Trong số những ngành nghề đang chuyển mình tại Việt Nam, Công nghệ Y tế là lĩnh vực mà người Việt thực sự có thể đi trước, tạo ra những sản phẩm độc quyền.
Cuối năm 2019, Tiến sĩ Cao Anh Tuấn, khi đó đang làm việc tại Mỹ, quyết định về Việt Nam để thành lập Genetica. Công ty này hiện là một trong những cái tên nổi bật về giải mã, xét nghiệm gen tại Đông Nam Á.
Có quy mô chưa tới 100 người, nhưng Genetica đặt mục tiêu đối đầu với nhiều công ty lớn tại châu Á về xét nghiệm gen. Trong cuộc trò chuyện với Zing, nhà sáng lập Cao Anh Tuấn chia sẻ về quá trình khởi nghiệp tại Việt Nam, cũng như những khó khăn khi muốn chinh phục thị trường khu vực.
Chào anh Cao Anh Tuấn. Nếu tìm kiếm tên của anh cùng với tên công ty Genetica, từ khóa thường xuất hiện nhất sẽ là “cựu tiến sĩ Google” hoặc “cựu nhân viên Google”. Trước đây ở Google, công việc của anh là gì, và vì sao cái tên công ty cũ vẫn gắn với anh như vậy?
Tôi nằm trong nhóm xây dựng cơ sở dữ liệu phân tán toàn cầu đầu tiên của thế giới. Khi Google ra mắt một sản phẩm hoành tráng, cả thế giới đều hoan hô, nhưng những người trong cuộc mới hiểu là những nền tảng này đã được đưa ra trong các nghiên cứu cả 10 năm rồi, chỉ là thực tế chưa ai xây dựng được.
Hệ thống cơ sở dữ liệu này, về cơ bản, đảm bảo hệ thống chạy ở châu Âu, Mỹ hay châu Á đều khá tương đồng. Google có lượng dữ liệu khổng lồ và phải xử lý hàng ngày. Hệ thống của chúng tôi đảm bảo xử lý dữ liệu một cách tốt nhất, trong thời gian thực.
Hệ thống đó khi được công bố đã thực sự là một đột phá. Google đơn giản là có đủ dữ liệu để thực hiện, nên họ cũng gần như định nghĩa luôn cách mà thế giới phải làm theo.
Những kinh nghiệm đó giúp ích cho tôi rất nhiều khi về Việt Nam và xây dựng đội ngũ. Do đã trải qua việc xây dựng những hệ thống rất lớn, tôi có thể áp dụng kinh nghiệm cho công việc sau này. Tôi nghĩ mình cũng may mắn vì đã học hỏi được rất nhiều thứ khi làm việc tại Google.
Anh từng học chuyên Lý, Toán, sau này theo đuổi nghiên cứu dữ liệu. Những nền tảng đó có liên quan gì tới lĩnh vực gene mà anh đang làm hiện nay?
Chuyên ngành của tôi là dữ liệu lớn. Về gen thì mảng chính hiện nay là bioinformatics - phân tích dữ liệu sinh học, tức là khi giải mã thông tin ra rồi, mình làm được gì từ thông tin đấy.
Bây giờ các máy móc giải mã gen đã rất tối tân. Nhưng khi có rất nhiều dữ liệu như vậy thì làm sao phân tích được. Lúc này chúng ta lại quay ngược lại bài toán là phân tích dữ liệu, tức là quay ngược lại những nhà công nghệ thông tin.
Có thể tưởng tượng công việc này giống như trong một đống cát rất to, làm sao tìm ra được đúng một hạt cát mình cần. Nó giống như mò kim đáy bể. Con người lúc đó không thể tự làm thủ công được mà phải dùng tới máy. Nó chính là khoa học dữ liệu.
Những công ty lớn, rất lớn bây giờ về giải mã gen thì đội hình nòng cốt, nghiên cứu chuyên về gen, là những người rất chuyên sâu về sinh học. Những người lấy kết quả từ phòng lab để phân tích, tìm ra kết quả mới là đội công nghệ thông tin. Do vậy, công nghệ gen là sự kết hợp giữa sinh học và khoa học máy tính. Những công ty đang dẫn đầu xu hướng giải mã gen trên thế giới cũng lấy hàng loạt người từ Google ra. Ở Việt Nam, mọi người cũng dần nhận ra rằng khoa học dữ liệu rất quan trọng, và ngành này cũng đang thành xu hướng.
Khoa học dữ liệu cũng giúp giải quyết nhiều bài toán hay. Như với AirBnB, một trong những bài toán họ cần giải là làm sao đánh giá được điểm số, độ tin tưởng của người cho thuê và người thuê. Hay Uber cũng phải làm sao tuyển được những tài xế không phải người nghiện rượu. Những bài toán này đều phải sử dụng dữ liệu để đánh giá được.
Khoa học dữ liệu, nghiên cứu gen có ảnh hưởng trực tiếp thế nào tới y học?
Khi giải mã 20.000 bộ gen người, những ký tự đủ để viết 4.000 quyển sách. Nghe thì có thể không nhiều, nhưng vấn đề là sự kết hợp của các ký tự trong 4.000 quyển sách đấy, với 6 tỷ ký tự thì số tổ hợp sẽ nhiều vô kể.
Cách đây 2-3 năm, người ta vẫn nói là mới hiểu được 2-3% bộ gen người. Sau này, các nhà khoa học nhận ra rằng những DNA không mã hóa protein cũng dùng để kích hoạt các yếu tố trong bộ gen. Cứ khoảng 5-7 năm, sẽ có một công trình đột phá về nghiên cứu gen ra đời.
Tôi vẫn thường nhắc lại rằng trong sự phát triển của con người, gen chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại là môi trường. Tuy nhiên, với một số bệnh tật thì gen ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Ví dụ với bệnh tự kỷ, ảnh hưởng từ gen có thể lên tới 70%, tiểu đường khoảng 60-70%, còn trầm cảm cũng trên 50%.
Do vậy, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu về ảnh hưởng của gen với tự kỷ, đột quỵ. Các bệnh này, cùng với tiểu đường, đều có thể có thể xét nghiệm gen để hiểu được nguy cơ, chủ động phòng tránh, nhất là với người châu Á.
Hoặc như trong đại dịch Covid-19, Genetica là đại diện của Việt Nam nghiên cứu về gen của con người để chống lại virus. Chúng tôi đang kết hợp với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho nghiên cứu này.
Trở về từ Mỹ và tham gia vào một lĩnh vực còn khá mới mẻ, các anh có gặp khó khăn gì không?
4-5 năm trước, tôi từng đối mặt với câu hỏi vì sao ở Việt Nam chẳng có ai làm về gen mà chúng tôi lại chọn làm. Khi đó ở Mỹ mọi người đã biết công nghệ gen rất quan trọng, nhưng thị trường Việt Nam thì không mấy quan tâm. Sợ nhất là khi mình một mình một ngựa, bởi như vậy nghĩa là thị trường không sôi động.
Thực ra khi mới về Việt Nam, tôi vẫn có lợi thế lớn nhờ cái danh tiến sĩ tại Mỹ, kỹ sư Google. Tuy nhiên, để thuyết phục một người dùng Việt Nam từ đầu về xét nghiệm gen thì rất khó, mất nhiều thời gian.
Do vậy, tôi cũng rất vui khi thấy ngày càng nhiều nơi nói về gen, các công nghệ giải mã gen. Điều đó giúp tôi cắt ngắn thời gian giải thích cho họ.Khi có nhiều cơ sở nghiên cứu gen, nó sẽ trở thành một xu hướng. Thay vì ăn cả miếng bánh rất nhỏ thì tôi chỉ cần ăn một phần của miếng bánh to hơn mà thôi.
Vậy còn thị trường quốc tế thì sao?
Khi ra khu vực, tôi luôn nghĩ sẽ rất hối hận nếu để các công ty đặt tại Hong Kong, Singapore đánh bại mình ở thị trường Đông Nam Á. Thị trường có khoảng 700 triệu dân nên cạnh tranh rất khốc liệt. Nói thật là mỗi lần phải cạnh tranh với các công ty ở khu vực tôi cũng khá run, vì họ có thể bắt kịp rất nhanh về công nghệ, và lại có những sự hỗ trợ rất lớn.
Tôi luôn cảm thấy áp lực từ sau lưng, nên phải tập trung vào phát triển công nghệ. Câu hỏi thường xuyên phải trả lời là công nghệ của Genetica có gì đặc biệt.
Các công ty đặt tại Hong Kong, Singapore đi lên từ việc phân phối thiết bị, sử dụng chip giải mã gen của Illumina hay Thermo Fisher. Do tập trung vào phân phối, họ mất đi cơ hội phát triển chip giải mã gen dành riêng cho người châu Á.
Chúng tôi có lợi thế là nắm công nghệ lõi, chuyên về giải mã gen cho người châu Á. Dù vậy, mỗi lần đi giới thiệu sản phẩm ở trong khu vực chúng tôi vẫn phải mang cái mác công nghệ Mỹ, đội hình nghiên cứu ở Mỹ, có bản quyền, phát triển độc lập, giá thành rẻ.
Khi giới thiệu, chúng tôi tự tin rằng mình là những người hiểu rõ bộ gen của người châu Á nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dù vậy, vẫn có một thứ khá phiền hà.
Điều phiền hà đó là gì?
Thương hiệu về công nghệ của Việt Nam chưa mạnh. Tôi có may mắn là vẫn có thương hiệu công nghệ, đội hình nghiên cứu đều đặt ở Mỹ.
Tuy nhiên, các khách hàng đều muốn gửi mẫu về Mỹ. Gửi mẫu từ các địa điểm đó tới Mỹ rất mất thời gian, khoảng 5-7 ngày làm việc, tức là khoảng 2 tuần chỉ để vận chuyển. Thay vào đó, họ có thể gửi rất nhanh về Hong Kong hay Singapore.
Điều tôi mong muốn là thay vì phải gửi về phòng lab ở Mỹ, khách hàng có thể chấp nhận gửi về lab đặt tại Việt Nam. Thực sự rất khó có thể thuyết phục khách hàng là dù phòng lab đặt tại Việt Nam, toàn bộ quy trình mà chúng tôi đi theo đều là tiêu chuẩn Mỹ, tương đương với phòng lab ở Mỹ. Đó là một trong những thách thức lớn nhất của Genetica.
Tôi buộc phải đưa cho đối tác những lựa chọn. Chuyển về Mỹ sẽ mất 15 ngày, về Việt Nam nhanh hơn nhiều, nhưng họ vẫn chọn chuyển mẫu về Mỹ.
Đối tác chỉ cần đặt câu hỏi, là nếu ông cho rằng phòng lab của ông đạt đủ các tiêu chuẩn Mỹ, thì liệu có phòng lab thứ hai, của đơn vị khác cũng đạt tiêu chuẩn đó không. Không chỉ ra được thì sẽ không thuyết phục được các đối tác là bệnh viện lớn, bởi họ không bao giờ muốn là chuột bạch, đi mở đường.
Do đó, chúng tôi nhiều khi phải thuyết phục những đối tác nhỏ nhưng thân thiết hơn của mình có thể dần chấp nhận chuyển một lượng mẫu về Việt Nam. Chúng tôi muốn có thể chứng minh, dù phải tự mình bỏ tiền ra, rằng 2 quy trình giống hệt nhau. Điều này sẽ mất ít nhất 6-8 tháng. Đó là mục tiêu của năm 2021.
Sự khác biệt khi đi theo tiêu chuẩn, đó là nếu làm theo tiêu chuẩn Mỹ thì kết quả sẽ được công nhận rộng rãi. Thực tế là có trường hợp tôi đã chứng kiến ở đại học Y, khi cần sự tư vấn của các bác sĩ Mỹ về đột biến ung thư. Bác sĩ tại Mỹ không chấp nhận kết quả, vì nó không đến từ một phòng lab tiêu chuẩn Mỹ.
Vậy vì sao lúc đó anh lại quyết định chuyển đội ngũ vận hành Genetica về Việt Nam?
Thực tế là lúc đó chúng tôi đã có kế hoạch chuyển về Singapore. Tuy nhiên, khi gặp các bộ trưởng Kế hoạch & Đầu Tư, Khoa học & Công nghệ và Thông tin & Truyền thông của Việt Nam tại Mỹ, tôi đã được thuyết phục vì sự nhiệt huyết của các anh.
Quả thực khi về Việt Nam, tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ. Ngay khi mới về Việt Nam, tôi đã được giới thiệu đi gặp giám đốc các bệnh viện lớn, điều rất khó nếu làm ở Singapore.
Tôi từng dẫn nhà đầu tư của mình tới gặp anh Hùng (Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng). Chính cuộc gặp đó đã thuyết phục nhà đầu tư của Genetica về kế hoạch đặt căn cứ tại Việt Nam.
Bản thân tôi vẫn cho rằng áp dụng khoa học công nghệ cho y tế là cửa sáng nhất để công nghệ Việt Nam có thể cạnh tranh với nước ngoài.
Một start-up về gen như Genetica sẽ đối đầu với các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty lớn như thế nào?
Đầu tiên là nguồn lực. Ví dụ, đội ngũ nghiên cứu của Genetica hiện tại chiếm khoảng 10% nhân sự, đều là những tiến sĩ tại Mỹ, như vậy là hơi đông hơn mức cần thiết. Tuy nhiên, so với các công ty lớn tại Đài Loan, Trung Quốc thì số người nghiên cứu của chúng tôi vẫn ít hơn rất nhiều.
Máy móc, trang thiết bị cũng ít hơn. Ít máy thì sẽ phải thường xuyên ngồi đợi, trong khi các công ty lớn đủ máy để chạy liên tục.
Đứng sau các công ty đó đôi khi là hỗ trợ của chính phủ, hoặc những tập đoàn công nghệ lớn như Alibaba.
Làm sao đối đầu được với những công ty lớn như vậy? Công ty to ắt sẽ phải làm rộng, nhiều mảng hơn. Họ buộc phải nghiên cứu thật nhiều lĩnh vực do áp lực từ nhà đầu tư. Điều đó khiến sản phẩm của họ cồng kềnh, chi phí đắt đỏ hơn.
Chúng tôi sẽ phải đi vào những hướng chuyên sâu, mất rất nhiều thời gian. Do vậy, chúng tôi mới tập trung vào nghiên cứu bệnh đột quỵ, tiểu đường. Càng đi sâu, con chip chúng tôi làm ra càng rẻ hơn.
Chiến lược này cũng đồng nghĩa có những mảng chúng tôi buộc phải bỏ như tầm soát trước sinh, bởi không thể nào đương đầu với công ty lớn. Với ung thư, chúng tôi cũng chỉ nghiên cứu những bệnh chuyên sâu, đặc thù của người châu Á như ung thư về dạ dày, đường tiêu hóa.
Một hướng đi khác là kết hợp cùng một công ty cùng cỡ của mình, nhưng cũng đi theo hướng chuyên sâu về một bệnh khác. Chúng tôi có thể kết hợp với nhau để đánh vào các thị trường lớn, như Indonesia.
Tất nhiên, nghiên cứu chuyên sâu thì phải bền bỉ, mất nhiều thời gian mới ra được tiền. Tôi cho rằng sự bền bỉ được hình thành từ việc học toán trước đây. Hồi đó học toán, giải các bài toán khó nhiều lúc giống như mình đâm đầu vào tường. Cứ liên tục như thế, tìm ra các lời giải, nhờ vậy tạo ra cái tính không bỏ cuộc sớm.
Nhiều người cứ hỏi vì sao các anh học toán lại làm ra được nhiều thứ hay ho như thế, tôi cho rằng chính từ tính cách đó.