Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 của Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh hơn dự báo, cho thấy lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Ảnh: Orbex. |
Giá xăng, các khoản thế chấp và tiền thuê nhà của Mỹ tăng cao ngất ngưởng. Các chỉ số này khiến lạm phát nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt xa dự kiến trong tháng 3, làm tăng thêm cuộc chiến của người Mỹ với chi phí cao.
Dữ liệu kinh tế Mỹ mới được công bố hôm nay (10/4) là bằng chứng rõ ràng hơn cho điều đó.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,4% trong tháng 3 và cao hơn 3,5% so với một năm trước, nhanh hơn tốc độ 3,2% của tháng 2.
Trước đó, các nhà kinh tế được FactSet khảo sát đưa dự báo mức tăng CPI theo năm là 3,4%. Tốc độ tăng mạnh mẽ của lạm phát được thúc đẩy bởi sự gia tăng chi phí nhà ở và xăng dầu.
Ngoài ra, CPI lõi - không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - của Mỹ đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 0,4% so với tháng 2, cao hơn dự đoán lần lượt là 3,7% và 0,3%.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp các chỉ số này tăng, thiết lập chuỗi tăng nóng nhất kể từ năm ngoái.
Chi phí nhà ở và xăng dầu đóng góp hơn một nửa mức tăng CPI. Trong đó, giá nhà một lần nữa chứng tỏ "sự cứng đầu" trong cuộc chiến lạm phát của Mỹ khi chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng trong CPI; tương ứng tăng 0,4 điểm % so với tháng trước và tăng 5,7% so với một năm trước đó.
Mặc dù các nhà hoạch định chính sách của Fed kỳ vọng nhiều vào việc chi phí nhà ở sẽ giảm bớt nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó, khi tiền thuê nhà của người dân Mỹ đều bật tăng và đắt đỏ hơn 0,4%.
Ở những lĩnh vực khác, giá năng lượng đã tăng 1,1%; giá thực phẩm chỉ tăng 0,1% trong tháng và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước; giá xe đã qua sử dụng giảm 1,1% và giá dịch vụ chăm sóc y tế tăng 0,6%.
Đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2% của Fed đang là một nhiệm vụ khó khăn. Và tin tức này có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất của Fed, buộc cơ quan này phải giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
Trước đó, trong cả tháng 1 và 2, chỉ số lạm phát Mỹ cũng đã cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế. Việc kiềm chế đà tăng của lạm phát là chìa khóa để Fed cân nhắc về thời điểm cắt giảm lãi suất và dữ liệu nóng gần đây đang làm thị trường dấy lên nghi ngờ Fed có thể sớm đưa ra hành động.
Phản ứng với thông tin trên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đang sụt giảm khi kỳ vọng của thị trường đang đặt vào việc Fed có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 6. Chỉ số S&P 500 đã quay đầu giảm 55 điểm (-1,1%), xuống 5.154 điểm; chỉ số Dow Jones giảm 369 điểm (-0,9%), xuống còn 38.508 điểm; chỉ số Nasdaq Composite mất 201 điểm (-1,2%), xuống 16.105 điểm.
Theo dữ liệu của FactSet, làn sóng bán tháo nợ chính phủ Mỹ cũng ngày càng sâu sắc hơn, với lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng 19 điểm cơ bản, ở mức gần 5%.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới vô cùng quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.