Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sau vụ SVB phá sản, Fed khó tăng lãi suất mạnh tay

Vụ phá sản của SVB và những rủi ro lan tỏa đẩy Fed vào thế khó. SVB gặp rắc rối vì các đợt tăng lãi suất dồn dập trong vòng một năm qua.

Fed có thể phải tính toán nhiều hơn sau những rắc rối mới nhất trong ngành ngân hàng Mỹ. Ảnh: Reuters.

Theo Reuters, hôm 12/3, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khó tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 22/3 do những căng thẳng đang đè nặng lên lĩnh vực ngân hàng nước này.

Trước đó, ngân hàng này dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3.

Goldman Sachs không thay đổi dự báo về các đợt tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Nhưng họ nhận thấy sự bấp bênh trong lộ trình tăng lãi suất sau tháng 3.

Ngân hàng này cho rằng mức lãi suất cực đại của chu kỳ tăng sẽ là 5,25-5,5%.

Tác động từ các đợt tăng lãi suất

Ngành ngân hàng Mỹ đang chao đảo vì sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB). Đây là nhà băng lớn nhất phải đóng cửa kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giới đầu tư lo ngại rằng vết thương kinh tế có thể lan rộng hơn nữa.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng sau sự sụp đổ của SVB làm dấy lên lo ngại về những tác động dây chuyền. Hôm 12/3, giới chức Mỹ tuyên bố đóng cửa thêm Signature Bank - một trong những nhà băng lớn của ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Vào ngày 8/3, SVB Financial Group - công ty mẹ của SVB - thông báo bán 21 tỷ USD chứng khoán từ danh mục đầu tư và gánh lỗ 1,8 tỷ USD. Ngân hàng này cũng bán thêm 2,25 tỷ USD cổ phiếu mới để huy động thêm tiền.

Động thái này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm sốt sắng. Founders Fund, Coatue Management và Union Square Ventures đồng loạt chỉ đạo bộ phận đầu tư của mình rút tiền khỏi nhà băng.

SVB pha san anh 1

Tính đến tháng 3/2021, tổng tiền gửi của SVB đã tăng vọt từ 62 tỷ USD trong 12 tháng trước đó lên 124 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg.

Đến ngày 10/3, SVB phải từ bỏ nỗ lực huy động vốn mới hay tìm người mua. Cổ phiếu của ngân hàng bị tạm dừng giao dịch. Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đang chạy đua để bán tài sản của SVB và trả phần tiền gửi không được bảo hiểm cho các khách hàng.

Rắc rối của SVB đến từ các đợt tăng lãi suất ồ ạt của Fed. Trở lại thời kỳ đại dịch, các công ty được rót vốn mạo hiểm đã huy động được 330 tỷ USD vào năm 2021 trong giai đoạn tiền rẻ.

SVB đã nhận hàng chục tỷ USD từ các khách hàng của mình. Đáng nói, nhà băng này chuyển thẳng số tiền đó vào trái phiếu dài hạn vì tin rằng lãi suất sẽ ổn định.

Rủi ro lan tỏa

Nhưng khi Fed mạnh tay tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng của SVB buộc phải rút tiền gửi để duy trì hoạt động.

Để đối phó với làn sóng rút tiền, SVB buộc phải bán tài sản, chủ yếu là các trái phiếu đã mất phần lớn giá trị. Vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng này dùng tiền gửi ngắn hạn để mua trái phiếu dài hạn. Nếu tiếp tục giữ trái phiếu tới ngày đáo hạn, SVB sẽ không phải gánh lỗ 1,8 tỷ USD.

Trên thực tế, mọi nhà băng ở Mỹ đều gửi một phần tiền vào trái phiếu kho bạc của Mỹ và những trái phiếu khác. Ngay từ trước bê bối của SVB, cổ phiếu của ngành ngân hàng Mỹ đã bị bán tháo sau cảnh báo của KeyCorp. Theo đó, các nhà băng Mỹ đang đứng trước áp lực trả lãi cho người gửi tiết kiệm.

Khi lãi suất tăng cao, người gửi tiền có thể chuyển sang những ngân hàng trả lãi cao. Các nhà băng do đó sẽ phải đẩy lãi suất lên cao, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận nhằm giữ chân khách hàng, tránh biến động vốn tiền gửi.

Ngoài ra, lãi suất gia tăng giúp doanh thu của các ngân hàng đi lên, nhưng giá trị tài sản mà họ nắm giữ lại giảm đi.

Rắc rối của SVB ập tới trong bối cảnh Fed đang đứng trước áp lực phải tăng lãi suất mạnh tay hơn nữa. Ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ trong tháng 1 đều cao hơn dự báo. Trong khi đó, doanh thu bán lẻ và các dữ liệu về thị trường việc làm cho thấy sức chống chịu của kinh tế Mỹ vẫn rất cao.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Fed vào cuộc để ngăn 'thảm họa SVB' lây lan

Các cơ quan quản lý Mỹ đang gấp rút chuẩn bị những biện pháp nhằm ngăn tác động từ sự sụp đổ của SVB lan rộng toàn ngành.

Đằng sau 'thảm họa ngân hàng' Silicon Valley

Silicon Valley - xương sống của ngành đầu tư mạo hiểm Mỹ - là nhà băng lớn nhất phá sản kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Giới đầu tư lo ngại rủi ro sẽ lan rộng toàn ngành.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm