"Giống như có cơn sóng thần đổ xuống từ ngọn đồi. Tiếng ồn như thác Huka", ông Rikki Reed kể lại khoảnh khắc nước lũ quét qua Esk Valley sau bão Gabrielle ở New Zealand.
Là nhân viên một nhóm làm đường vào ban đêm, ông Reed đã hỗ trợ người khi cơn bão cuốn qua, khiến nhiều tuyến đường cao tốc bị phong tỏa khi cây đổ.
Căn nhà của ông Reed đã bị ngập, và ông không biết liệu mình có thể trở về nhà, hay sắp tới sẽ còn chuyện gì xảy ra. Là công nhân về hạ tầng thoát nước, ông hiểu về địa hình ở Esk Valley biến nơi đây dễ chịu thiệt hại lớn do lũ lụt, và cần có những biện pháp bảo vệ. Song, các biện pháp gia cố cũng không phải là điều dễ dàng.
Cơn bão Gabrielle đã qua nhưng mối lo lớn hơn còn hiện hữu trong người dân và chính phủ New Zealand. Đó là việc một số khu vực dân cư được đánh giá là sẽ chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai sẽ phải cân nhắc giữa việc di dời hay ở lại và chịu rủi ro, trong bối cảnh thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn.
Bài toán khó cho New Zealand
Mong muốn giữ nhà, nhưng đi kèm với nhận thức rằng những ngôi nhà của mình rất dễ thiệt hại từ những cơn lụt trong tương lai, đang bao trùm tâm trí hàng chục nghìn người New Zealand. Đây cũng là thách thức mà chính phủ cần giải quyết, theo Guardian.
Hiện nay, đất nước lại gặp bài toán khó về việc liệu có nên đầu tư xây dựng lại hạ tầng của những khu vực dễ gặp thiên tai hay không, khi biết rằng nơi đó sẽ tiếp tục chịu thiệt hại nghiêm trọng sau những cơn bão hay lũ lụt trong tương lai.
Quân đội New Zealand cứu hộ bằng trực thăng ở Esk Valley hôm 15/2. Ảnh: AP. |
"Sẽ có những cuộc đối thoại khó khăn cho New Zealand về nơi ở", Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson nói hôm 19/2.
Ông Rikki Reed là một trong số hàng trăm nghìn người New Zealand sống trong những khu vực có nguy cơ chịu tác động nặng nề do thời tiết khắc nghiệt. Các nhà khoa học đồng tình rằng thời tiết cực đoan như lũ lụt và bão sẽ xuất hiện thường xuyên và với cường độ lớn hơn.
Theo kế hoạch thích ứng quốc gia của chính phủ New Zealand, có 1/7 người dân (khoảng 675.000 người) sống trong những khu vực dễ chịu tổn thương từ lũ lụt, và hơn 72.000 người khác sống ở những nơi mực nước biển dâng nhanh chóng.
Một số nơi có thể phòng ngừa bằng việc dựng tường chắn biển, bờ ngăn lũ, hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt. Tuy nhiên, ở những nơi khác, việc đầu tư sẽ rất tốn kém hoặc không khả thi, khiến những người sống ở đó phải chịu rủi ro khi thiên tai ập đến bất cứ lúc nào.
"Từ ngữ mà những người New Zealand sẽ nghe trong vài năm tới là 'rút lui có quản lý' (managed retreat)", ông Robertson nói.
Theo trang Zurich, "managed retreat" là thuật ngữ được đề cập trong kế hoạch thích ứng khí hậu của New Zealand hồi tháng 8/2022. Theo đó, nó bao gồm các quy trình di dời người dân và các công trình ra khỏi những nơi dễ tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu.
Đây không phải khái niệm mới, song việc thiên tai liên tục xuất hiện tại New Zealand khiến nó một lần nữa được chú ý.
Thời gian gấp rút
Với chính phủ New Zealand, họ phải quyết định rủi ro thiên tai ở khu vực nào là có thể chấp nhận được, để tiếp tục rót vốn tái thiết lại hạ tầng quan trọng.
Theo giáo sư Ilan Noy, Chủ tịch bộ phận Kinh tế về Thảm họa và Biến đổi Khí hậu tại Đại học Victoria, cho rằng chính phủ cần phải sớm đưa ra quyết định, trước khi người dân bắt đầu xây dựng lại nhà cửa bị hư hại sau bão Brielle.
Trước đây, chính phủ New Zealand từng buộc người dân sơ tán sau thảm họa tự nhiên.
Sau trận động đất ở Christchurch (năm 2011), khoảng 8.000 ngôi nhà bị liệt vào “vùng đỏ” - được coi là “khu vực không ổn định để duy trì sự phát triển dân cư”. Chính phủ đã mua lại khu đất đó và chuyển đổi thành công viên. Ông Ilan Noy cho rằng New Zealand có thể áp dụng biện pháp tương tự sau cơn bão Gabrielle.
Người dân ở New Zealand đi nhận cát để chống lũ. Ảnh: Reuters. |
“Thật đau đớn khi yêu cầu người dân phải rời khỏi khu vực họ đã sống trong thời gian dài. Nhưng chúng ta đang sống trong một thế giới luôn thay đổi. Chúng ta không thể bỏ qua thực tế rằng khí hậu đang biến đổi và chúng ta cần thích nghi với điều đó”, ông Ilan Noy nói.
Không chỉ hạ tầng dân cư, các công trình công cộng cũng hư hại nặng nề, đặt ra thêm những khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách.
Hạ tầng của công ty điện lực nhà nước Transpower ở đảo Bắc đã hư hại nặng nề sau cơn bão. Các tuyến đường bị chặn do lở đất, nhiều cây cầu bị cuốn trôi.
Vào ngày 20/2, chính phủ thông báo chi 250 triệu USD sửa chữa khẩn cấp mạng lưới đường bộ, cùng 50 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu. Bộ trưởng Tài chính Robertson ước tính chi phí khắc phục hậu quả thiên tai có thể lên đến hàng tỷ USD.
“Chúng tôi có đủ công cụ để sửa chữa”, Giám đốc Transpower Alison Andrews nói. “Nhưng chúng ta cần ngồi xuống suy nghĩ rằng: Kế hoạch lâu dài là gì?”.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.