Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế, xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2020.
Trong bối cảnh vừa đối mặt với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, GDP cả nước tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.
Riêng quý II, tốc độ tăng trưởng GDP ước tính đạt 0,36%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, mức này cao hơn dự báo của VEPR trước đó về tăng trưởng âm của quý II.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng cục trưởng phụ trách, Tổng cục Thống kê, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường, bán buôn bán lẻ (tăng 4,3%), hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng (6,78%).
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 14,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,44%; khu vực dịch vụ chiếm 42,04%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,36%.
6 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn khó khăn của nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 0,69% so với cùng kì năm 2019; tích lũy tài sản tăng 1,93%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,4 tỷ USD, giảm 2,1%.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện sớm, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm. Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cả, tôm nguyên liệu giảm.
Tăng trưởng công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 2,71%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,96%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 10 năm trở lại đây; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,04; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,76%; ngành khai khoáng giảm 5,4%.
Tổng cục Thống kê nhận định, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu cũng đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, thương mại toàn cầu liên tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị gia tăng giữa Mỹ - Iran, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và trên bán đảo Triều Tiên cũng đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.
Chính phủ và Thủ tướng đã ưu tiên phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân. Đây là nên tảng để nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.