Hơn một tháng nay, gia đình chị Nguyễn Vân ở chung cư Masteri An Phú (TP Thủ Đức) không dám ăn những món chiên, xào hay nặng mùi, do máy hút mùi của bếp không hoạt động.
Trong thời gian thành phố yêu cầu “ai ở đâu ở yên đó”, bất kỳ đồ gia dụng nào trục trặc sẽ khiến sinh hoạt của gia chủ bị ảnh hưởng. Các dịch vụ sửa chữa tạm ngưng, đồng thời cư dân cũng quan ngại về nguy cơ lây nhiễm nếu để thợ bên ngoài vào chung cư.
Ảnh hưởng sinh hoạt
Vì máy hút mùi hỏng, với tần suất nấu ít nhất 2 bữa một ngày, căn hộ của chị Nguyễn Vân ám đầy mùi đồ ăn. Các đồ nội thất quanh bếp như bàn ghế, kệ tủ, sàn cũng bị ám lớp dầu khá bẩn.
“Ở căn hộ chung cư đã kín mà bếp không có máy hút mùi thì khó chịu lắm. Tôi phải thay bữa ăn với các món luộc, hấp, canh để hạn chế sử dụng dầu mỡ. Đợi hết dịch mới gọi người tới sửa được”, chị Vân chia sẻ với Zing.
Tình trạng máy lạnh nhà chị Nguyễn Vân ở chung cư Masteri An Phú từ vài tuần trước vẫn chưa sửa được. Ảnh: NVCC. |
Không may nhà chị Vân còn bị hỏng máy lạnh phòng khách vài tuần nay, cứ bật lên là nước chảy ròng ròng xuống sàn. Chị phải tắt cầu dao máy lạnh để tránh chập điện.
“Tôi nghĩ do ở nhà dài ngày, sử dụng máy móc liên tục nên chúng dở chứng, bị quá tải hoặc đến kỳ bảo trì mà chưa được sửa vì đang giãn cách”, chị Vân nói.
Căn hộ của chị Thăng Luật ở tòa C2 chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) thì bị nước thấm ướt góc trần nhà, rò rỉ xuống ướt nệm phòng ngủ.
“Cả nhà tôi phải ngủ phòng khách hai ngày, người lớn thì không sao nhưng đứa con nhỏ khó ngủ do lạ chỗ. Tôi đã báo lễ tân nhưng chưa được hỗ trợ, nên phải lên nhóm cư dân Vinhomes nhờ giúp đỡ”, chị này kể.
Song trường hợp của chị Luật khá may mắn khi được bộ phận kỹ thuật của tòa nhà lên khắc phục. Họ xác định nguyên nhân do máy lạnh quá hạn bảo trì.
Trần căn hộ của chị Thăng Luật bị nước máy lạnh thấm, nếu không xử lý sớm sẽ dẫn đến mục nát gây nguy hiểm cho gia đình. Ảnh: NVCC. |
Việc ăn uống của anh Thanh Phong ở chung cư Vạn Đô (quận 4) cũng bị ảnh hưởng do bếp nấu duy nhất bị chập điện. Mọi bữa ăn đều phải nhờ vào chiếc nồi cơm điện dung tích 1,2 lít.
“Thường tôi mất khoảng 30 phút để nấu mỗi bữa, nay tốn hơn gấp đôi để lần lượt làm một món xào, một món canh và cơm trắng, bữa ăn món nguội món nóng. May nhà tôi ít người nên không phải nấu quá nhiều”, anh Phong than vãn.
Trong thời gian giãn cách, nhà anh này chủ yếu tích trữ các loại củ thay rau xanh nên thời gian hầm nấu lâu hơn. Anh cũng bỏ qua các món chiên, kho vì khó nấu bằng nồi cơm điện.
Anh đã đặt mua bếp mới, tuy nhiên các điểm bán điện máy thông báo phải sau giãn cách xã hội mới giao hàng được. Người đàn ông này sợ nếu kéo dài thì nồi cơm sẽ hỏng tiếp do hoạt động quá nhiều, chưa kể tiền điện tháng vừa rồi tăng lên.
Trong các nhóm cư dân chung cư, gặp nhiều nhất là tình trạng máy lạnh và tủ lạnh bị hỏng chức năng làm mát, có mùi hôi hoặc chảy nước. Ngoài ra, có nhà bị hỏng bếp, máy xay, quạt, đèn, hoặc rò rỉ vòi nước…
"Chữa cháy" đến khi hết giãn cách
Máy lạnh, tủ lạnh, bếp là những thứ quan trọng trong sinh hoạt mỗi ngày, nhất là khi người dân ở nhà 24/24. Đối với dân chung cư, họ thường báo với ban quản lý để đợi bộ phận kỹ thuật lên sửa. Nếu không được, họ đăng bài “cầu cứu” lên hội nhóm cư dân.
“Nhà ai có dư tủ lạnh, tủ đông cho xin mượn hoặc thuê lại. Tôi hỏi khắp các siêu thị điện máy nhưng không chỗ nào còn bán”, chị Hồng Liên ở Vinhomes Central Park viết lên nhóm cư dân nhờ giúp đỡ hôm 22/8.
Vừa kịp ngày trước khi siết chặt giãn cách, chị Hồng Liên đã đặt mua được tủ lạnh mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy.
Tủ lạnh hỏng khiến việc bảo quản thực phẩm thời giãn cách trở nên khó khăn. Ảnh minh họa: Quang Thế. |
Tủ lạnh nhà chị Nguyễn Quỳnh (chung cư Sunrise City View, quận 7) hỏng ngăn đông cả 2 tháng, được bảo vệ chung cư gọi hai thợ khác nhau đến sửa. Tuy nhiên nguyên nhân do cánh quạt hỏng hiện không mua được, nên chị Quỳnh phải tiếp tục chờ hết giãn cách.
Vì là người thuê nhà, chị Quỳnh sốt ruột muốn sửa tủ lạnh, sợ cố dùng sẽ hỏng nặng hơn phải đền cho chủ nhà. Chị đã áp dụng một số cách cư dân hướng dẫn như tháo điện, rã đông, nhưng chỉ dùng được vài ngày lại trục trặc.
Nhiều chủ nhà bị hỏng đồ cũng ngậm ngùi chịu đựng, tìm mọi cách tự khắc phục, không muốn ai vào nhà sửa vì sợ nguy cơ lây nhiễm. Đa số làm theo hướng dẫn của các cư dân từng gặp tình cảnh tương tự.
Tại một số tổ hợp chung cư như Masteri Thảo Điền, Masteri An Phú, Sunrise City, có những cư dân biết kỹ thuật sửa chữa đồ gia dụng, tuy nhiên không thể sang nhà nhau giúp đỡ vì lệnh giãn cách.
“Chung cư Vinhomes Central Park có đội ngũ kỹ thuật đang làm việc và ăn ở tại đây từ đầu dịch đến nay. Các hộ dân cũng phần nào yên tâm cho họ vào nhà sửa chữa”, chị Thăng Luật nói.
Trong trường hợp không khắc phục được, ban quản lý các chung cư thường hỗ trợ bằng cách cung cấp số điện thoại của hãng đồ gia dụng để gia chủ tự liên hệ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.