Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Công viên bến Bạch Đằng đẹp nhưng gửi xe ở đâu bây giờ?

Người đến công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TP.HCM) nhận xét cảnh quang công viên đẹp nhưng khó khi tìm chỗ gửi xe, thiếu nhà vệ sinh công cộng, thùng rác và bóng mát.

Thanh Nguyên (26 tuổi, quận 4) cùng bạn trai đến công viên bến Bạch Đằng chơi hôm lễ tình nhân 14/2. Sự háo hức của đôi trẻ bị tụt dần khi đi dọc hết công viên vẫn không tìm thấy chỗ gửi xe.

Công viên bến Bạch Đằng là điểm vui chơi công cộng mới được cải tạo ở TP.HCM, mở cửa đón người dân từ 25/1. Với vị trí nằm cạnh sông Sài Gòn và ngay sát phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), công viên thu hút nhiều người đến nghỉ chân hóng mát, vui chơi, tập thể dục, chụp ảnh...

Sau gần một tháng đón khách, ít ai chê khung cảnh công viên, nhưng phàn nàn về việc khó khăn trong việc tìm chỗ gửi xe, nhà vệ sinh, nơi bỏ rác và một số tiện ích khác.

tim cho gui xe o cong vien ben Bach Dang anh 1

Toàn cảnh công viên bến Bạch Đằng (bên phải) về đêm. Ảnh: Duy Hiệu.


Mất 30 phút để gửi xe

Sợ đường phố đông đúc trong ngày Valentine, Thanh Nguyên và bạn đã chủ ý đến công viên bến Bạch Đằng chơi từ 16h, dự định ngắm hoàng hôn lúc 17h hơn.

“Chúng tôi dường như tụt cảm xúc vì tìm chỗ gửi xe máy gần 30 phút. Mang tiếng đi hóng mát mà đã bị mồ hôi ướt áo, bết tóc trước”, Nguyên kể.

Đoạn đường 550 m từ lúc xuống cầu Khánh Hội đi dọc hết chiều dài công viên, hai người lò dò đảo mắt tìm mãi mới thấy một điểm gửi xe cạnh bến buýt sông Sài Gòn. Ghé vào gửi xe, Nguyên lại được bảo vệ yêu cầu xuất trình vé buýt sông.

Thì ra, đây là bãi chỉ nhận giữ xe của khách đi buýt đường sông. Lý do được bảo vệ nêu là diện tích bãi không quá lớn và thuộc quản lý của đơn vị khai thác buýt sông, nếu chứa thêm lượng xe của khách đi công viên sẽ mất chỗ gửi của khách đi buýt sông.

Sau đó, Nguyên buộc phải tìm chỗ gửi xe khác. Cô nghĩ cách tốt nhất là quay ngược về phố đi bộ Nguyễn Huệ gửi xe.

tim cho gui xe o cong vien ben Bach Dang anh 2

Bãi xe của bến xe buýt sông chỉ nhận giữ xe của khách sử dụng dịch vụ buýt sông. Ảnh: Ý Linh.

Tuy nhiên, từ điểm gửi xe buýt sông, Nguyên không thể băng ngang qua đường cạnh tượng Trần Hưng Đạo, là vị trí gần nhất để quay về phố đi bộ Nguyễn Huệ. Cô phải đi dọc đường Tôn Đức Thắng để “tìm cơ hội” quay đầu xe giữa dòng phương tiện đang nhích từng chút vào giờ tan tầm.

Không riêng Nguyên, nhiều vị khách muốn đến công viên bến Bạch Đằng cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều người sau đó đã rút kinh nghiệm lựa chọn phương tiện khác đến đây, miễn là khỏi lòng vòng để gửi xe máy.

Theo ghi nhận của Zing, công viên bến Bạch Đằng hiện chưa có bãi giữ xe. Muốn gửi xe, mọi người thường tìm đến các điểm ở quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, các khách sạn trên đường Đồng Khởi hay xa nhất là chung cư Tôn Thất Đạm cách hơn 700 m…

Tiếp đó, họ phải đi bộ khá xa để sang đường, đặt chân đến công viên. Đây là “thử thách” đối với nhiều người.


Đèn sang đường chỉ sáng vào buổi tối

Chiều 15/2, anh Dương Minh (27 tuổi) cùng bạn gái đi xe máy từ Đồng Nai đến trung tâm TP.HCM để thăm thú. Sau một giờ lượn lờ ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, đôi trẻ quyết định ra về, không đi bộ sang công viên bến Bạch Đằng dù ngay cạnh đó.

“Lượng xe cộ đông quá khiến tôi loay hoay mãi mà không thể sang đường, nên đành thôi. Nhìn sang phía công viên tôi nghĩ chắc cũng như phố đi bộ thôi, xem báo chí cũng thấy diện mạo của nó rồi”, anh Minh nói.

Trong khi đó, chị Bích Huệ (38 tuổi, quận 8) đang vất vả dắt 2 con nhỏ từ phía đường Nguyễn Huệ sang công viên. Giữa dòng xe cộ chạy khá nhanh kèm tiếng còi inh ỏi, 2 con của chị Huệ sợ sệt đòi về.

Một tay chị bế đứa nhỏ, tay kia giơ cao vẫy ra hiệu để xe nhìn thấy, đứa lớn hơn thì níu chặt áo mẹ, nhích từng bước. “Đi qua đường mà thót tim. Trước đó tìm chỗ gửi xe đã mệt, biết thế tôi đã dẫn các con ra công viên gần nhà cho dễ. Một mình tôi dắt 2 đứa nhỏ sang đường nguy hiểm quá”, chị Huệ nói.

Hiện có khoảng 5 vị trí sơn vạch kẻ cho người đi bộ có thể sang đường dọc công viên bến Bạch Đằng, nhưng chỉ có một cột đèn giao thông có nút tín hiệu nhường đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, nút tín hiệu sang đường không hoạt động trước 18h, chỉ có đèn vàng nháy liên tục.

Từ trải nghiệm căng thẳng của mình, chị Bích Huệ mong khu vực này có một cầu vượt đi bộ để người dân có thể dễ sang đường. “Đến người trẻ còn ngại, còn sợ, huống chi người già, trẻ em, người khuyết tật”, chị này bày tỏ.


Thiếu nhà vệ sinh, thùng rác

Trải nghiệm buýt đường sông từ bến Bình An (TP Thủ Đức) sang bến Bạch Đằng (quận 1) vào buổi chiều, đôi bạn Như Nguyệt và Quốc Vĩnh (quận Gò Vấp) nán lại công viên để ngắm hoàng hôn.

“Công viên có bãi cỏ xanh mướt, không gian thoáng đãng, lối đi rộng và sạch nên dù người đông ngồi hết ghế đá thì chúng tôi cũng không ngại ngồi bệt xuống đất”, Nguyệt cho biết.

Tuy vậy, người bạn đi cùng Quốc Vĩnh cảm thấy bất tiện vì nơi đây thiếu nhà vệ sinh công cộng. Muốn đi vệ sinh, họ phải đi bộ đến cabin vệ sinh công cộng ở bến buýt sông Sài Gòn, điểm duy nhất được trang bị trong khuôn viên 8.000 m2.

Còn nhóm của Nguyễn Thị Ninh (22 tuổi, quận 7) mỗi người từng đến công viên vài lần. Chiều 15/2, cả nhóm mới hẹn tới đây cùng nhau để chụp ảnh hoàng hôn.

tim cho gui xe o cong vien ben Bach Dang anh 5

Nhóm bạn Nguyễn Thị Ninh phải đứng đợi nhiều tốp chụp ảnh tại vị trí này mới đến lượt mình. Ảnh: Ý Linh.

“Ở đây có nhiều góc chụp hình đẹp, cũng là một điểm ở trung tâm thành phố để cả nhóm đổi gió thay vì ngồi quán cà phê”, Ninh cho biết.

Những cô gái trẻ đi bộ và đứng chụp hình khá lâu, đã khát nước nhưng không tìm được nơi bán, ngoài những xe hàng rong đậu ven đường.

“Giá mà có quán cà phê, cửa hàng tiện lợi hay máy bán nước tự động ở công viên, chúng tôi sẽ cảm thấy yên tâm hơn về giá cả và chất lượng vệ sinh”, một bạn nói.

Bên cạnh đó, các cô gái còn cho rằng công viên ít thùng rác. Do thùng rác tập trung ở sát đường lớn, người vứt rác phải đi bộ từ bên trong ra vứt, có khi mất 5 phút đi ra rồi vào lại.

Từ khoảng 15h trở đi, công viên bến Bạch Đằng không còn nắng chiếu, do các tòa nhà trên đường Tôn Đức Thắng che bóng. Đây là thời điểm người dân bắt đầu đổ về đi thể dục, đi dạo, ngồi chơi cho đến tối.

“Đúng là công viên thiếu cây xanh, buổi sáng đến đầu chiều nắng to hắt từ nền đá lên khá nóng, nên tôi không đưa con đến vào lúc này”, một phụ huynh dẫn con đi chơi vào buổi tối cho hay.

UBND TP.HCM ngày 15/2 thông báo khu vực cầu tàu cạnh công viên bến Bạch Đằng sẽ được nghiên cứu lắp thêm mái che bằng cấu trúc bạt kéo căng với hình dáng kiến trúc nghệ thuật, hài hòa với tổng thể, để người dân có nơi trú mưa, nắng, nghỉ ngơi.

Về phản ánh của người dân về việc khó tìm chỗ gửi xe, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã giao các đơn vị liên quan bố trí khu vực dừng, đậu xe và giao thông kết nối hợp lý, để người dân đến có nơi đậu xe tạm, tránh dừng đậu trên mặt đường gây cản trở giao thông.


Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.

Saigon Expresso: Từ hôm nay, 71 cây xăng ở TP.HCM tăng giờ mở bán

Từ ngày 16/2, 27 cửa hàng được mở bán cả ngày lẫn đêm, 23 cửa hàng mở bán với thời gian 7-20 giờ mỗi ngày, còn lại từ 16 tiếng trở xuống.

Saigon Expresso: Chỉ số UV cao nhất ngày 15/2 có thể lên đến 7-8

Sân bay Tân Sơn Nhất mở thêm làn đón taxi. 970.000 trẻ 5-11 tuổi tại TP.HCM trong diện tiêm vaccine ngừa Covid.

Cuối tuần đưa trẻ đi chơi bóng bầu dục ở TP.HCM

Nhiều phụ huynh Việt Nam và ngoại quốc ở TP.HCM đưa con đi chơi bóng bầu dục mỗi sáng thứ 7 ở khu đô thị Sala. Các bé 5-15 tuổi bày tỏ sự thích thú với hoạt động ngoài trời này.

Anh Nhàn - Ý Linh

Bạn có thể quan tâm