Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổng dịch vụ công quốc gia giúp tiết kiệm chi phí, ngăn tham nhũng vặt

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói mục tiêu của Cổng dịch vụ công quốc gia là không để lại ai phía sau, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngày 10/7, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ công của người dân thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Các bộ, cơ quan của Chính phủ và địa phương đã lấy mục tiêu đó để chuyển hướng quản lý hành chính, vừa bảo đảm quản lý theo quy định pháp luật, vừa phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp.

Việc Cổng dịch vụ công quốc gia tích hợp các dịch vụ công của các bộ, ngành, sẽ giúp người dân tiếp cận một dịch vụ công thân thiện theo hướng không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết mục tiêu của Cổng dịch vụ công quốc gia là không để lại ai phía sau, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. “Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là sự hài lòng, thành công của Chính phủ. Mục tiêu là tiếp tục đưa các dịch vụ công cấp độ 3, 4 tới người dân và doanh nghiệp, thể hiện sự công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí chính thức, phi chính thức và ngăn chặn tham nhũng vặt”.

Cai cach hanh chinh cong anh 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

"Cổng dịch vụ công quốc gia là kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, cùng đồng hành với Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhấn mạnh.

Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao 4 ưu điểm của việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Đó là an toàn hơn, tiện lợi hơn cho người dân, giảm bớt đi lại qua đó làm giảm ô nhiễm môi trường và giảm tham nhũng.

"Quản trị điện tử và chuyển đổi số càng trở nên quan trọng và cấp thiết hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tôi đánh giá cao cam kết của Chính phủ Việt Nam ở cấp cao nhất trong việc thực hiện quản trị điện tử và chuyển đổi số. Sự tham gia của người dân giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy và nâng cao chất lượng quản trị điện tử", bà Caitlin Wiesen, chia sẻ.

Theo thống kê, sau 7 tháng triển khai, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 750 dịch vụ công trực tuyến (359 dành cho người dân, 414 dành cho doanh nghiệp). Đến nay cổng có hơn 189.000 tài khoản đăng ký, gần 50 triệu lượt truy cập, hơn 11 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái và 176.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến từ xa.

Dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng tích hợp, cung cấp với 6 bộ, ngành và 33/63 tỉnh, thành phố và đã có hơn 3.500 lượt giao dịch thành công.

Tại hội thảo, một số bộ, ngành liên quan đã thông tin những dịch vụ công thiết yếu, gần gũi với người dân mới được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia như dịch vụ công trực tuyến về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho hộ gia đình; thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe do ngành giao thông vận tải thực hiện, tra cứu nộp phạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ...

Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương vào cuối tháng 11

Cổng Dịch vụ công Quốc gia là địa chỉ cung cấp các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đầy đủ, tin cậy, chính xác, tạo môi trường công khai, minh bạch.

Điền Quang

Bạn có thể quan tâm