Ngày 17/6, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB - VNU) và Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2020 tại Hà Nội.
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR và thạc sỹ Nguyễn Diệu Huyền cho rằng kết quả phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, gồm Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu EU (EVFTA và IPA) đã được hoàn tất ký kết và thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ 1/8; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm đang được đẩy nhanh.
Bên cạnh đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp nhờ nhu cầu tiêu thụ và sản xuất suy giảm trên thế giới; cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời tận dụng các FTAs, lao động giá rẻ, ưu đãi thuế, quản lý môi trường lỏng lẻo của Việt Nam; môi trường lạm phát ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng.
Với kịch bản lạc quan nhất, dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam khoảng 5,3%. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang gặp nhiều rủi ro và thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất ổn hơn bao giờ hết.
Nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần hai kèm theo các rủi ro về phong tỏa tổng cầu và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang hiện hữu ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Sự xung đột địa chính trị giữa các nước lớn có thể khiến một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam chịu thiệt hại bất kể phần thắng nghiêng về bên nào.
Bên cạnh đó, nền tảng vĩ mô trong nước còn yếu, chưa được cải thiện nhiều so với những năm trước, như thâm hụt tài khóa cao, ngân sách dành cho đầu tư phát triển thấp; sức khỏe đã được cải thiện nhưng còn yếu của hệ thống ngân hàng - tài chính; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI; lao động nhiều về số lượng nhưng thấp về chất lượng.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra kịch bản lạc quan nhất cho kinh tế Việt Nam được xây dựng dựa trên giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào cuối tháng 4 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa từ đầu tháng 6, giúp các ngành xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng tốt trong nửa cuối của năm.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của Covid-19 sẽ rơi vào quý II.
Với kịch bản lạc quan này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 5,3% trong cả năm 2020.
Với các kịch bản trung tính và bi quan, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có thể tái bùng phát và các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III, thậm chí là quý IV. Mức độ tác động của Covid-19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn.
“Mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể chỉ là 3,9% trong kịch bản trung tính, hoặc chỉ là 1,7% trong kịch bản bi quan”, nhóm nghiên cứu VEPR nêu quan điểm.