Sáng thứ 7, anh Nguyễn Mạnh Cương và ông Ted Perrein (người Pháp) có mặt tại sân vận động Sala (TP Thủ Đức) từ 8h. Hai ông bố cùng nhiều phụ huynh khác đưa con đến đây, chuẩn bị cho buổi tập bóng bầu dục (rugby) của bọn trẻ lúc 8h30.
Centaurs Rugby Saigon là câu lạc bộ bóng bầu dục dành cho trẻ em 5-15 tuổi ở khu vực TP Thủ Đức. Khoảng 5 năm trước, câu lạc bộ được thành lập với mong muốn mang đến cho trẻ em ở thành phố cơ hội học môn thể thao ngoại nhập này trong một môi trường an toàn và vui vẻ.
Đây là một trong số không nhiều sân chơi cho trẻ em quốc tế ở TP.HCM, nhận được sự hài lòng của nhiều phụ huynh - những người từng dành thời gian để tìm tòi nơi giải trí ngoài trời cho con trẻ khi sống ở đây.
Nhóm nam thiếu niên thành viên Centaurs Rugby Saigon tham gia buổi tập bóng sáng 12/2. Ảnh: Ý Linh. |
Môn thể thao mới cho trẻ em
Gọi là mới vì bóng bầu dục chưa phổ biến ở Việt Nam và TP.HCM nói riêng. Thành phần tham gia phần lớn thuộc cộng đồng người nước ngoài, trong đó trẻ em chiếm số ít hơn.
Lúc 10h30 sau buổi tập, các cậu bé ngồi lại hội ý với huấn luyện viên. Khi được hỏi lý do tham gia và yêu thích bóng bầu dục, các cậu bé trả lời vì đây là môn thể thao không giới hạn độ tuổi, kích thước thân thể, quốc tịch hay năng khiếu đặc biệt gì.
“Tốt cho việc kết bạn, học cách giúp đỡ nhau, nhất là có hoạt động ngoài trời để khỏi phải ở nhà chán lắm”, các cậu nói.
Theo lời huấn luyện viên, bóng bầu dục là môn thể thao đồng đội. Nếu không “sát cánh bên nhau” thì ngay cả khi bạn là cầu thủ xuất sắc của thế giới cũng khó khiến cả nhóm hoạt động tốt trên sân.
Thoạt nhìn, môn thể thao này nổi bật với những kỹ thuật, động tác va chạm nhau mạnh bạo. Vì vậy, nhiều người nghĩ nó dành riêng cho phái mạnh. Thực tế câu lạc bộ này khuyến khích các bé gái tham gia vì nữ giới có lợi thế khác nam giới như việc chạy luồn lách, uyển chuyển, thậm chí chạy nhanh hơn.
“Đó là lý do chúng tôi tổ chức sân chơi chuyên nghiệp cho trẻ, có các huấn luyện viên đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và giám sát chúng, phụ huynh có thể đứng ngoài xem công khai”, ông Ted Perrein khẳng định sự an toàn cho trẻ em ở câu lạc bộ bóng bầu dục.
Các huấn luyện viên (ngoài cùng bên trái và bên phải) luôn có mặt trong trận bóng để giám sát, hỗ trợ các em về kỹ thuật, an toàn. Ảnh: Ý Linh. |
Ông Ted Perrein và anh Mạnh Cương đều có con trai mang hai dòng máu Pháp - Việt. Đôi bạn hiện 14 tuổi đã học và chơi thân với nhau từ khi lên 4 tuổi ở trường song ngữ trong thành phố. 4 bố con này đặc biệt yêu thích môn bóng bầu dục.
“Hai cháu được tiếp xúc và chơi bóng ở trường từ nhỏ. Tuy nhiên, thầy giáo dạy môn này đã về nước giữa chừng, trong khi bọn trẻ rất muốn chơi. Do đó, hai ông bố chúng tôi ý tưởng lớn gặp nhau và cũng tâm huyết với môn thể thao này, đã đứng ra tổ chức câu lạc bộ”, ông Perrein cho biết.
Centaurs Rugby Saigon đang quy tụ trẻ em đa quốc tịch gồm Pháp, Anh, Nhật, Mỹ, Nga, New Zealand, Hà Lan, Đức… Trong đó, ông Perrein và anh Cương mong câu lạc bộ và bộ môn này thu hút nhiều trẻ em Việt Nam hơn.
Với kinh nghiệm chơi và thi đấu bóng từ thời thiếu niên, ông bố Tây cho rằng trẻ em Việt Nam thông minh và chạy rất nhanh so với các bạn nước ngoài, dù kích thước cơ thể không lớn bằng. Hơn nữa, trẻ em Việt còn khá thụ động và nếu tham gia thể thao đồng đội chủ yếu là bóng đá, bóng rổ, một phần nguyên nhân là sân chơi các môn này phổ biến hơn.
Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết không muốn xây dựng một đội bóng thi đấu chuyên nghiệp. Đây đơn thuần chỉ là một sân chơi cho trẻ em.
“Tôi nghĩ sẽ rất tốt cho sự phát triển của trẻ em khi chúng hiểu thế nào là quy tắc đồng đội, cách va chạm và giao hữu với bạn bè. Điều quan trọng là phải uốn nắn ‘tính chiến đấu’ dầm mưa dãi nắng của chúng”, ông Ted Perrein lý giải.
Đi tìm sân chơi phù hợp
Judith Messad (người Pháp) có con trai 12 tuổi, cũng có mặt tại các buổi tập sáng thứ 7 của câu lạc bộ. Bà mẹ này ban đầu khá lo vì thấy môn này “hơi bạo lực”. Tuy nhiên, con trai chị đã tham gia chơi từ 8 tuổi, cậu bé không bị sao và rất thích thú.
“Đến TP.HCM, tôi rất vui vì tìm được sân chơi môn này phù hợp độ tuổi của con. Từ khi tham gia đội bóng, con tôi trở nên tự tin hơn vì kết thêm nhiều bạn nói ngoại ngữ”, chị Messad chia sẻ.
Các phụ huynh nghĩ bóng bầu dục là môn có thể rèn luyện tinh thần đồng đội, giao hữu và thể lực cho con trẻ. Ảnh: Ý Linh. |
Còn anh Mạnh Cương cũng hài lòng với câu lạc bộ hiện tại vì ít nhất có thể kéo bọn trẻ khỏi TV, trò chơi điện tử hoặc ngồi lì trong nhà. Ngoài ra, con trai anh chưa thể đi tham gia hoạt động ở những nơi xa nhà, phải có phụ huynh đưa đi.
"Đa số phụ huynh phải đi làm trong tuần, cuối tuần mới rảnh để đưa con đi chơi. Đồng nghĩa với việc lũ trẻ sẽ chỉ loanh quanh ở trường và nhà, ít thời gian vui chơi, vận động thoải mái", anh Cương nói.
Trao đổi với Zing, ông Ted Perrein cho biết việc tìm sân là một trong những khó khăn ban đầu khi thành lập câu lạc bộ ở TP.HCM. Với đặc thù môn bóng bầu dục và nhất là sân chơi cho trẻ em, ông phải tìm mặt sân phù hợp.
“Không hẳn là một sân bóng đá bất kỳ. Chúng tôi phải tìm sân có cỏ tự nhiên, vì khi bọn trẻ tiếp xúc, ngã xuống sẽ giảm thương tích đáng kể. Cỏ nhân tạo vẫn có nguy cơ cứa vào da”, chủ nhiệm câu lạc bộ giải thích.
Centaurs Rugby Saigon không có sân riêng, mà phải thuê sân cho mỗi buổi tập, thi đấu. Hiện sân vận động Sala Đại Quang Minh (TP Thủ Đức) là địa điểm quen thuộc của câu lạc bộ vì phí thuê phù hợp khả năng chi trả của đội và phụ huynh. Giá thuê sân ở đây niêm yết từ 800.000 đồng đến 1,4 triệu đồng một giờ (tùy khung giờ) vào thứ 7, chủ nhật, ngày lễ.
Hiện câu lạc bộ Centaurs Rugby Saigon chỉ tổ chức một buổi sáng thứ 7. Do trong tuần các cha mẹ phải đi làm nên hạn chế thời gian đưa trẻ đi chơi.
Câu lạc bộ Centaurs Rugby Saigon là sân chơi được trẻ em quốc tế ở TP.HCM yêu thích. Câu lạc bộ cũng mong muốn thu hút thêm trẻ em Việt Nam tham gia chơi bóng bầu dục. Ảnh: Centaurs Rugby Saigon. |
Ở TP.HCM 2,5 năm, chị Judith Messad luôn cố gắng tìm và đưa con tham gia những hoạt động ngoại khóa, ngoài trời. Gia đình chị thường cùng con trai duy trì chạy bộ ở các đường gần nhà.
“Tôi tạm yên tâm với sân bóng này, rộng và có cỏ tươi an toàn hơn cho trẻ em nếu chúng ngã xuống. Ngoàira, tôi cũng muốn tìm thêm không gian vui chơi tương tự cho con ở TP.HCM, hiện chưa thấy thêm. Tại nước tôi (Pháp), kể cả thành phố nhỏ cũng có ít nhất 1-2 sân chơi lớn cho trẻ em với đa dạng hoạt động”, chị Messad bày tỏ.
Theo quan điểm của chủ nhiệm câu lạc bộ bóng bầu dục, sân chơi cho trẻ em ngoại khóa và thể thao nói riêng ở TP.HCM còn hạn chế.
“Thật đáng tiếc. Nếu thành phố và Việt Nam nói chung chịu đầu tư cơ sở vật chất cho đối tượng này, thì chất lượng giáo dục, thể chất và giao tiếp xã hội của con trẻ sẽ tăng theo”, ông Ted Perrein suy nghĩ.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.