Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) vừa công bố báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm. Báo cáo cho thấy bức tranh khá xấu của ngành công nghiệp Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng đến từ các tập đoàn lớn như LG, Apple và Panasonic…
Theo Cục Công nghiệp, sản xuất công nghiệp trong quý II chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động bình thường trở lại, sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng từ tháng 5.
Nhiều ngành sản xuất giảm mạnh vì dịch
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 11,9% so với tháng trước. Tương tự, chỉ số tháng 6 tăng 10,3%. Chỉ số PMI của Việt Nam đã tăng 10 điểm trong tháng 5 đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục 32,7 điểm của tháng 4.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tính tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Công nghiệp, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.
Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, Nghị định số 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó ảnh hưởng đến ngành sản xuất đồ uống.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 6 tháng đầu năm tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước. Ví như ôtô giảm 26,6%; bia giảm 17,4%; dầu thô khai thác giảm 12,7%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 13%; sắt, thép thô giảm 10,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%; điện thoại di động giảm 8,5%...
Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng cao như linh kiện điện thoại tăng 27,5%; xăng, dầu các loại tăng 20,9%; thép tăng 12,8%; phân u rê tăng 9,5%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; TV tăng 5,7%....
Hàng tồn kho tăng trên 100%
Theo Cục Công nghiệp, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6 tăng mạnh, ước tính tăng 26,7% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 16,1%).
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 156,2%. Sản xuất xe có động cơ tăng 129,6%. Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 61,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 39,5%; sản xuất trang phục tăng 39,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 38,9%...
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm khá cao với 78,9% (cùng kỳ năm trước là 74,9%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao.
Ngành dệt tăng 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất xe có động cơ 97,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%...
Cục Công nghiệp cũng đánh giá khó khăn và cơ hội phát triển của một số ngành công nghiệp cụ thể. Điển hình như ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học từng gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc hồi đầu năm.
Tuy nhiên nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng.
Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tháng 6 tăng 29,3% so với tháng trước và tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất của ngành tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019 (3,5%). Giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 19,28 tỷ USD, tăng 24,2%; mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 21,5 tỷ USD, giảm 8,4%.
Cơ hội chờ đợi từ Apple, LG…
Tuy nhiên, dự kiến 6 tháng cuối năm, ngành điện tử vẫn bị ảnh hưởng lớn do diễn biến dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại các thị trường Mỹ và châu Âu.
Cục Công nghiệp cho biết doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).
Tuy nhiên, điểm sáng được Cục Công nghiệp đưa ra là việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch.
Tay nghe không dây của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Cult of Mac. |
Trong khi đó, các tập đoàn xuyên quốc gia đang xem xét dịch chuyển đầu tư, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Thực tế cũng cho thấy, hiện có nhiều thông tin các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam.
LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Mời đây UBND TP Hải Phòng cũng xin chủ trương mở rộng khu công nghiệp Tràng Duệ thêm 700 ha để LC mở rộng sản xuất.
Trong khi đó, theo Nikkei, trong quý II, Apple sẽ sản xuất 3-4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple - đã đặt nhà máy tại Bắc Giang.
Điểm sáng tiếp theo là Panasonic Việt Nam cũng đang chuẩn bị vào đầu tháng 9 năm nay sẽ từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan.
“Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới”, Cục Công nghiệp đánh giá.