Tốt nghiệp loại giỏi, Minh Hương (25 tuổi) vẫn phải chi tiền “lót tay” khi xin việc vào một trường đại học ở Hà Nội. Nữ giảng viên trẻ chia sẻ: “Đó là quy luật của xã hội rồi. Bỏ ra chút tiền cho được việc. Hơn nữa, đối thủ đi ‘cửa sau’, chả lẽ mình lại dửng dưng”.
Hương thẳng thừng nói rằng sẽ không tố giác hành vi nhận hối lộ. "Bây giờ cả xã hội như vậy rồi, mình tố giác xong bị cô lập thì chết à", cô gái 9X chia sẻ.
Hương là một trong số 30 người mà Zing.vn đã tiến hành một cuộc khảo sát bỏ túi. Dù làm nhiều ngành nghề khác nhau, từ nhân viên văn phòng cho tới giảng viên, từ người làm nghiên cứu cho tới nhân viên kinh doanh, đa số thừa nhận mình đã từng mất chi phí “bôi trơn”, hối lộ.
Tránh “thủ tục lằng nhằng”, để “không bị gây khó dễ” hay nhằm “giải quyết nhanh công việc” - đó là những lý do phổ biến họ đưa ra để giải thích cho hành vi của mình.
Ở quy mô lớn, Khảo sát Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI)* cho thấy trong 7 năm qua, người Việt đang ngày càng dễ dàng chi một khoản tiền lớn để "bôi trơn" khi sử dụng các dịch vụ thiết yếu. Ở giai đoạn 2011-2012, số tiền trung bình khiến người dân có thể trình báo chuyện hối lộ với công an là khoảng 5 triệu đồng.
Chỉ sau vài năm, con số này tăng gấp 5 lần: 27,5 triệu đồng.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng ở Việt Nam năm 2017 ở mức 5,3 triệu đồng. Điều đó nghĩa là người dân sẵn sàng bỏ ra tới nửa năm thu nhập để hối lộ, nhằm đạt được mục đích. Mức độ chịu đựng và thỏa hiệp với tham nhũng của người dân đang bỏ xa mức thu nhập.
Ở góc độ bên nhận, con số này cũng bỏ xa mức cấu thành tội hối lộ (2 triệu đồng). Theo điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ từ 2 đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Trao đổi về vấn nạn này, một số chuyên gia đồng tình nhiều nguyên nhân được đưa ra để bao biện cho sự dễ dãi, một trong số đó là “lạm phát tăng cao”. Nói cách khác, khi vật giá leo thang, người dân có xu hướng chấp nhận chi thêm khi bị cán bộ, công chức vòi vĩnh.
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia chính sách công của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, chia sẻ với Zing.vn: “Người dân cho rằng bỏ tiền ra là có thể mua sự đơn giản, thỏa hiệp. Phải có người nhận, vòi vĩnh thì mới có người sẵn sàng mua”.
Nữ chuyên gia cũng cho rằng nhiều lỗ hổng còn tồn tại giữa chính sách và thực tiễn, bộ máy hành chính bộc lộ nhiều dấu hiệu quá tải, chậm đổi mới.
“Đáng lưu ý là mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân ở nhiều tỉnh nghèo như Lai Châu, Yên Bái không chênh lệch nhiều so với những nơi có kinh tế phát triển như Quảng Ninh, Phú Thọ, TP.HCM, Hà Nội. Phần lớn người dân bị vòi tiền khi làm thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai, sổ đỏ”, bà Huyền nói thêm.
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và kê khai tài sản của cán bộ. Bất cập lớn trong quy định kê khai tài sản hiện nay của Việt Nam là nặng về hình thức khi đối tượng kê khai quá nhiều.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc từng băn khoăn khi “cán bộ không phải nghèo, nhưng kê khai thì rất nghèo". Do vậy, mới có những trường hợp khi có quan chức giải trình tài sản "khủng" nhờ nuôi lợn gà, bán chổi đót.
Cũng theo kết quả PAPI 2017, tỷ lệ người dân bị vòi vĩnh tố giác hành vi này rất thấp, từ 9% năm 2011 xuống còn chỉ khoảng 3%. Những người không tố giác cho hay họ không biết phải tố cáo thế nào (13,5%), sợ bị trù úm, trả thù (11%) hoặc cho rằng có tố giác cũng không mang lại lợi ích gì (53%).
Bà Đỗ Thanh Huyền chia sẻ chúng ta không thể trách người dân thoả hiệp với cán bộ chính quyền khi bị vòi vĩnh hoặc chủ động đưa "lót tay" cho được việc hay không có động lực đấu tranh chống tham nhũng.
"Nếu bên cung ứng dịch vụ không gây phiền nhiễu, vòi vĩnh, thì người dân sẽ không phải đưa ‘lót tay’. Người dân im lặng vì quy trình tố giác hiện tại quá phức tạp và quan trọng hơn họ không thấy được ích lợi từ việc tố giác hành vi tham nhũng", bà nhận xét.
Theo nữ chuyên gia, xét về lợi ích kinh tế giữa việc chấp nhận chi tiền hối lộ và làm đơn tố giác thì rõ ràng cơ chế hiện tại đã không thúc đẩy người dân lên tiếng. Nói cách khác, Nhà nước chưa tạo được môi trường để người dân bày tỏ và được bảo vệ sau khi tố giác cán bộ nhũng nhiễu.
Theo kết quả PAPI 2017, cứ 2 người được hỏi thì có 1 người khẳng định người ở địa phương mình phải đưa "lót tay" để xin được việc trong cơ quan Nhà nước.
Cần Thơ là địa phương đứng đầu bảng về mức độ trong sạch khi tuyển dụng vào khu vực công. Trong khi đó, tại Hải Phòng, đa số người trả lời có niềm tin vững chắc vào “chủ nghĩa vị thân” trong nhiều năm.
Trong báo cáo hàng năm, các chuyên gia của PAPI dành nhiều dung lượng để phản ánh tình trạng đưa tiền "bôi trơn" khi xin vào các cơ quan Nhà nước. Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công vẫn là một vấn đề nhức nhối, bức xúc với người dân suốt nhiều năm.
Khảo sát PAPI đồng thời phản ánh một thực trạng rõ rệt: Tại những địa phương cuối bảng xếp hạng kiểm soát tham nhũng, người dân ở khu vực này lại càng đề cao tầm quan trọng của quan hệ cá nhân khi xin việc vào khu vực Nhà nước. Điển hình là Lai Châu, Yên Bái, Đắk Nông, Bình Dương, Lạng Sơn…
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), bình luận: “Quan hệ vị thân là vấn nạn nhức nhối, không có dấu hiệu được cải thiện. Cứ như vậy thì làm sao thu hút được người tài, xây dựng một bộ máy công quyền giỏi và chuyên nghiệp?"
Điểm chỉ số kiểm soát tham nhũng của 33 tỉnh, thành phố năm 2017 tăng gồm Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, An Giang, Bình Thuận… Bên cạnh đó, 6 tỉnh bị giảm điểm gồm Bắc Kạn, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Hà Giang, Hải Phòng, Hưng Yên, Đắk Nông.
Xét theo vùng miền, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ vượt trội điểm về chỉ số “Kiểm soát tham nhũng khu vực công”, so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Có thể kể tên những địa phương đạt điểm cao nhất Quảng Ngãi, Bình Định, Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đà Nẵng…
Tín hiệu đáng buồn là tại hầu hết thành phố trực thuộc Trung ương, nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh diễn ra phức tạp, theo đánh giá của người dân. Thủ đô Hà Nội luôn luôn là một trong nhiều địa phương có điểm thấp về kiểm soát tham nhũng, “ổn định” nằm ở tốp cuối. Hải Phòng đứng "chót bảng", kiểm soát tham nhũng kém nhất cả nước.
Đáng chú ý, nếu như năm 2011, TP.HCM ở vị trí 15, thuộc nhóm trung bình cao, thì giai đoạn về sau, địa phương này có xu hướng mất kiểm soát tham nhũng. Thậm chí, năm 2016, TP.HCM rớt bảng ở vị trí 60/63.
Điểm sáng trong nhóm 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ, một trong những địa phương kiểm soát tham nhũng tốt nhất cả nước, khi thường xuyên có chỉ số ở mức trung bình cao và cao nhất.
Bà Đỗ Thanh Huyền nhận định: "Ở những tỉnh thành phát triển, có vẻ người giàu dễ thỏa hiệp với tham nhũng hơn cả. Họ cho rằng tiền có thể giải quyết những cản trở trong thủ tục hành chính, sẵn sàng bỏ ra chút tiền cho 'cò mồi', thay vì phải đợi chờ mất cả buổi".
UNDP ước tính tại các quốc gia châu Á, số tiền tham nhũng chiếm 30-45% ngân sách Nhà nước hàng năm. Còn theo nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, các doanh nghiệp và cá nhân mỗi năm phải chi trả 1.500 tỷ USD cho hối lộ, chiếm 2% GDP toàn cầu.
Bà Catherine Phuong, Trưởng phòng quản trị công của UNDP Việt Nam, cho rằng để ngăn ngừa hối lộ, giải pháp cải cách tiền lương cho cán bộ công chức rất đáng được lưu tâm. Đồng thời, cũng cần có thêm nhiều cơ chế để tố cáo và điều tra các vụ tham nhũng.
Tại Hội nghị trung ương 7 vừa bế mạc, đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã được được thông qua. Đây được coi là một bước đi quan trọng để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Các chuyên gia đều có cùng chung nhận định: Kết quả cuối cùng của bất kỳ công cuộc chống tham nhũng nào cũng cần hướng tới những hành vi nhũng nhiễu ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân. Hiệu ứng xã hội của cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam sẽ càng lan tỏa hơn nếu như trong thời gian tới, tham nhũng hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp tiếp tục được đẩy lùi.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn nhìn nhận: "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi".
Bà Huyền thì phân tích nếu chỉ xử lý những "đại án" mà coi nhẹ xử lý "tham nhũng vặt" và "vị thân" thì tính bền vững của công cuộc "đốt lò" hiện nay chỉ như những ngọn lửa bùng lên một lần rồi nguội tắt. "Cần có những hành động xử lý và ngăn ngừa nhũng nhiễu ở mọi cấp, mọi ngành, để ‘tham nhũng’ không còn là một ‘tập quán’ của bộ máy công quyền", bà nói.
Cùng quan điểm, theo giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, người dân phải chịu đựng những tác động trực tiếp của tham nhũng vặt hàng ngày như chung chi cho quan chức hay cảnh sát giao thông. Ưu tiên hàng đầu người dân muốn thấy trong tương lai là những thói nhũng nhiễu này sẽ chấm dứt.
Ông Thayer nói: "Chống tham nhũng không chỉ là xử lý một nhóm các quan chức sai phạm. Nó còn là giải quyết các lỗ hổng trong hệ thống quản trị, pháp quyền và một nền văn hóa chung chi đã ăn sâu".
Theo giáo sư Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ), triệt tiêu mọi mâu thuẫn lợi ích là cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng. Ở Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào, không thể tin tưởng và trao cho một quan chức quyền hành giám sát người thân của mình. Đặt bất kỳ một quan chức nào vào vị trí như vậy chẳng khác gì tạo điều kiện cho họ dễ dàng tham nhũng, trục lợi.
"Kiểm soát mâu thuẫn lợi ích này đã khó, nhưng để chống lợi ích nhóm sẽ càng khó hơn. Vì dù gì cũng dễ dàng nhận ra người nhà của một quan chức hơn là những quan hệ lợi ích nhóm chằng chịt đứng đằng sau quan chức đó. Khó nhưng cũng phải làm”, ông Abuza đúc kết.