Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chủ tịch Ericsson Việt Nam: Việt Nam đang chuyển đổi số rất nhanh

Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Đông Dương cho rằng sự phát triển của công nghệ 5G rất phù hợp với định hướng chuyển đổi số của chính phủ Việt Nam.

Sự phát triển của công nghệ 5G rất phù hợp với định hướng chuyển đổi số của chính phủ Việt Nam. Đó là lý do chính phủ nỗ lực đẩy mạnh các công nghệ hiện đại, theo nhận định của lãnh đạo tập đoàn Ericsson tại Việt Nam.

Zing hẹn gặp ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar ở văn phòng làm việc tại Hà Nội. Là lãnh đạo của một tập đoàn viễn thông lớn, đối tác của tất cả nhà mạng Việt Nam, ông Brunetti rất hào hứng với quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo ông Brunetti, công nghệ 5G đóng vai trò quan trọng để phát triển nền kinh tế số. Ericsson cùng các đối tác của mình đang góp phần xây dựng một hạ tầng để phục vụ tương lai đó.

Chào ông. Ông đã làm việc tại Việt Nam từ năm 2017. Trong thời gian đó, ông thấy ngành công nghệ Việt Nam thay đổi như thế nào?

Việt Nam đang thực sự bước vào kỷ nguyên số, và tôi cho rằng Việt Nam đứng trong top 3 ở Đông Nam Á về chỉ số đổi mới sáng tạo, về startup và tinh thần khởi nghiệp. Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng, mà ở nhiều thành phố khác thì nền kinh tế số cũng đang phát triển nhanh chóng.

Năm 2018, nền kinh tế số ở Việt Nam đóng góp 9 tỷ USD, nhưng con số đó vào năm 2015 chỉ là 3 tỷ USD. Tới năm 2025, đóng góp của nền kinh tế số có thể tới 30 tỷ USD. Việt Nam đặt ra mục tiêu kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP vào năm 2025, và 30% vào năm 2030.

Kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, các startup mọc lên nhiều và có cả sự tập trung vào công nghệ cao cùng chính sách đầu tư.

Rõ ràng chính phủ Việt Nam đang hướng tới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và chuyển đổi số không chỉ trong xã hội mà cả trong công nghiệp. Nhiều ngành như sản xuất, năng lượng, du lịch, tài chính… đều đang được chuyển đổi số. Chúng sẽ ngày càng hiệu quả hơn, và mục tiêu tương lai là hướng tới công nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.

Tất cả nằm ở khoa học, công nghệ và sáng tạo. Đó là những trụ cột của làn sóng tiếp theo. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra đề án chuyển đổi số và chương trình phát triển theo cách mạng công nghiệp 4.0. Đó đều là những tầm nhìn xa và mạnh mẽ.

Người trẻ ở Việt Nam rất sáng tạo, chịu khó, học giỏi, đặc biệt là toán và khoa học dữ liệu. Đó là những yếu tố quan trọng để đóng góp cho khoa học, công nghệ. Do vậy, tôi nghĩ những người trẻ Việt Nam đã sẵn sàng để gia nhập nền kinh tế số.

Ông nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của hạ tầng số, 5G. Chúng ta đã nghe rất nhiều về ưu điểm của 5G, nhưng trong ngắn hạn, khoảng 3-5 năm tới thì 5G sẽ tạo ra sự khác biệt gì?

5G cần được hiểu là hạ tầng mạng lưới tối quan trọng của quốc gia. Đường sá, cảng biển… là những hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế, và hạ tầng số cũng vậy. Chúng cực kỳ cần thiết để tăng trưởng.

Ngày nay, hạ tầng số còn quan trọng hơn. Cần phải có hạ tầng số mới có thể xây dựng xã hội số, tạo ra dữ liệu, kết nối. Dữ liệu là nhiên liệu của thời nay, giúp Internet vận hành. Internet chính là động cơ của xã hội số.

Hạ tầng số đảm bảo rằng những thứ chúng ta muốn kết nối có thể thực sự kết nối. Đó có thể là điện thoại, xe hơi, các loại thiết bị IoT, thậm chí là các trạm điện. Việc kết nối mọi thứ là một sự cách mạng, chứ không chỉ là tiến hóa.

Mỗi thế hệ mạng lại cho chúng ta cách kết nối khác nhau. Với 2G, đó là sự kết nối với cuộc gọi và tin nhắn. 3G cho chúng ta thấy Internet trên di động sẽ như thế nào.

4G thực ra có thể gọi là 3G với tốc độ cao hơn. Mạng 4G đã cho chúng ta trải nghiệm chơi game trên điện thoại, phát trực tiếp, và mở ra một loạt ngành công nghệ khác như Grab, AirBnB. 4G đứng đằng sau, giúp mọi ứng dụng trên smartphone vận hành tốt hơn.

Với 5G, mọi thứ sẽ được đưa lên một tầm cao mới. Độ trễ cực kỳ thấp, tốc độ cao hơn nhiều sẽ giúp lượng thiết bị kết nối cao hơn rất nhiều. Điều này mở ra những khả năng hoàn toàn mới, như phẫu thuật từ xa, điều khiển robot ở các nhà máy, hay xe tự lái. Chúng đều là những hoạt động cần độ trễ rất thấp, và chỉ có thể đạt được với 5G.

Tôi cho rằng 5G sẽ có tác động tới các ngành công nghiệp và doanh nghiệp tương tự 4G đã tác động tới tôi và anh. 4G đã thay đổi cách chúng ta sống, kết nối, làm việc, học tập và chơi. 5G sẽ có tác động tương tự như thế với các ngành công nghiệp. Do đó, nó sẽ là nền tảng để đổi mới, sáng tạo.

Các công ty như Viettel, Vinaphone và MobiFone sẽ tìm ra cách mới để kết nối với những nhà cung cấp nội dung, nhà phát triển để cùng tạo ra những dịch vụ số.

Tôi kể được một vài ví dụ rồi, nhưng thực tế là còn rất nhiều khả năng mà thậm chí đến nay chúng ta cũng chưa nghĩ đến. Khoảng 20 năm trước, ta sẽ không thể tưởng tượng ra có thứ như Facebook, Amazon. 10 năm trước, chúng ta cũng không hề hình dung được nền kinh tế chia sẻ. Ai mà biết được 20 năm nữa 5G sẽ tạo ra những nền tảng gì.

phong van chu tich ericsson Viet Nam anh 1phong van chu tich ericsson Viet Nam anh 2

Do vậy, tôi nghĩ sẽ có nhiều ngành công nghiệp, nhiều công ty ra đời ở Việt Nam, bởi chính phủ đang tập trung vào khởi nghiệp và sáng tạo. 5G sẽ là nền tảng cho những ngành nghề, công ty, công việc mới đó. Rất nhiều việc làm trong tương lai sẽ được tạo ra từ công nghệ cao.

Thậm chí cả môi trường cũng sẽ hưởng lợi từ sự phát triển 5G, vì mạng 5G cần ít năng lượng hơn 4G khá nhiều khi vận hành.

Ông đánh giá tốc độ triển khai 5G ở Việt Nam như thế nào?

Việt Nam có mạng 3G vào năm 2009-2010, chậm hơn khoảng 6 năm so với các nước phát triển về viễn thông. Mạng 4G ở Việt Nam được triển khai năm 2016, vẫn chậm hơn các nước khác khoảng 5-6 năm.

Với mạng 5G, Việt Nam đã triển khai nhanh hơn nhiều. Một số nước như Hàn Quốc, Mỹ đã khai thác mạng 5G khoảng cuối năm 2018, hoặc trong năm 2019. Đến năm 2020, các nhà mạng Việt Nam đã thử nghiệm thương mại 5G, tức là không cách quá xa các nước đi đầu về viễn thông trên thế giới.

Chính phủ Việt Nam luôn muốn tận dụng công nghệ để không ai bị bỏ lại phía sau. Rõ ràng Việt Nam đang có tầm nhìn để ứng dụng các công nghệ hiện đại, quan trọng rất sớm. 5G cũng là ví dụ như vậy.

Vậy còn câu chuyện băng tần thì sao? Vì sao ông lại quan tâm đến quá trình đấu giá băng tần đến vậy?

Băng thông như là oxy của ngành viễn thông. Các mạng băng rộng, 3G, 4G hay 5G đều cần đến băng thông. Ngay khi có băng tần, các nhà mạng có thể triển khai trên toàn quốc.

Ở Việt Nam, trong quá trình thử nghiệm các nhà mạng sẽ được cấp giấy phép sử dụng băng tần tạm thời, ở dải 2.600 MHz. Giấy phép này sẽ hết hạn vào năm 2021, và sau đó sẽ tới giai đoạn đấu giá băng tần.

Thực ra thì 5G có thể sử dụng rất nhiều băng tần, kể cả những băng tần đang dùng cho 4G. Đó là công nghệ mà chúng tôi gọi là “Chia sẻ băng tần”, cho phép các nhà mạng tận dụng băng tần đang có để phát 5G. Điều đó giúp họ triển khai 5G nhanh hơn, trước khi ứng dụng

Tuy nhiên, băng tần 700 MHz cũng rất quan trọng với 5G. Việc giải phóng băng tần này là một chiến lược tốt. Băng tần thấp thì có khả năng phủ sóng xa hơn. Ví dụ, ở Australia chúng tôi dùng băng tần 900 MHz cho cả 3G và 4G, với khoảng cách sóng lên tới 200 km, nhờ vậy mới có thể phát sóng cho cả đất nước rộng lớn. Băng tần này cũng xuyên qua các tòa nhà tốt hơn.

Ở các cơ sở sản xuất, cảng hoặc sân bay hay các trạm điện, nơi bạn cần độ phủ sóng ngắn hơn nhưng băng thông lớn hơn để đáp ứng số lượng thiết bị kết nối thì băng tần mmWave sẽ phát huy tác dụng. Do vậy, những tần số khác nhau sẽ đáp ứng các nhu cầu khác nhau.

Nếu như 5G mở ra nhiều cơ hội mới như vậy, liệu các công ty viễn thông, vốn bắt đầu từ những nhà cung cấp dịch vụ nghe gọi, có phải thay đổi?

Trước đây, các nhà mạng cung cấp dịch vụ nghe gọi, nhắn tin. Kể cả khi họ cung cấp Internet băng rộng và Internet di động thì đó vẫn là những dịch vụ cơ bản.

Tuy nhiên, họ đều đang phải mở rộng ngành kinh doanh của mình, mở rộng ra khỏi những dịch vụ cơ bản trở thành nhà cung cấp dịch vụ số. Rất nhiều dịch vụ số đang vận hành ở xung quanh chúng ta: thanh toán di động, bảo mật, chữ ký số, điện toán đám mây…

Các nhà mạng đang trở thành nhà cung cấp nền tảng, nội dung số, giải pháp số, sản xuất thông minh, thành phố thông minh. Tất cả những lĩnh vực “thông minh” đó đều có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam.

Họ không còn là công ty viễn thông, công ty di động hay nhà cung cấp Internet nữa. Họ đang trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, và ngày càng tham gia nhiều lĩnh vực hơn.

Các công ty cũng đầu tư vào nghiên cứu, phát triển nhiều hơn theo chiến lược Make in Vietnam.

Đó có phải là xu hướng của thế giới không?

Có, đó thực sự là xu hướng từ nhiều năm nay. Telstra ở Australia, Verizon ở Mỹ, SK Telecom của Hàn Quốc hay Swisscom của Thụy Sĩ đều là những khách hàng của Ericsson đã đặt chân lên con đường chuyển đổi. Viettel, MobiFone, VNPT hay Vietnamobile đều đang tiến vào con đường đó.

Lý do của sự chuyển đổi là họ muốn tiến lên nấc cao hơn trong chuỗi giá trị, và đem lại nhiều dịch vụ số hơn. Họ hiểu rằng xã hội, công nghiệp và các công ty đều có lợi ích với các dịch vụ số mới.

Theo ước tính của Ericsson, doanh thu từ 5G với khách hàng cá nhân trên toàn cầu sẽ khoảng 130 tỷ USD vào năm 2030. Với khối khách hàng doanh nghiệp, con số đó là 700 tỷ USD. Các nhà mạng đều thấy rõ lợi ích nếu có thể giúp khách hàng của mình chuyển đổi số. Nếu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, họ sẽ có phần chia lớn hơn từ doanh thu, khả năng tăng trưởng tốt hơn, và tất nhiên cả đóng góp cho hạ tầng quốc gia.

Đây là hoàn cảnh mà ai cũng có lợi.

phong van chu tich ericsson Viet Nam anh 3

Với chiến lược Make in Vietnam, Viettel cũng đang sản xuất thiết bị 5G. Họ có trở thành đối thủ của Ericsson?

Tôi cho rằng đây là câu chuyện cùng tăng giá trị cho nhau, “tôi và bạn” chứ không phải “tôi hoặc bạn”. Chúng tôi vẫn sẽ là một nhà cung cấp quan trọng với các khách hàng của mình, tin tưởng và tôn trọng đối tác của mình.

Make in Vietnam không chỉ là chiến lược hướng tới hạ tầng số, mà còn về con người nữa. Ericsson phát triển rất nhiều thiết bị 5G, và trước đó là 3G, 4G tại Việt Nam. Tôi cho rằng phát triển tài năng trong nước cũng là một thành tố rất quan trọng của Make in Vietnam.

Những tài năng không chỉ để dùng vào bây giờ, cho Ericsson, mà cho cả tương lai của Việt Nam.

Với việc xây dựng hạ tầng 5G cùng khách hàng, chúng tôi cũng đang tạo ra hạ tầng số để các công ty, startup ở Việt Nam sáng tạo ra những giải pháp, ứng dụng mới. Do vậy, chúng tôi cũng đang góp phần tạo ra nền tảng sáng tạo cho Make in Vietnam.

Vậy Ericsson, với tư cách là đối tác cung cấp các thiết bị để phát triển hạ tầng mạng, có phải thay đổi khi khách hàng của mình thay đổi?

5G là một trò chơi hệ sinh thái, và việc xây dựng hệ sinh thái là rất quan trọng. Chúng tôi không chỉ làm việc trực tiếp với khách hàng của mình là các nhà mạng, mà còn hỗ trợ khách hàng của họ, là những doanh nghiệp, nhà phát triển hay trường đại học.

Ví dụ, ở Đức chúng tôi cùng làm việc với nhà mạng Telefonica và Mercedes-Benz để xây dựng một mạng lưới đặc thù cho nhà máy thông minh của họ. Về cơ bản thì họ sử dụng robot, được kết nối không dây tới đám mây để sản xuất xe. Nhà máy này tận dụng cả công nghệ của Ericsson, Mercedes-Benz lẫn nhà mạng để đạt được mục tiêu.

Ericsson đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu, phát triển. Chúng tôi không phải là một công ty khởi nghiệp, nhưng cũng liên tục đổi mới, sáng tạo công nghệ của mình.

Chiến lược đi đầu về công nghệ giúp chúng tôi luôn tạo ra công nghệ mới, nhờ đó có thể nhìn thấy trước được tương lai và định hình công nghệ.

Một điểm nữa cũng rất quan trọng là chúng tôi luôn cố gắng giành được thị phần cao. Chiếm được thị phần cao thì mới có quy mô lớn, giảm được chi phí. Do vậy, việc đi đầu về công nghệ thực sự rất quan trọng để thành công.

Tất nhiên, chúng tôi sẽ không thể làm được mọi việc. Chúng tôi vẫn tập trung vào ngành kinh doanh chính là hạ tầng số 5G, nhưng chúng tôi hiểu rằng cần có cả những thiết bị, ứng dụng mới, nền tảng mới.

Chúng tôi không làm một mình mà sẽ luôn hợp tác với các đối tác. Ericsson tự thấy mình giống như một nhạc trưởng, giúp kết nối mọi bên để tạo ra một giải pháp tốt nhất.

Cảm ơn ông. Câu hỏi cuối, tôi muốn hỏi chuyện riêng tư hơn một chút. Vì sao ông lại trang trí phòng làm việc của mình với tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một khung hình trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”?

Tôi thực sự yêu những truyền thống, văn hóa của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ảnh hưởng to lớn tới xã hội Việt Nam, đem tới sự độc lập, tự do, hạnh phúc. Tướng Giáp là một trong những người đóng vai trò quan trọng nhất đem lại sự độc lập cho Việt Nam.

Tôi yêu thích văn hóa Việt Nam, từ những bộ phim tới âm nhạc. Tôi thích âm nhạc của Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly, và hâm mộ những diễn viên như Lê Vân trong “Bao giờ cho đến tháng Mười”, Lan Hương trong “Em bé Hà Nội”, Như Quỳnh trong “Hà Nội mùa chim làm tổ”.

Tôi thích những bộ phim cũ, kinh điển, của những đạo diễn như Đặng Nhật Minh. Tôi cho rằng người trẻ cũng nên xem phim Việt Nam nhiều hơn. Các bạn xem phim Mỹ, phim Phương Tây rất nhiều. Chúng rất hấp dẫn vì nhiều cảnh hành động, kỹ xảo. Tuy nhiên, những bộ phim kinh điển thực sự rất hay vì cách biên kịch, cách diễn xuất, tôi cho rằng chúng cho thấy rõ tài năng. Ở Việt Nam, các bạn có rất nhiều đạo diễn, biên kịch, diễn viên tài năng.

Smartphone 5G giá tốt sẽ phổ biến tại Việt Nam trong năm nay

Các hãng công nghệ đều cho biết sẽ giới thiệu những smartphone tầm trung và giá rẻ có công nghệ 5G trong năm 2021.

Công nghệ 5G chiếm 2/10 sự kiện CNTT quan trọng năm 2020

Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, các cột mốc thử nghiệm 5G được đánh giá là những sự kiện công nghệ thông tin, truyền thông quan trọng nhất trong năm qua.

Tuấn Anh. Đồ họa: Hà My.

Bạn có thể quan tâm