Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công chức nộp thuế vài triệu sao vẫn mua được nhà, xe?

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét thành lập cơ quan kiểm soát tài sản độc lập để việc kê khai, xác minh tài sản phục vụ chống tham nhũng được công khai, minh bạch.

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản kê khai không trung thực và mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước là các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Điều 59 dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch. Cả 2 phương án này đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan chức năng chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.

Chính phủ lựa chọn phương án áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại.

Băn khoăn việc áp thuế 45% tài sản giải trình không hợp lý

Nhiều đại biểu đánh giá cách xử lý này cơ bản phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể hiện nay, thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước với tài sản không rõ ràng khi người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan chức năng không có căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.

Thao luan ve luat phong chong tham nhung anh 1
Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, việc không quy định rõ thế nào là “giải trình không hợp lý” có thể khiến kết quả đánh giá phụ thuộc vào cảm tính của cơ quan kiểm soát . Ảnh: Quân Minh.

Tuy nhiên, theo đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), quá trình xây dựng luật cần cân nhắc yếu tố tâm lý, tập quán văn hóa vì nhiều người không muốn công khai các tài sản thừa kế, cho tặng. Việc không quy định rõ thế nào là “giải trình không hợp lý” có thể khiến kết quả đánh giá phụ thuộc vào cảm tính của cơ quan kiểm soát, từ đó dẫn đến tranh luận, khiếu nại do bất đồng quan điểm.

Cùng quan điểm, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng không thể suy luận tài sản không kê khai đầy đủ là thu nhập bất hợp pháp vì ngoài lương, cá bộ công chức có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác nhưng không kê khai vì lý do nào đó.

Tranh luận lại quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lại cho rằng các khoản thu nhập ngoài lương hiện nay như thừa kế, cho tặng, trúng số xố đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Để minh bạch tài sản cán bộ công chức, ông Hiếu kiến nghị bổ sung kế thêm điều khoản buộc phải kê khai thuế hàng năm để so sánh với tài sản đã kê.

"Không thể có chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ một vài triệu mà lại mua được nhà, được xe", ông Hiếu nhấn mạnh.

Thao luan ve luat phong chong tham nhung anh 2
"Không thể có chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân một năm chỉ một vài triệu mà lại mua được nhà, được xe", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói. Ảnh: Quân Minh.

Đại Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì nhìn nhận phương án áp thuế 45% đối với tài sản không kê khai trung thực, không giải trình hợp lý là chưa đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Phương, luật hình sự quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu sẽ bị xử lý hình sự. Trong các hình thức xử lý hành vi này chỉ có xử lý hình sự, cảnh cáo, buộc thôi việc, không có hình thức nộp thuế 45%.

Ông đề nghị quy định chỉ xử lý tài sản khi luật này có thời hiệu, không thể hồi tố tài sản hình thành trước khi có luật.

Kiểm soát tài sản độc lập để tránh hình thức

Dành thời gian nói về thẩm quyền kiểm soát tài sản, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng phương án mà dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng nêu ra đều có những hạn chế.

Theo bà Xuân, sẽ phải chỉnh sửa một số luật liên quan nếu chọn phương án tích hợp thẩm quyền tập trung cơ quan thanh tra theo hướng: Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên. Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan Trung ương kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trở xuống.

Để giải quyết mối quan hệ với các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… cần cho phép lực lượng thanh tra Trung ương và địa phương kiểm soát tài sản cơ quan tư pháp, cơ quan dân cử.

Thao luan ve luat phong chong tham nhung anh 3
Theo đại biểu Nguyễn Văn Pha, Quốc hội nên thành lập cơ quan kiểm soát tài sản chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quân Minh.

Phương án 2 phân quyền cho nhiều cơ quan, tổ chức như hiện nay phù hợp với cơ cấu bộ máy chính trị nhưng tính độc lập yếu, chịu sự chi phối của quan hệ hành chính nên việc kiểm soát tài sản dễ mang hình thức, không như kỳ vọng. Việc phải theo dõi biến động tài sản, thu thập của người có nghĩa vụ kê khai sẽ gây tốn kém, khó khả thi nếu nhiệm vụ này phân quyền cho các tổ chức chính trị.

“Phương án khác là có thể xem xét là thành lập cơ quan độc lập chuyên trách. Điều này đảm bảo tính độc lập cần thiết, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan tổ chức, người có trách nhiệm từ đó hứa hẹn sự khách quan, minh bạch”, bà Xuân nói.

Theo bà, trong bối cảnh tham nhũng được đánh giá là phức tạp, nghiêm trọng. Đảng và Nhà nước đang quyết tâm cao để tìm các giải pháp đột phá, vững chắc thì về lâu dài, phương án 3 cần xem xét, đánh giá tác động một cách đầy đủ.

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng nên thành lập lực lượng kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập lực lượng chuyên trách không làm tăng biên chế bởi Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao và Bộ Công an đều có lực lượng này. Chỉ cần lấy người từ 3 cơ quan có chức năng chống tham nhũng hiện nay để kế thừa kinh nghiệm và không làm tăng biên chế.

Nêu ví dụ Bungari và Rumani thành lập 2 cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ công chức và chống tham nhũng hoạt động rất hiệu quả, ông Pha cho rằng Quốc hội nên thành lập cơ quan kiểm soát tài sản chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hí họa: Khi người Việt chai lỳ với tham nhũng

Người Việt có xu hướng ngày càng dễ thỏa hiệp với tham nhũng. Họ sẵn lòng bỏ tiền "bôi trơn" để đổi lấy sự nhanh chóng, đơn giản trong các quan hệ với nhân viên công vụ.

Kê khai tài sản quan chức: Không thể cứ mãi hình thức

Các chuyên gia quốc tế nhìn nhận công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam khó có thể đi xa nếu những lỗ hổng về kiểm soát tài sản quan chức, cán bộ không được khắc phục triệt để.

Vì sao người Việt phải 'bạo tay' chi tiền hối lộ?

Để đạt mục đích, người Việt có thể bỏ ra tới nửa năm thu nhập để hối lộ, "bôi trơn". Mức độ chịu đựng và thỏa hiệp với tham nhũng của người dân tăng chóng mặt những năm qua.




Bá Chiêm - Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm