Tính đến sáng 13/5, Bộ Y tế Gaza cho biết tổng số người chết kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công là 69 người, bao gồm 17 trẻ em và 8 phụ nữ. Hơn 390 người khác bị thương. Bên kia chiến tuyến, ít nhất 6 người Israel, trong đó có 1 trẻ em, cũng đã thiệt mạng, theo Al Jazeera.
Quân đội Israel cho biết khoảng 1.500 quả tên lửa đã được bắn từ Gaza tới các địa điểm khác nhau ở Israel. Lực lượng không quân Israel vẫn đang tiếp tục tấn công các tòa nhà ở Gaza, bao gồm cả văn phòng An ninh Quốc gia Hamas.
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào Thành phố Gaza. Ảnh: AP. |
Tấn công cơ quan đầu não
Ngày 11/5, máy bay phản lực của Israel đã bắn sập một tòa nhà chung cư 8 tầng. Đây là nơi phó chỉ huy Lữ đoàn Gaza của lực lượng Hồi giáo Jihad Hassan Abu al-Ata đang trú ẩn.
Việc sát hại Abu al-Ata chỉ là một trong những vụ tấn công của Israel nhắm vào các nhân vật quân sự Hamas và Hồi giáo Jihad. Các quan chức an ninh Israel thừa nhận đây là một chiến dịch ám sát.
Lực lượng Hamas cũng xác nhận rằng chỉ huy Thành phố Gaza đã thiệt mạng trong một vụ không kích khác vào ngày 12/4. Bassem Issa là nhân vật quân sự cao cấp nhất của Hamas bị Israel sát hại kể từ cuộc chiến năm 2014. Ngoài chỉ huy Issa, một loạt các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Hamas cũng thiệt mạng.
Quân đội và tình báo Israel cho biết họ cũng đã thực hiện các cuộc không kích giết chết nhiều thành viên cấp cao của Lữ đoàn al-Qassam ở thành phố Gaza và Khan Younis.
Người Palestine biểu tình tại trung tâm thành phố Ramallah, khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Ảnh: AFP. |
Từ thành phố Khan Younis ở phía nam cho đến Beit Lahia ở phía bắc Gaza, chưa có nơi nào tránh được các cuộc tấn công của Israel. Các vụ không kích phá hủy ôtô, nhà ở, tòa nhà chung cư và các đồn cảnh sát do Hamas điều hành, khiến không khí chỉ toàn mùi chất nổ và bụi bê tông.
Đến sáng 12/5, một bức tường khói đen đã bao phủ toàn thành phố Gaza. Theo người dân địa phương, cuộc tấn công mới nhất đã đánh sập một trụ sở cảnh sát. Một trong những tòa nhà bị tấn công cũng đang được sử dụng bởi Bộ Nội vụ của Hamas.
Các cuộc tấn công vào các tòa nhà chung cư đã gợi lại cho người dân tại Gaza ký ức đáng sợ về năm 2014. Vào thời điểm đó, các tòa nhà cao tầng của thành phố cũng bị tấn công. Chiến thuật này của Israel đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra liệu có phải là tội ác chiến tranh hay không, theo The Guardian.
Trước hành động của Israel, người phát ngôn của lực lượng Hồi giáo Jihad cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả các hành động gây hấn của Israel. Chúng tôi sẽ không lùi bước cho dù cái giá phải trả lớn thế nào”.
Tấn công cả dân thường
Samah Haboub, người mẹ của 4 đứa con, mô tả việc những quả tên lửa phóng ngang qua cửa sổ phòng ngủ là một “khoảnh khắc kinh hoàng”. Cô và 4 đứa con, có độ tuổi từ 3 đến 14, hoảng loạn chạy xuống cầu thang bên trong khu nhà. Những người dân khác cũng phải chạy trốn khỏi căn hộ của mình. Rất nhiều người khóc và la hét.
“Hầu như không có nơi nào an toàn ở Gaza”, cô nói.
Tại khu phố Tal-al Hawa, phía nam thành phố Gaza, Saeed al-Khalil bị thương khi nhà hàng xóm bị trúng tên lửa. “Một khu chung cư của người dân đã bị tấn công mà không có cảnh báo trước”, ông cho biết. Các cuộc tấn công của Israel thường được báo trước bằng một phát súng cảnh cáo. Tuy nhiên, đôi khi máy bay Israel quên thực hiện hành động này.
“Một phần tường nhà và kính rơi vào người tôi và vợ tôi. Tôi bị gãy tay trái trong khi vợ tôi bị thương ở lưng và chân. Tôi đã qua đêm tại bệnh viện, sau đó đưa bốn đứa con đến nhà anh trai tôi ở một khu vực lân cận”, ông al-Khalil nói với phóng viên.
Người dân cầu nguyện cho một nạn nhân thiệt mạng do tên lửa của Israel. Ảnh: AFP. |
“Tiếng bom nổ không ngớt. Trong lúc nằm viện, tôi không tài nào chợp mắt được. Chúng tôi đang chuẩn bị ăn mừng lễ Eid (kết thúc tháng ăn chay Ramadan). Tuy nhiên, chẳng còn lễ Eid, chỉ có sự kinh hoàng và máu đổ trong thành phố”.
Yousef Al Hammash, nhân viên tại Hội đồng Người tị nạn Na Uy, phải bỏ trốn khỏi nhà mình ở Beit Lahiya. Anh cùng với người vợ đang mang thai và con gái ba tuổi phải rời đi sau khi tòa nhà bị trúng tên lửa từ một máy bay không người lái của Israel.
“Chúng tôi nghĩ rằng vụ tấn công bằng máy bay không người lái là lời cảnh báo về một cuộc không kích lớn hơn. Vì vậy chúng tôi rời đi ngay khi có thể. Con gái tôi đã khóc suốt. Con bé không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi trấn an con bé rằng đấy là pháo hoa”.
Anh Hammash đã trở lại căn hộ vào ngày 12/5 để lấy quần áo và vật dụng cần thiết. Trong khi anh ở đó, một quả tên lửa đã bắn trúng căn hộ bên dưới. “Tôi nghe thấy tiếng nổ rất lớn và thực sự kinh hoàng. Khói bụi ở khắp nơi. Căn hộ đã bị phá hủy”.
Trên đường phố, hầu hết cửa hàng đã đóng cửa, chỉ còn một số cửa hàng tạp hóa và nhu yếu phẩm còn hoạt động.
Bạo lực đã khiến một lượng lớn người thương vong tràn về các bệnh viện ở Gaza. Có thời điểm, phóng viên của AP đã chứng kiến tên lửa của Israel bắn trúng một chiếc ôtô trong thành phố. Vụ tấn công khiến 5 người chết và 7 người bị thương, bao gồm cả phụ nữ.
Người thân khóc thương tại lễ tang Mohammad Daraghmeh tại làng Lubban ở Bờ Tây. Anh đã bị các binh sĩ Israel bắn chết khi đang ở trong ôtô. Ảnh: AP. |
Đối với hầu hết người Palestine ở Gaza, một câu hỏi quá quen thuộc nảy ra: Giữa lúc loạn lạc, chạy đến chỗ nào mới an toàn?
Fatima Ashour, một luật sư nói: “Tôi vô cùng kinh hãi. Tôi không thể ngủ được vì quá căng thẳng. Tôi từng sống trong một ngôi nhà trên tầng 8, tuy nhiên bây giờ tôi đang ở nhờ nhà bạn ở khu Tal al-Hawa”.
“Thật không may là khu vực đó đã chịu vụ không kích nặng nề nhất đêm qua. Nhà cửa, văn phòng chính quyền và đường phố đã bị phá nát. Tôi thực sự không biết mục đích, ý nghĩa của hành động bạo lực và đánh bom đó là gì. Việc đổ máu chẳng có nghĩa lý gì”, ông Ashour nói.
“Họ nói rằng tất cả điều này là để giúp đỡ Jerusalem. Nhưng khi chúng tôi giúp Jerusalem, ai sẽ giúp Gaza? Tôi thực sự không biết phải nói gì. Không có nơi nào an toàn tại Gaza”.
Màn “ăn miếng trả miếng” giữa quân đội Hamas và Israel là hậu quả của cuộc đụng độ giữa người biểu tình Palestine và lực lượng an ninh Israel tại Thánh đường al-Aqsa ở Jerusalem.
Người đứng đầu phong trào Hamas Ismail Haniyeh đã tuyên bố lực lượng này sẽ bảo vệ Jerusalem và nhà thờ al-Aqsa khỏi sự chiếm đóng của Israel. Hamas đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Israel rút lực lượng của mình khỏi nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Ngay sau khi hết hạn chót, Hamas đã bắn nhiều quả tên lửa vào Israel. Israel đã đáp trả bằng cách phát động các cuộc không kích vào dải Gaza.