Trong bài phát biểu khoảng 10 phút tại Hội nghị Chính phủ và địa phương 6 tháng đầu năm tổ chức sáng 2/7, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh Việt Nam đang gặp thách thức lớn về kinh tế sau dịch Covid-19.
Ông nhiều lần cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế và đề xuất một loạt biện pháp để tránh điều này trong bối cảnh cấp bách hiện nay.
Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo rất thách thức
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia. Do đó, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị Covid-19.
Bộ trưởng KHĐT nhấn mạnh nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản...
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Nếu dịch bùng phát lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây. Ngoài ra, sẽ mất rất nhiều năm, nhiều chi phí để phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không được phép chủ quan trước dịch bệnh, không được mất động lực trong bối cảnh đất nước an toàn trong khi nhiều nước còn đang vật lộn với dịch bệnh. Bối cảnh thế giới đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn đối với kinh tế Việt Nam nhưng cũng mở ra những cơ hội và động lực mới cho phát triển của nước.
Ông nhấn mạnh tình hình 6 tháng cuối năm dự báo rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp nhiều khó khăn. Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển.
“Chống suy thoái kinh tế như chống giặc"
Nói về nguy cơ suy thoái kinh tế và giải pháp phục hồi, Bộ trưởng KHĐT đề xuất tập trung vào một số vấn đề.
Thứ nhất, ông cho rằng cần xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan.
Ông đề xuất xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Bộ trưởng KHĐT cũng đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Ông cũng đề xuất khẩn trương tổ chức các đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn (như TP.HCM...) để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.
Một trong các biện pháp chống suy thoái kinh tế là phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực.
Bộ trưởng đề xuất cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.
Người đứng đầu ngành KHĐT cũng đề xuất cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.
Cần triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.
Khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Ông cho rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động.