Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Meta sẽ sản xuất kính thực tế ảo Quest 3S tại Việt Nam

Đại diện Tập đoàn Meta cho biết sẽ mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất Quest 3S tại Việt Nam vào năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chiều 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nick Clegg, Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu Tập đoàn Meta, đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Tại cuộc gặp, ông Nick Clegg cho biết tập đoàn dự kiến mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo hỗn hợp mới nhất - Quest 3S - tại Việt Nam vào năm 2025. Việc mở rộng sản xuất này được kỳ vọng tạo ra khoảng 1.000 việc làm tại Việt Nam.

Được biết, Quest 3S là mẫu kính vừa được công ty công bố ngày 25/9 tại sự kiện Meta Connect 2024.

Đây là phiên bản giá thấp hơn của Quest 3, với mức giá khởi điểm khoảng 300 USD, dành cho những người mới làm quen với thực tế ảo hỗn hợp và trải nghiệm nhập vai hoặc những người có thể đã chờ đợi bản nâng cấp giá rẻ từ Quest và Quest 2.

Bên cạnh việc mở rộng sản xuất Quest 3S, ông Clegg cho biết Meta còn triển khai trợ lý ảo "Meta AI" bằng tiếng Việt trong những tháng tới để các doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận công cụ này cho nhiều mục đích khác nhau, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Lãnh đạo Meta cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng các chương trình đầu tư, khuyến khích sáng tạo, hỗ trợ tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Đồng thời, ông Clegg còn nêu một số đề nghị liên quan quy hoạch cụ thể cho băng tần, khuyến nghị về khung pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho môi trường kinh doanh.

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo Meta, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp Mỹ nói riêng như Meta thành công tại Việt Nam trên tinh thần "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", "cùng lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển, cùng niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

Bên cạnh đó, Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp thiết thực của Meta và cá nhân ông Nick Clegg trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Mỹ, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo, và giáo dục - đào tạo.

Thủ Tướng cũng hoan nghênh nỗ lực của Meta trong việc thúc đẩy hợp tác, nhất là Việt hóa công cụ Meta AI.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đang xây dựng Luật Dữ liệu, Trung tâm Dữ liệu quốc gia... và các chính sách hỗ trợ sự phát triển của công nghệ cao.

Theo đó, Thủ tướng đề nghị Meta tiếp tục hợp tác với các cơ quan, đối tác phía Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, để đẩy mạnh các dự án trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, AI, Internet vạn vật (IoT)...

Đồng thời, chuyển giao công nghệ, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị và các nền tảng, ứng dụng trực tuyến của Meta.

Meta là tập đoàn công nghệ đa quốc gia được thành lập năm 2004. Hiện, tập đoàn đang phát triển và kinh doanh trên các nền tảng, ứng dụng trực tuyến như Facebook, Instagram, Whatsapp... với doanh thu năm 2023 đạt 134 tỷ USD.

Tại Việt Nam, Meta bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Đồng thời, tập đoàn này cũng phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số, đổi mới sáng tạo.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Liên Phạm

Bạn có thể quan tâm