Sau khi Bamboo Airways chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm nay, thị trường hàng không Việt có sự cạnh tranh giữa 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco và Bamboo Airways.
Các hãng hàng không đang quyết liệt tranh giành “miếng bánh” và điều đó giúp những doanh nghiệp phụ trợ trong ngành như Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) hưởng lợi lớn.
Thực tế, trong quý II/2019 vừa qua, các hoạt động kinh doanh chính của công ty này như bán hàng miễn thuế tại sân bay, phòng chờ và các dịch vụ phụ trợ hàng không khác đều tăng trưởng mạnh, qua đó giúp doanh nghiệp thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận.
Cụ thể, 3 tháng quý II, Sasco ghi nhận gần 702 tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế đạt hơn 325 tỷ đồng (tăng 15 tỷ); doanh thu phòng chờ sân bay đạt 122 tỷ đồng (tăng 24 tỷ); doanh thu hoạt động khác cũng tăng 29 tỷ, đạt gần 163 tỷ đồng…
Tổng doanh thu tăng trưởng trong khi giá vốn chỉ tương đương mức cùng kỳ giúp lợi nhuận gộp quý II của Sasco tăng 24%, đạt gần 350 tỷ đồng.
Tính ra, tỷ suất lợi nhuận gộp tại Sasco quý vừa rồi lên tới gần 50%, con số rất cao so với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không như Vietnam Airlines hay Vietjet (dao động trong khoảng 12-13%).
Thậm chí, biên lãi gộp của mảng dịch vụ phòng chờ tại sảnh sân bay của Sasco còn lên tới 74%, hay như mảng bán hàng miễn thuế cũng sở hữu biên lợi nhuận khoảng 27%, đều cao hơn vận tải hàng không của các hãng bay.
Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ tăng gần gấp đôi do chi phí nhân viên quản lý tăng mạnh nhưng công ty dịch vụ hàng không này vẫn ghi nhận khoản lãi trước thuế tăng gần 49%, đạt 197 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Sasco đạt 1.432 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% và lãi trước thuế 296 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Bình quân, cứ mỗi ngày, doanh nghiệp này lại lãi trước thuế hơn 1,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính bán niên của Sasco vẫn cho thấy công ty này chưa thể giải quyết các tồn đọng từ việc đầu tư ngoài ngành những năm trước cổ phần hóa.
Công ty này đang có gần 640 tỷ đồng phải thu gồm cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó đang phải trích lập dự phòng với các khoản phải thu khó đòi lên tới 312 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong số các khoản phải thu này có khoản phải thu từ Công ty Liên doanh Cổ phần Nhà Việt (Viet Home GMBH) hơn 244 tỷ đồng; 162 tỷ đồng tiền ứng trước cho Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phú Quốc để bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng tại khu du lịch sinh thái Bắc Vũng Bàu (tại ấp 04, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc).
Cả hai khoản phải thu này đã tồn tại trên báo cáo tài chính của Sasco từ nhiều năm nay nhưng chưa thể giải quyết.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐQT Sasco. Ảnh: Hải An. |
Thậm chí, khoản đầu tư trong Viet Home GMBH cũng từng bị Thanh tra Chính phủ nhắc tới trong kết luận thanh tra tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV hồi đầu năm 2018.
Cụ thể, giai đoạn 2005-2015, Sasco đã đầu tư vốn thành lập Công ty Viet Home GMBH tại Đức, nhưng công ty này hoạt động không hiệu quả, lỗ lũy kế đến cuối năm 2015 là hơn 13,4 triệu euro (khoảng 360 tỷ đồng). Các mục tiêu kinh tế của dự án cũng chưa đạt được và khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư và các khoản nợ với số tiền hơn 9,6 triệu euro (257 tỷ đồng).
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là các khoản đầu tư trước khi Sasco cổ phần hóa và vẫn thuộc sở hữu của ACV.
Hiện tại, Sasco đã được cổ phần hóa và là doanh nghiệp dịch vụ thương mại sân bay lớn nhất trong nước. Nguồn thu chính của công ty này là hoạt động phụ trợ hàng không tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Cổ đông lớn nhất tại đây vẫn là ACV với hơn 49% vốn. Tuy nhiên, nhóm cổ đông có liên quan gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn - bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà - hiện cũng sở hữu trên 45% vốn doanh nghiệp này.
Cá nhân ông Hạnh Nguyễn cũng đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Sasco từ giữa năm 2017, còn bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Hạnh Nguyễn) cũng là một trong 4 thành viên còn lại của HĐQT công ty.