Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Credit Suisse có thể được bán với giá 1 tỷ USD

Giới chức Thụy Sĩ đang thúc đẩy thỏa thuận mua lại Credit Suisse với giá khoảng 1 tỷ USD. Phương án dự phòng sẽ là quốc hữu hóa nhà băng này.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã đề nghị mua lại Credit Suisse với giá khoảng 1 tỷ USD. Dưới sự thúc giục của giới chức Thụy Sĩ, thương vụ sẽ khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng nước này.

Các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn và nội dung có thể thay đổi. Giới chức nước này phải chạy đua để giải quyết rắc rối của ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ trước khi thị trường châu Á mở cửa phiên đầu tuần.

Nguồn tin của Financial Times cho biết Thụy Sĩ đang sử dụng các biện pháp khẩn cấp để đẩy nhanh tiến độ thương vụ. Theo Bloomberg, những quan chức Mỹ có liên quan cũng làm việc với giới chức Thụy Sĩ nhằm xúc tiến thỏa thuận.

Thương vụ giữa UBS và Credit Suisse

UBS được cho là sẽ mua lại toàn bộ hoạt động của Credit Suisse, sau đó tách hoạt động tại Thụy Sĩ thành một thực thể độc lập.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, UBS chỉ giữ một số phần của ngân hàng đầu tư Credit Suisse nhằm lấp đầy những khoảng trống về mặt địa lý, hoặc trong các lĩnh vực nhất định chưa có sự hiện diện của UBS.

Mức giá 1 tỷ USD thấp hơn đáng kể so với vốn hóa thị trường của Credit Suisse - khoảng 8 tỷ USD tính đến phiên cuối tuần trước.

Đầu tuần trước, Bloomberg đưa tin Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Cơ quan quản lý thị trường Tài chính Thụy Sĩ đã phối hợp tìm thêm cách để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Credit Suisse. Các ý tưởng gồm tách riêng mảng kinh doanh ở Thụy Sĩ và sáp nhập vào UBS. Nhưng nguồn tin cho hay cả 2 nhà băng đều phản đối kế hoạch này.

Đến cuối tuần, nguồn tin của Financial Times cho biết UBS yêu cầu chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ họ 6 tỷ USD nhằm trang trải những khoản chi phí khổng lồ tiềm ẩn.

Nói với Reuters, một nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán đang gặp phải những trở ngại đáng kể. Thêm vào đó, việc sáp nhập có thể khiến 10.000 việc làm bị gián đoạn.

Phương án dự phòng

Vài tiếng trước khi các thị trường châu Á mở cửa, nguồn tin của Bloomberg cho biết giới chức Thụy Sĩ đang cân nhắc quốc hữu hóa một phần hoặc toàn bộ Credit Suisse.

Đây là phương án dự phòng nếu thỏa thuận với UBS sụp đổ khi thời gian không còn nhiều.

Rắc rối của Credit Suisse khiến các thị trường châu Âu và toàn cầu run rẩy. Nhà băng 167 tuổi này là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới.

Ủy ban Ổn định Tài chính - một cơ quan giám sát hệ thống tài chính quốc tế - phân loại Credit Suisse là "ngân hàng quan trọng với hệ thống toàn cầu", cùng với 30 nhà băng khác bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Bank of China.

"Credit Suisse quan trọng với nền kinh tế toàn cầu hơn nhiều các ngân hàng khu vực Mỹ gặp vấn đề trong tuần trước", CNN dẫn lời ông Andrew Kenningham tại Capital Economics nhận định.

"Credit Suisse làm ăn với nhiều đối tác trên toàn cầu. Đó không phải là vấn đề của riêng Thụy Sĩ, mà là cả thế giới", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cổ phiếu của Credit Suisse rớt thảm trong phiên 15/3 sau khi Ngân hàng Trung ương Saudi (SNB) - cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - từ chối cung cấp thêm vốn cho nhà băng Thụy Sĩ này vì không muốn vi phạm quy định hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu.

SNB hiện sở hữu 9,9% cổ phần của Credit Suisse trên mức trần 10%.

Mới đây, ngân hàng cho biết sẽ vay tới 50 tỷ franc Thụy Sĩ (53,7 tỷ USD) từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ. Phao cứu sinh này có thể cho Credit Suisse thêm thời gian khôi phục niềm tin của khách hàng và thúc đẩy các kế hoạch tái cấu trúc.

Nhưng theo các nhà phân tích ngân hàng của JPMorgan, khoản vay từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ là không đủ do "những vấn đề về niềm tin" đối với các kế hoạch của ngân hàng đầu tư này.

Trở lại với thỏa thuận giữa UBS và Credit Suisse, khi cơ quan quản lý và chủ ngân hàng chạy nước rút để đạt thỏa thuận nhằm xoa dịu thị trường, các quan chức bị đẩy vào thế khó với những lựa chọn khó khăn, hoặc chà đạp lên quyền lợi của cổ đông, hoặc làm leo thang cuộc khủng hoảng.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

11 ngày hỗn loạn của ngành ngân hàng Mỹ

Khi các đợt tăng lãi suất dồn dập theo sau một giai đoạn tiền rẻ kéo dài, những lỗ hổng trong ngành ngân hàng Mỹ đã được phơi bày.

Sau vụ SVB phá sản, Fed khó tăng lãi suất mạnh tay

Vụ phá sản của SVB và những rủi ro lan tỏa đẩy Fed vào thế khó. SVB gặp rắc rối vì các đợt tăng lãi suất dồn dập trong vòng một năm qua.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm