Nhiều người M’Nông đã sống cả đời trên núi, về già họ vẫn chưa có một tờ khai sinh, đăng ký kết hôn.
Ol Bu Tung (thuộc xã Quảng Tín, tỉnh Đắk Nông) là địa bàn cư ngụ của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông. Ol Bu Tung nằm vắt mình qua những đồi núi, rừng cà phê bạt ngàn, và mái nhà sàn đã bạc phếch màu… Những người M’Nông nơi đây hơn nửa thế kỷ nay, vẫn đi đào hố cà phê bằng chân trần vào mỗi sáng sớm. Mùa mưa, đất đỏ bết theo chân người, đồng bào hạn chế ra khỏi bon. Với họ, thị xã, nhà cao tầng, siêu thị, trung tâm thương mại và cả giấy khai sinh… là điều gì đó xa xôi.
Năm 2004, Đắk Nông tách khỏi tỉnh Đắk Lắk, trở thành tỉnh mới. Đến nay, đã 15 năm hình thành và phát triển, Đắk Nông dần có thay đổi tích cực. Người đồng bào M’Nông “vùng sâu vùng xa” của tỉnh đã biết tự vươn lên làm giàu bằng việc trồng cây cà phê, sầu riêng, bơ… trên đất đỏ.
Cũng năm đó, Thị xã Gia Nghĩa được hình thành, là trung tâm hành chính của tỉnh. Đăk Nông nhanh chóng được truyền thông nhắc đến về nông nghiệp và du lịch. Lớp đất bazan màu mỡ đã nuôi nấng rừng cây nông sản mỗi năm vươn thẳng tắp khắp trên triền đồi. Dân du lịch cũng được dịp đổ về chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ núi rừng Tây Nguyên.
Cách Gia Nghĩa 30 km, xuôi theo QL14 uốn lượn qua chục con đèo, khúc cua hình xoắn ốc. Hết lộ, tiếp tục đổ xuống con đường xi-măng lấp loáng, bon Ol Bu Tung hiện ra với diện mạo hoàn toàn khác như thế!
Những ngày gần đây, người dân trong bon tập trung ken đặc tại Ủy ban nhân dân xã Quảng Tín. Đều đặn mỗi sáng, họ - những người mẹ địu con trên lưng, những người bạc hết cả đầu… vẫn chen chúc trong dãy nhà Ủy ban, cầm trên tay nhiều xấp giấy dày cộm vì điền sai.
Giữa trưa, trên dưới 10 cán bộ xã vẫn làm việc cật lực để giúp đỡ bà con. Ngoài công việc hành chính như ở miền xuôi, cán bộ còn phải học chút ít tiếng M’Nông để giao tiếp, phiên dịch và viết hộ giấy tờ.
Dẫu khó khăn, nhưng đây là thủ tục bắt buộc. Sắp tới đây, bỏ giấy chứng minh nhân dân, bỏ sổ hộ khẩu, bà con phải làm thẻ căn cước công dân. Không giấy khai sinh đầy đủ ngày tháng, không làm thẻ căn cước công dân, cán bộ sẽ khó kê khai rằng họ đã từng tồn tại trên mảnh đất này.
Anh Hoàng, cán bộ hành chính xã Quảng Tín, cho biết: “Những người M’Nông chưa hiểu biết sự quan trọng của giấy tờ tùy thân. Có người đã quá 80 tuổi nhưng vẫn chưa có một giấy tờ nào. Mãi cho đến khi các cấp chính quyền xuống tận nhà động viên, kêu gọi họ mới chịu đi làm. Vì đại đa số đồng bào dân tộc không rành tiếng Kinh, nên thủ tục vốn phức tạp, nay càng phức tạp hơn.”
Đ’Roi, là một nông dân có tiếng của Ol Bu Tung. 50 tuổi, anh có 35 năm kinh nghiệm đào hàng chục nghìn hố cà phê. Vậy mà, như bao người M’ Nông khác, anh không có giấy khai sinh. 7h sáng, anh có mặt ở ủy ban xã, đi ra đi vào, trên tay cầm tờ khai mà chính anh cũng không biết nó viết gì. Đ’Roi mù chữ.
Mỗi ngày, Đ’Roi làm việc với giá 1.500 đồng/hố. Anh đã có cả cuộc đời băng đồi, vượt suối, một mình vào rừng sâu để đào hố trồng cà phê, nuôi 7 người trong gia đình.
Người M’Nông lớn lên như cây như cỏ. Bắp chân không to thịt và trắng nõn, chúng gân guốc, hằn in màu đất đỏ bazan lâu ngày đến nỗi kỳ cọ cách mấy cũng không ra. Đất đỏ hằn theo họ cả đời.
Đ’Roi luôn thức dậy sớm nhất nhà, anh cuốc bộ hơn tiếng đồng hồ vào rừng sâu khi mặt trời chưa lú khỏi đỉnh Ol Bu Tung và bản làng còn ngủ im lìm giữa màn sương mù mờ ảo. Anh đi đào hố cà phê cả ngày, và chỉ khi bóng tối chập choạng tràn xuống, mới chịu ngừng tay, băng đèo trở về nhà.
“Ngày bắt vợ về, ba mẹ ưng thì anh dắt về ở với nhau thôi! Cả hai đã có 5 mụn con trai, gái nhưng có biết gì về giấy đăng ký kết hôn đâu. Chịu! Ông bà mình trước đây không có mấy cái này thì mình cũng không biết”, anh kể.
Người đàn ông 50 tuổi như Đ’Roi, đếm không xuể rằng đã đào cả chục nghìn hố cà phê ở đâu, đi qua bao nhiêu bản làng… và là một phần không thể thiếu của Ol Bu Tung. Thế mà, ngần ấy năm, anh vẫn chưa từng xuống ủy ban nhân dân xã để làm giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn hay thậm chí là giấy tờ nhà đất. Tới chiếc chứng minh nhân dân, từng bị anh vứt đâu đó nơi xó nhà, cũng là sản phẩm mà cán bộ xã Quảng Tín tự điền, tự in, tự phát cho anh.
Hôm đầu tiên, Đ’Roi để vợ đi một mình. Chị Hen 6h sáng thức dậy, cuốc bộ hơn 3km xuống xã cùng chiếc bụng đói. Lần đầu người phụ nữ gặp chính quyền, không biết viết và nói sỏi tiếng Kinh, chị ngậm ngùi trở về.
Hôm sau, cả hai vợ chồng Đ’Roi đèo nhau đi. 7h sáng, đã có nhiều người M’Nông như Đ’Roi địu con xuống sớm, nách theo đống giấy tờ không rõ mặt chữ.
Hai ngày liền đèo nhau xuống ủy ban, vợ chồng Đ’Roi vẫn phải chạy đôn chạy đáo vì bữa thiếu tấm hình, bữa điền sai thông tin, không có giấy photo. Loanh quanh, lẩn quẩn mãi đến 11h trưa của ngày thứ ba, họ mới thở phào nhẹ nhõm khi nhận được cái gật đầu của nhân viên ủy ban, đặt xấp giấy tờ dày cộm vào ngăn tủ và cho ra về. Hai vợ chồng trở về, mặt trời đã quá đỉnh đầu, tụi con đói nheo nhóc. Anh Đ’Roi lại bỏ dở bữa trưa đi chăn phụ con bò, kiếm thêm ít gạo.
Tấm hình thẻ bé xíu, mớ giấy pho-to trắng đen anh chưa từng đọc qua… tất cả hết thảy 300.000 đồng. Số tiền ấy bằng tổng cộng 6 ngày công đào hố cà phê, mượn từ bà con làng xóm chung quanh và không biết bao giờ mới trả xong. Vợ anh vẫn phải xin dân làng ít gạo thổi cơm trước rồi tính.
Bao nhiêu năm không có giấy khai sinh, Đ’Roi và gia đình vẫn sống ung dung giữa núi rừng Ol Bu Tung! Vì cớ gì hôm nay lại phải chịu đói, chịu khổ, dắt díu nhau đi làm giấy tờ để làm gì?
Anh Điểu Đ’Roi kể về những giấc mơ như một điều xa xôi. Giấc mơ cuối năm có thể sửa sang căn nhà. Nó đã xập xệ từ lúc mới dựng, tấm bạt rách, tôn loang lỗ, và vách nứa không đủ che chắn gió lùa vào mỗi đêm…đã là nơi ăn-ở-ngủ-nghỉ của 7 người hơn một năm qua.
Để thực hiện những giấc mơ đó, anh phải làm giấy khai sinh, phải có thẻ căn cước công dân.
Thực tế, Ol Bu Tung chỉ là 1 trong 4 bon và Điểu Đ’Roi chỉ là 1 trong 2004 nhân khẩu dân tộc M’ Nông đang cư trú tại xã Quảng Tín, tỉnh Đắk Nông phải thực hiện điều này. Chính quyền Ủy ban xã Quảng Tín không chỉ bận rộn một ngày 5/9, hơn nửa tháng nay, hôm nào ít lắm cũng trên 100 người lui tới làm giấy tờ.
Từ năm 1995, Cải cách thủ tục hành chính trở thành nội dung quan trọng được lôi ra bàn luận nhiều lần trong các cuộc hội họp. Nó cũng là trăn trở của biết bao thế hệ cán bộ hành chính trẻ, với mong muốn những thủ tục này không còn bị gắn nhãn “hành là chính”.
Hơn 20 năm khởi động, Nhà nước đã làm rất nhiều, thay đổi cũng nhiều, nhưng ở nơi xa xôi như xã Quảng Tín, điều đó vẫn chưa đủ.
Anh Ngân Thanh Hải, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp của Trung tâm hành chính công tỉnh Đắk Nông, từ 3 tháng trước đã bắt đầu bận rộn với dự án mới. Một dự án đã nhen nhóm trong anh từ thuở còn là chàng sinh viên Học viện hành chính TP.HCM.
Anh Hải thẳng thắn chia sẻ: nhận thấy tỉnh Đồng Nai đã phát triển thành công hệ thống “chính quyền thông minh 4.0”, còn mang lại phản hồi tích cực từ người dân. Anh đã không ngần ngại khi chủ động “gõ cửa” Zalo. Anh chỉ muốn “ngay lập tức” đưa cái hệ thống ấy về với Đắk Nông – một vùng đất đỏ bazan, đồi núi quanh co, và việc di chuyển đi đây đó là cả vấn đề.
Ba tháng được anh Hải đưa về với Đắk Nông, hiện tại mô này đang hoạt động ở dạng cung cấp thông tin về thời gian hoạt động của trung tâm, tình trạng hồ sơ và cung cấp nhu cầu chuyển phát kết quả về tận nhà.
Trong thời gian đó, tại các tỉnh khác, mô hình này đã bước vào giai đoạn mới hơn, khi các thủ tục hành chính như: đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch… đều thực hiện trực tiếp trên Zalo. Cách thức đơn giản, chỉ cần điền thông tin vào tờ khai điện tử và đính kèm hình ảnh giấy tờ cần thiết qua ứng dụng này, là thủ tục đã hoàn tất. Anh Hải kỳ vọng nếu điều này được triển khai tại Đắk Nông, người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những dải núi cao như Đ’Roi sẽ không còn quá khó khăn khi làm thủ tục, mất những ngày công, và có thể đói.
Lựa chọn đặt niềm tin vào Zalo, với anh Hải hi vọng đó sẽ là một bước đi hiệu quả. Hy vọng những đồng bào như Đ’Roi sau khi tiếp cận với công nghệ, sẽ không mất 6 ngày công đào cà phê… Hệ thống làm việc trực tuyến của mô hình này đã sẵn sàng gắn kết những vùng đất đỏ bazan lại với nhau. Người dân còn hoàn toàn có thể nhận thông báo hồ sơ online và thậm chí là nộp hồ sơ online.
Hơn thế nữa, người đồng bào đa số mù chữ, không thể tự viết những lá thư phản hồi gửi qua những thùng thư góp ý… nhưng bằng tiếng Kinh bồi, họ sẽ an tâm gửi tin nhắn thoại. Các cán bộ hành chính luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc trong thời gian ngắn nhất. Và người ta lại thấy Đ’Roi lại vui vẻ lên rừng đào hố cà phê, trong khi thằng con trai tung tăng xuống xuôi tìm chữ.
Tại miền xuôi, chúng ta tận dụng công nghệ để cuộc sống ngày càng tiện lợi hơn, nhưng đối tại những vùng cao – nơi cư ngụ của hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các thủ tục hành chính sẽ mang lại những ý nghĩa to lớn hơn nhiều.
Thị Liu (18 tuổi), con gái lớn của anh Điểu Đ’Roi, là một cô bé đặc biệt. Liu quen chồng qua những cuộc trò chuyện trên một ứng dụng công nghệ trong chiếc điện thoại mà Liu mượn được của các chị ở bản dưới.
Liu lấy chồng năm 16, có mụn con so năm 17 tuổi. Giống như cha mẹ Liu, giống như anh trai và chị dâu của Liu, Liu và chồng Liu vẫn chưa đăng ký kết hôn, dù Liu nay đã đủ 18. Con Liu chưa có tên, con bé cũng chẳng có giấy khai sinh. Và cuộc hôn nhân của Liu, vẫn chưa được pháp luật công nhận.
Liu lấy chồng nhờ ứng dụng liên lạc. Vậy thì, Liu cũng có thể đăng ký kết hôn nhờ ứng dụng ấy, và con Liu, sau này đứa bé sẽ không phải ngày nắng theo mẹ xuống xuôi làm giấy khai sinh. Đứa trẻ ấy sẽ có đủ giấy tờ chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Cũng bằng chính ứng dụng đó.
Tính đến tháng 9/2018, cả nước đã có 34 tỉnh triển khai mô hình chính quyền thông minh này. Trong tương lai không xa, khi mô hình này được hoàn thiện, những người trẻ như Liu ở Đắk Nông hay ở bất cứ miền nào dù là Bắc, Trung, Nam, miền xuôi hay miền ngược, nông thôn hay thành thị… cũng đỡ nhọc nhằn hơn so với cha mẹ mình để có một tấm giấy tờ tùy thân.
Và đó cũng là mục tiêu lớn trong chiến lược cải cách hành chính của đội ngũ cán bộ trẻ ở Đắk Nông và Zalo mang lại. Con đường đó, hẳn cũng ngoằn nghèo, quanh co như con đường đèo mà Liu, D’Roi, và biết bao đồng bào trên đỉnh Ol Bu Tung vẫn ngày ngày lên rẫy, xuống xuôi mỗi sớm.