Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Không chỉ đầu tư hạ tầng khang trang, nhiều tỉnh thành đã nỗ lực số hóa các thủ tục hành chính trên hệ thống website, liên kết với đơn vị bưu chính viễn thông để tối giản các bước làm thủ tục, minh bạch mọi thông tin và phục vụ người dân tốt hơn. Trong đó, việc đưa dịch vụ công lên ứng dụng di động là một bước tiến vượt bậc.
Hành chính không còn là nỗi ám ảnh
Chỉ cách đây vài ba năm, khi Internet và điện thoại di động hầu như đã phổ biến rộng khắp cả nước, người dân vẫn còn đến ủy ban làm thủ tục hành chính, chạy đôn chạy đáo vì thiếu giấy tờ photo, ảnh, hay điền thông tin trên giấy thì dăm ba lần mới đúng. Chưa kể đường xá xa xôi, có khi họ bỏ dở cả một hai ngày công để đi làm giấy tờ.
Nói đến liên hệ với chính quyền, đã qua rồi cái thời “ò í e” mỗi lần gọi lên tổng đài, người dân giờ đây chỉ cần gửi tin nhắn trên ứng dụng Zalo mọi thắc mắc là sẽ được giải đáp.
Tương tác với chính quyền ngay trên cổng hành chính công tỉnh qua Zalo |
Người dân cũng không còn mù mờ thông tin, bởi nhà nước đã chủ động cập nhật các thông tin hành chính cho người dân thông qua Cổng thông tin hành chính công tỉnh trên ứng dụng di động.
Không những thế, mọi thông báo về tình trạng hồ sơ của người dân đều được nhà nước nhắn tin thông báo, không cần chạy đến theo ngày hẹn, chờ đợi đến lượt, rồi lại chạy về bổ sung giấy tờ như trước.
10 phút thay vì một hai ngày
Với mô hình hành chính 1 cửa, các đơn vị sở ngành của tỉnh đều quy về một đầu mối là Trung tâm hành chính công. Điều này giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận với dịch vụ hành chính công tại một địa điểm duy nhất, không phải chạy đến nhiều sở ngành, như vậy sẽ tiết kiệm khá nhiều thời gian.
Gần đây, tỉnh Tây Ninh đã triển khai mô hình hành chính công trực tuyến trên Zalo, cho phép người dân làm một số thủ tục hành chính tại nhà bằng cách chụp hình hồ sơ và gửi qua Cổng hành chính công của tỉnh.
Như vậy, người dân chỉ cần đến Trung tâm hành chính một lần khi hồ sơ đã giải quyết xong xuôi, mang theo giấy tờ gốc để đối chứng và nhận kết quả về. 10 phút nộp hồ sơ qua Zalo so với một hai ngày như trước là một bước tiến đột phá trong cải cách hành chính. Trong tương lai, mô hình này sẽ sớm được nhân rộng cho các tỉnh thành khác trên cả nước.
Tiết kiệm chi phí
Chị Hoàng Minh Ánh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đang mở cơ sở kinh doanh thứ 2. Khác với lần đầu, chị vừa ở nhà chuẩn bị các phần cứng cho xưởng mới, vừa hoàn thiện các thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
“So với cách đây 5 năm, khi đăng ký mở xưởng cơ khí, tôi đã chạy vạy mất gần nửa tháng để xong thủ tục hành chính, thì nay, việc đăng ký đã thuận tiện hơn nhiều", chị Ánh chia sẻ.
Chị Ánh chỉ cần gửi ảnh chụp các giấy tờ như chứng minh thư nhân dân, giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cùng địa chỉ cư trú… sau đó nhấn vào “gửi hồ sơ” để hoàn tất thủ tục. Khi thủ tục đã được giải quyết, sẽ có tin nhắn báo để mang giấy tờ gốc đến đối chiếu và lấy kết quả hồ sơ.
Không riêng chị Ánh, hơn một triệu dân tỉnh Tây Ninh đang và sẽ được hưởng những tiện ích như thế từ mô hình này.
Minh bạch, không còn “hành là chính”
Thử tìm kiếm “Cổng thông tin tỉnh An Giang” trên Zalo, nhấn vào “Quan tâm”, người dùng sẽ thấy giao diện khá rõ ràng và đơn giản. Trong mục thông tin, các con số như Hồ sơ giải quyết trước hạn, đúng hạn trong năm đều được công khai.
Tra cứu tình trạng hồ sơ hành chính ngay trên điện thoại. |
Hay trong mục Tra cứu hồ sơ trên “Cổng hành chính công tỉnh Đồng Nai”, người dân gõ mã biên nhận, hoặc quét mã QR của hồ sơ, sẽ thấy tình trạng hồ sơ đã được xử lý hay chưa, tiến độ thế nào, đang nằm ở bộ phận nào.
Như vậy, chỉ vài thao tác đơn giản, người dân sẽ nắm các thông tin về thủ tục hành chính của mình mà không cần liên hệ rườm rà hay tốn công chờ đợi như trước.
Được phục vụ và giám sát chất lượng
Người dân đánh giá cán bộ công chức qua ứng dụng trực tuyến đang được hơn 30 tỉnh thành áp dụng. Nhờ đó, người dân chuyển sang vị thế “được phục vụ”, được giám sát và đánh giá chất lượng dịch vụ cũng như thái độ của cán bộ nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Nai cho biết “sau mỗi lần thực hiện dịch vụ, đều có phần đánh giá của người dùng về mức độ hài lòng, từ đó, chúng tôi có thể biết được năng lực và thái độ của các công chức ở từng bộ phận. Khi giải quyết công việc trên phần mềm, ở tất cả các khâu đều có lưu lại truy vết, thông qua đó, các cấp quản lý có thể biết được nhân viên có hoàn thành công việc đúng thời hạn hay không”.