Hội nghị Trung ương 7 vừa bế mạc cuối tuần qua tại Hà Nội với nhiều nội dung đáng chú ý với 3 đề án cải cách được kỳ vọng mang lại đột phá là “công tác cán bộ”, “cải cách chính sách tiền lương” và “cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
Làm thế nào để Nghị quyết mới được Hội nghị Trung ương 7 thông qua đi vào cuộc sống là chủ đề trong cuộc tọa đàm Zing.vn tổ chức với sự tham gia của các khách mời:
- TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
- PSG.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện khoa học xã hội và lao động.
- Bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
'Mức độ nói thẳng, nói thật rất cao'
- Quan sát Hội nghị Trung ương 7 vừa qua, điều ấn tượng nhất với các ông bà là gì?
TS. Nguyễn Sỹ Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Lần đầu tiên thực trạng cán bộ của Việt Nam đã được nhận thức và phân tích rất rõ với những bất cập, từ nạn chạy chức, chạy quyền, việc bổ nhiệm con ông cháu cha, người thân người quen. Tôi ấn tượng với mức độ nói thẳng, nói thật rất cao.
Trung ương cũng đã cố gắng giải quyết các vấn đề đặt ra, thực chất là gắn với chống tham nhũng... Việc luân chuyển bí thư tỉnh là một giải pháp để giảm thiểu chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm người thân, người nhà, nhưng có thể phát sinh vấn đề khác mà phải nghiên cứu thấu đáo.
Bà Đỗ Thanh Huyền. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi nghĩ điểm đột phá ở Hội nghị lần này trước hết là về mặt ngôn ngữ. Những từ ngữ như “chủ nghĩa thân quen”, “mua quan bán chức”... nếu như trước đây được coi là nhạy cảm, thì với hội nghị Trung ương 7 được ghi nhận chính thống, xuất hiện trong Nghị quyết Trung ương.
Điều đó cho thấy nhận thức về tham nhũng quyền lực đã có những sự thay đổi lớn. Từ sự thay đổi nhận thức đó, hy vọng tham nhũng quyền lực sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Một điểm nữa là Trung ương 7 cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề về chính sách tiền lương hiện tại, những vấn đề nổi cộm về đội ngũ cán bộ công chức đang trông chờ những đột phá mới.
Thực ra yêu cầu trả đúng, trả đủ mức lương cho người lao động, công chức viên chức đã có từ Nghị quyết Trung ương 7 (tháng 8/1999). Đó là “khoản nợ" lâu dài, suốt 20 năm qua vẫn được nhắc lại nhiều lần.
PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương. Ảnh: Hoàng Hà. |
- PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi chia sẻ góc nhìn rằng đột phá đầu tiên của Hội nghị Trung ương 7 là sự thẳng thắn. Điều này thể hiện trong việc thông tin, việc bàn luận được nhiều hơn.
Thứ hai là cái nhìn rất trực diện vào các vấn đề đang tồn tại và có những giải pháp thể hiện quyết tâm cao. Chẳng hạn như tiền lương thì phải tính đúng, tính đủ, gắn tiền lương với việc làm, vị trí cụ thể. Lương khu vực DNNN trước đây do Nhà nước nắm thì nay được trả lại quyền vốn có cho khu vực doanh nghiệp.
Ở khu vực Nhà nước, mạnh dạn bỏ chế độ phụ cấp đã bị phình ra trong quá trình thực hiện. Thiết kế bảng lương ban đầu không có, nhưng đã được bị phình ra, và giờ quyết tâm cắt bỏ.
Cải cách bộ máy và áp lực thể chế
- Các chuyên gia quốc tế khi nói với Zing.vn cũng nhấn mạnh thông điệp chống tham nhũng tại Trung ương lần này, và các đề án cải cách tiền lương hay cán bộ công chức cũng nhằm mục tiêu đó. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, chúng ta phải bắt đầu từ đâu?
- TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Trung ương đã nêu một số giải pháp như đề ra tiêu chuẩn của cán bộ chiến lược, luân chuyển cán bộ cấp tỉnh... Đề ra các tiêu chuẩn cán bộ chính xác hay không là một chuyện, đo đếm, đánh giá các tiêu chuẩn đó còn khó hơn.
Trên thế giới, nguồn nhân lực công chia làm 2 loại: chính khách - người có quyền ban hành chính sách, quyết định, và nhóm các cán bộ công chức thực thi chính sách.
Tiêu chuẩn của nhóm chính khách phải là những người phải nhìn thấy chân trời, thách thức phía trước với dân tộc, biết xác lập ưu tiên và dẫn dắt dân tộc đạt mục tiêu. Chính khách phải chịu trách nhiệm trước dân, trước thiết chế mà họ đại diện...
Các khách mời tại cuộc tọa đàm Zing.vn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để có lãnh đạo trẻ ở tầm chính khách, đầu tiên phải đưa họ vào phong trào thanh niên, phong trào lãnh đạo trẻ, thúc đẩy sự dấn thân, cống hiến.
- Vừa qua đã có thí điểm thi tuyển cán bộ ở một số bộ, ngành, ông đánh giá gì?
- TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Theo tôi, lãnh đạo chính trị không thể lựa chọn bằng thi tuyển, mà chỉ áp dụng cho lãnh đạo chuyên môn. Việc thi tuyển áp dụng với đội ngũ phía dưới, những người làm chuyên môn, thực thi công vụ.
Yêu cầu với nhóm này trước hết là anh phải học hành cơ bản về chuyên môn sâu. Thi tuyển và cất nhắc dựa trên việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đánh giá, lấy phiếu trách nhiệm là đánh giá năng lực, không biến nó thành trách nhiệm hành chính như cách làm hiện nay.
Nếu có sự tách bạch giữa 2 nhóm nguồn nhân lực như vậy, thì các điều kiện tiêu chuẩn, cũng như quản lý sẽ rất dễ.
- Bà Đỗ Thanh Huyền: Thế giới cũng đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng các chỉ số về hiệu quả hoạt động công vụ (KPI) của bộ máy công vụ. Các nước duy trì 2 nhóm nguồn nhân lực trong khu vực công, trong đó bộ máy hành chính - công vụ được phi chính trị hóa, coi trọng năng lực thực chất của nhân sự trong tuyển dụng, đề bạt.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trả món nợ 20 năm về tiền lương
- Trở lại câu chuyện tiền lương, như TS. Huyền nêu, việc trả lương đúng, đủ cho công chức, viên chức là món nợ 20 năm chưa trả được. Vì sao như vậy?
- Bà Đỗ Thanh Huyền: Yêu cầu đột phá trong 20 năm đó chưa được thực hiện. Tuy nhiên, việc triển khai không dễ khi ngân sách hạn hẹp. Hơn nữa, theo Thanh tra Chính phủ, chúng ta thất thoát hàng tỷ USD/năm vì tham nhũng và đầu tư sai mục đích.
Muốn đạt được đột phá thì rất khó nếu tham nhũng, nhũng nhiễu, thất thoát còn diễn ra. Điều này là vấn đề hệ thống, chứ không chỉ là trường hợp riêng lẻ. Quá trình tuyển dụng viên chức công chức nhờ thân quen, sử dụng chung chi để vào hệ thống vẫn rất phổ biến.
Nghiên cứu của PCI giai đoạn 2011-2017 trên 63 tỉnh thành cho thấy việc chi trả phong bì, vị thân để vào khu vực công, ngay cả ở khu vực thấp như cấp xã, đi học trường công... được coi là “gót chân Asin”. Sau đó người ta tìm cách lấy lại khoản đầu tư mà họ bỏ ra để vào khu vực công.
"Nhà nước cần xác định chịu trách nhiệm trả lương bộ phận nào, còn không trả lương bộ phận nào để mang đi khoán". Ảnh: Hoàng Hà. |
- TS. Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi nghĩ khó nhất để thực hiện cải cách tiền lương là nguồn tiền lương từ đâu ra. Cần phải xác định lại phạm vi công chức. Những cán bộ làm việc trong Nhà nước không nhất thiết gọi là công chức, tiền lương trả cho nhóm cán bộ này bắt buộc phải trả theo cơ chế thị trường.
Nhóm thứ hai, gọi là nguồn nhân lực chất lượng cao, hay nguồn nhân lực chiến lược, thì nhóm này phải có chế độ tiền lương riêng. Để xác định, không chỉ xác định nguồn tiền lương có hay không có mà cần phải xác định trên yêu cầu của cán bộ. Các nước đều coi đó là đội ngũ tinh hoa, trình độ cao, được trả lương xứng đáng. Như tại Hàn Quốc, nhiệm vụ của nhóm công chức này không phải thừa hành mà có tránh nhiệm “gánh đất nước từ điểm A đến điểm B”. Một khi xác định lại phạm vi công chức, gánh nặng tiền lương giảm đi rất nhiều.
Giải pháp khác tạo nguồn cải cách tiền lương là cần tiếp tục phân cấp, phân quyền trong cải cách tiền lương. Theo đó, tiền lương không phải là chỉ tiêu của kinh tế vĩ mô, không thể đưa về hệ thống tiền lương áp dụng cho mọi bộ, mọi ngành, mọi địa phương.
Như vậy chúng ta bỏ các yếu tố rất quan trọng là tiền lương gắn với hiệu quả, trách nhiệm, gắn với vị trí việc làm…
Nhà nước cần xác định chịu trách nhiệm trả lương bộ phận nào, còn không trả lương bộ phận nào để mang đi khoán. Có thể khoán khu vực dịch vụ công, rồi Nhà nước mua lại theo đúng giá thị trường. Đối tượng nào yếu thế cần hỗ trợ thì Nhà nước sẽ hỗ trợ thẳng vào giá trị dịch vụ công. Khi đó, tiền lương của nhóm viên chức này nằm trong giá thành sản phẩm, và người dân hưởng thụ dịch vụ chính là người trả lương cho họ.
TS Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi muốn tranh luận lại với chị Hương. Đúng là mặt kỹ thuật tiền lương có thể khoán và đó là góc nhìn đúng về mặt kỹ trị, nhưng nhìn từ mặt thể chế lại có vấn đề. Ăn lương từ Nhà nước, các tổ chức đoàn thể làm sao đại diện cho nhóm của mình?
Muốn cải cách triệt để hơn, rõ ràng các tổ chức xã hội không nên tiếp tục ăn lương ngân sách, phải tách khỏi bầu sữa Nhà nước. Ngân sách có thể dành một khoản chi cho các chương trình nếu phù hợp trong chính sách của Nhà nước, chứ không chi lương, chế độ xe, nhà theo cấp bậc Nhà nước nữa.
Không làm như vậy, chính sách không phản ánh được ý nguyện của dân. Và phản ứng chính sách sai, chậm trễ.
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi cũng chia sẻ về nguyên tắc các tổ chức xã hội nghề nghiệp phải hoạt động bằng phí của hội viên. Hiện các tổ chức này phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước quá lớn.
Một điểm nữa là cơ cấu tiền lương phải gắn với sự tăng trưởng chung của đất nước. Tại Singapore, 20% cơ cấu tiền lương là phụ thuộc vào tăng trưởng GDP. Nếu tăng trưởng tốt, công chức sẽ được tăng lương và ngược lại. Nên chăng trong cơ cấu tiền lương của công chức Việt Nam cũng có tính đến yếu tố này?
Về việc thiếu hụt ngân sách, tôi xin chia sẻ chính kinh nghiệm của Liên Hợp Quốc, khi chúng tôi cũng vướng phải vấn đề thiếu hụt ngân sách để duy trì bộ máy toàn cầu và từng quốc gia.
Cách Liên Hợp Quốc làm là dựa vào nhu cầu công việc. Bản thân tôi là một công chức quốc tế, ký hợp đồng từng năm. Chúng tôi sẽ xem nhu cầu công việc đó năm tới có còn hay không, ngân sách cho mảng đó có không, rồi mới tính chuyện tiếp nối hợp đồng cho công chức chuyên môn như chúng tôi.
Còn nhóm đảm bảo duy trì, ổn định hệ thống là các viên chức, thì cũng không còn trọn đời mà theo từng thời điểm, thời gian, và nguồn ngân sách hiện có.
- Tăng lương để trả đúng, trả đủ cho cán bộ, công chức nhưng cũng có những lo ngại về khuyến khích ngược trong bối cảnh bộ máy được đánh giá là chỉ có 1/3 hoạt động hiệu quả. Ông/bà đánh giá thế nào về nguy cơ đó?
TS Nguyễn Thị Lan Hương: Tôi không đồng ý với luận điểm 1/3 công chức bị đánh giá là không hiệu quả, chỉ "sáng cắp ô đi, tối cắp về". Tại sao không sa thải họ?
Phải nhìn rõ họ hưởng mức lương quá thấp, tại sao họ ở trong hệ thống ấy? Trong hệ thống lương, ngoài tiền lương bằng tiền, bằng hiện vật, còn tiền lương cho các giá trị tinh thần, không lượng hóa hết. Khu vực tư lượng hóa tương đối đủ, trả lương cao còn khu vực công thì khác. Vì thế, phải tạo cơ chế xử lý được nhóm làm không hiệu quả này. Tuyển dụng rồi thì phải sử dụng và phải trả lương xứng đáng.
Ngay cả đội ngũ đó chưa hẳn đã kém, vì hầu hết được học hành tử tế. Đưa họ vào hệ thống rồi, đánh giá thường xuyên, công khai minh bạch là việc có thể làm được. Hãy học tư nhân làm việc đó.
Với Nhà nước, nếu các cơ quan không xác định được vị trí việc làm, thì chúng ta khó tuyển dụng được đúng người đúng việc, không đủ ngân sách để nuôi nguồn nhân lực. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Bà Đỗ Thanh Huyền: Khảo sát năm 2010 của chúng tôi cho thấy 76% muốn chuyển qua khu vực tư, khi mà môi trường làm việc trong khu vực công không hấp dẫn, không được trân trọng năng lực cá nhân và không có nhiều cơ hội thăng tiến nếu không quen biết ai đó, con ông cháu cha. Trong khi đó 36% nói rằng họ vào khu vực công để tìm kiếm cơ hội phía sau công việc của họ.
- Nhiều người nói rằng cải cách bộ máy phải đi trước một bước, và đi nhanh hơn thì mới tính tới chuyện tăng lương, mà trước hết là giảm 10% nhân sự bộ máy như mục tiêu đã được xác định?
TS. Nguyễn Thị Lan Hương: Quan điểm tiết kiệm biên chế trong dịch vụ công để tăng lương là không đúng. Chuyên gia quốc tế đã nói rất nhiều khu vực Nhà nước chịu trách nhiệm về dịch vụ công. Không thể cắt giảm nhân sự của khu vực dịch vụ công để lấy tiền đó tăng lương, trả cho công chức. Cách lấy kinh phí như vậy là không ổn.
Cần tính bài toán tạo nguồn lực trả lương công chức nằm trong ngưỡng Nhà nước có thể chịu đựng được, tính toán của chúng tôi là 10% GDP. Nhóm công chức cần được khu biệt, thu hẹp lại.
Với các nhóm còn lại hãy sử dụng nguyên lý thị trường, sử dụng hợp đồng, khoán để lo lương cho họ.
TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi cũng chia sẻ băn khoăn của chị Hương về cắt giảm dịch vụ công. Khi nói cắt giảm biên chế, rất nhiều tỉnh thực hiện cắt giảm dịch vụ công, vì dễ làm. Tỷ lệ 10% trung bình, thì thấy vừa rồi các tỉnh cắt giảm biên chế giáo viên, cán bộ y tế. Cắt giảm như vậy chính là cắt giảm dịch vụ cho dân. Làm như vậy là sai.
Cắt giảm phải là giảm bộ máy quản lý, điều hành, chứ cắt giảm biên chế cơ học ở phần dịch vụ công là ảnh hưởng đến dân. Nói đơn giản, 5 giường bệnh 1 điều dưỡng viên thì nay còn 10 giường bệnh 1 điều dưỡng viên. Cách làm đó không đúng với định hướng phát triển của xã hội Việt Nam.