Lương hưu được điều chỉnh nhiều lần. Ảnh minh họa: Chí Hiếu. |
Ngay từ 1/7, BHXH các địa phương nhanh chóng triển khai chi trả lương hưu theo mức tăng mới. Nhiều người khi nhận lương không dấu được vui mừng.
Do tuổi cao, bà Lương Thị Hai, 91 tuổi (ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội) được BHXH chi trả lương tại nhà vào ngày 1/7. Trước đây, bà Hai công tác tại một nhà máy cơ khí nông nghiệp. Từ tháng 4/1984, bà nghỉ việc với số tiền hưởng BHXH 290 đồng/tháng.
Qua nhiều lần được điều chỉnh tăng lương, hiện bà Hai được nhận mức lương hưu 4.813.000 đồng/tháng, tăng 627.800 đồng so với mức lương tháng 6/2024.
Ngoài mức lương hưu được điều chỉnh nhiều lần, bà Hai còn được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.
Với căn bệnh đái tháo đường, bà Hai thường xuyên sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Nhờ đó, bà thêm an tâm tuổi già, giảm phụ thuộc vào con cháu.
Bà Lê Thị Chí, 61 tuổi (ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) sau thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đến khi nghỉ việc, bà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện 5 năm 4 tháng để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu vào tháng 7/2018.
Bà Chí nhận lương hưu qua tài khoản ATM với số tiền 2.344.400 đồng/tháng (tăng 305.800 đồng so với mức lương tháng 6/2024). Theo bà Chí, việc lĩnh chế độ qua tài khoản ngân hàng rất nhanh gọn, an toàn và không phải mất thời gian đi đến các điểm chi trả.
Nói về việc tăng lương hưu, bà Chí chia sẻ, dù tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện, khi đóng đủ thời gian theo quy định thì đều được điều chỉnh tăng lương, góp phần đảm bảo cuộc sống khi tuổi cao, sức yếu. Nhất là khi hưởng chế độ hưu trí ngoài lương, bà Chí còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí.
Ngoài mức lương hưu được điều chỉnh chung tăng 15%, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng tiếp tục được điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Bà Lê Thị Thu, 65 tuổi (ở Nông Cống, Thanh Hóa) về hưởng chế độ mất sức từ tháng 5/1993. Hiện nay, hàng tháng bà Thu được nhận chế độ hưu trí gần 2 triệu đồng.
Theo chính sách tăng tăng lương hưu mới, từ 1/7, ngoài mức lương hưu được điều chỉnh tăng chung 15%, bà Thu sẽ được điều chỉnh tăng thêm hơn 300 nghìn đồng/tháng.
Bà Thu chia sẻ, mức hưởng trợ cấp hàng tháng hiện nay thấp so với mặt bằng chung của lương hưu, do vậy việc Nhà nước quan tâm điều chỉnh tăng thêm 300 nghìn đồng/tháng cho những người tiền lương thấp, góp phần rút ngắn khoảng cách của những người hưởng lương hưu. Việc điều chỉnh tăng lương hưu 2 lần sẽ giúp cuộc sống về già của bà và nhiều người vơi bớt khó khăn.
Theo thống kê, với phạm vi áp dụng rộng lớn, lần chi trả mức hưởng mới theo Nghị định số 75, cả nước sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Trong đó, có khoảng 200 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 tiếp tục được điều chỉnh mức hưởng theo số tiền tuyệt đối do ngân sách Nhà nước chi trả.
Dự kiến, kinh phí tăng thêm để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 từ ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng và từ Quỹ BHXH là hơn 12.500 tỷ đồng.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.