, vì các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ trữ lượng và cố gắng đáp ứng một loạt mục đích sử dụng, trong đó nước uống là "ưu tiên" hàng đầu.

vuon dia dang o Iraq anh 3

Một người phụ nữ đang chăn trâu ở vùng đầm lầy Huwaizah gần al-Amarah, miền Nam Iraq. Ảnh: AFP.

Các quan chức Iraq chỉ ra những con kênh và những con suối nhỏ đã được cải tạo để bổ sung thêm nước vào đầm lầy, và những khu vực khô cằn - nơi một số gia đình đã di dời.

Dù vậy, "(chúng tôi) vẫn không thể bù đắp được lượng nước bốc hơi rất cao trong các đầm lầy" khi nhiệt độ vượt qua 50 độ C, ông nói thêm.

Ở Chibayish, ảnh hưởng của hạn hán được thấy rõ đối với Ali Jawad, người cho biết hàng chục gia đình đã rời bỏ ngôi làng mà anh đang sinh sống.

"Họ di cư đến các khu vực khác, tìm kiếm những nơi có nước", chàng trai 20 tuổi cho biết.

"Trước đây khi chúng tôi đến đầm lầy, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí bình yên với cây xanh và nước", anh nói thêm. "Nhưng bây giờ nơi đó giống như một sa mạc".

'Vành đai nhiệt khắc nghiệt' đe dọa 100 triệu người ở Mỹ

1/4 diện tích đất tại Mỹ, nơi sinh sống của hơn 100 triệu người, sẽ phải hứng chịu nhiệt độ hơn 52 độ C trong ba thập kỷ tới, bao gồm bang có tốc độ dân số tăng nhanh như Texas.

Sông hồ ở châu Âu đang bị bức tử

Châu Âu đang oằn mình trước trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử lục địa, với hàng loạt sông, hồ cạn nước nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của người dân.

Minh An

Bạn có thể quan tâm