Chiều 31/5, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề mở rộng đối tượng kê khai tài sản.
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Bộ trưởng GTVT khẳng định hiện có điều kiện về công nghệ thông tin, toàn bộ dữ liệu có thể lưu trữ dễ dàng, nên việc mở rộng đối tượng kê khai là hợp lý.
Mở rộng đối tượng sẽ giám sát được tài sản tăng bất thường
"Ta phải theo dõi cán bộ ngay từ khi cán bộ bước vào cơ quan Nhà nước, nếu có dữ liệu về việc này thì công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) những năm sau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ giám sát được những cán bộ có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận về tài sản bất minh", ông Thể phân tích.
Đại biểu này đề nghị ngoài cán bộ công chức, viên chức thì cán bộ thuộc doanh nghiệp Nhà nước, những cơ quan, tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước, hưởng lương Nhà nước và quản lý tài sản Nhà nước cũng phải kê khai để đảm bảo hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thể cho rằng việc kiểm tra bản kê khai tài sản hiện nay chưa chặt chẽ. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì xử lý theo pháp luật, còn khi chưa phát hiện hành vi vi phạm thì phải ứng xử với tài sản đó như tài sản của một công dân bình thường. Với những tài sản lớn bất thường thì tiếp tục kiểm tra làm rõ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng), Bộ trưởng GTVT phát biểu tại tổ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm ủng hộ mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản. Ông cho rằng mở rộng như dự thảo luật vẫn chưa đủ, cần phải mở rộng hơn nữa.
"Bởi vì, tham nhũng từ đâu, từ dự án đầu tư, qua các công trình đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm các thiết bị... Những việc đó có "sân sau - lợi ích nhóm" như báo cáo thẩm tra đã đề cập. Tham nhũng tài sản Nhà nước không chỉ đơn thuần những cán bộ nhà Nước với nhau mà còn có trung gian", ông Thanh nói.
Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã nhắc lại lịch sử khi mới thành lập Nhà nước, Bác Hồ đã sớm nhìn ra các yếu tố có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình phát triển. Theo ông, Luật PCTN đang đáp ứng yêu cầu rất lớn, trong bối cảnh hiện nay đang có hiệu ứng xã hội lớn nên người dân kỳ vọng rất nhiều.
Đại biểu Quốc cho rằng trong điều kiện hiện nay cơ quan kiểm tra còn mỏng không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước. Mở rộng đối tượng trong lúc này là không cần thiết, không mang khả thi.
"Những người không có quyền lực thì không bao giờ lấy tài sản của Nhà nước được, người không phải cán bộ Nhà nước muốn lấy tài sản Nhà nước chỉ có thể trộm cắp và cướp, việc này đã có Bộ luật hình sự điều chỉnh. Còn lợi dụng quyền lực để chiếm công vì tư mới là tham nhũng", ông Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, công tác phòng, chống tham nhũng điều quan trọng là phải đạt mục tiêu cuối cùng.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ảnh: Hoàng Hà. |
"Tôi nghĩ chúng ta đang rất hào hứng với hình tượng lò cháy ngùn ngụt, nhưng chúng ta cũng phải mong muốn ngày nào đó lò phải vào bảo tàng. Bởi, lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa", đại biểu Quốc nói.
Vì sao áp thuế 45% tài sản bất minh?
Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý là áp thuế suất 45% hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng cả 2 phương án đều có bất cập. Bà Thủy lấy ví dụ việc áp thuế 45% với căn hộ không được kê khai nhưng tài sản này đã đóng thuế theo quy định. Chế tài mới sẽ làm nảy sinh tình trạng tài sản phải đóng thuế 2 lần.
Phương án xử phạt hành chính chỉ phù hợp với hành vi kê khai không trung thực. Trường hợp không giải trình được nguồn gốc theo bà Thủy không phải vi phạm. Đại biểu này đề nghị ban soạn thảo cần tính toán có quy định phù hợp.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa nhận việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả do nội bộ còn nể nang. Thực tế đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên trách để giao cơ quan này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn.
Nếu, một cơ quan mới được thành lập sẽ trái chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế. Căn cứ theo điều kiện thực tế, Chính phủ đề nghị giao cho hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chiều 31/5. Ảnh: Hoàng Hà |
Dự thảo luật quy định mở rộng đối tượng kê khai nhưng phương thức khác gồm: kê khai lần đầu dành cho cán bộ lần đầu vào cơ quan và viên chức từ phó phòng trở lên; kê khai bổ sung khi có những tài sản phát sinh có giá trị 300 triệu trở lên; kê khai hàng năm và kê khai phục vụ cho công tác cán bộ.
Riêng, việc kê khai phục vụ cho công tác bổ nhiệm bầu cử thì không phải kê khai và xác minh trước khi bổ nhiệm. Nhưng khi bổ nhiệm nếu có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hay có dấu hiệu gì như kê khai không trung thực, không đầy đủ, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mới tiến hành xác minh, xong mới bổ nhiệm.
Về việc việc xử lý tài sản kê khai, ông Khái nói theo ý kiến của đại biểu thì cần phải có chế tài để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản hợp lý. Nhưng thực tế, tài sản hình thành không thể kiểm soát xã hội có tình trạng biếu tặng, làm thêm…
Theo ông, việc xử lý hành chính cũng rất khó do không có chế tài. Còn phương án áp thuế 45% sẽ xem tài sản đó là khoản thu nhập vãng lai không loại trừ đó là tài sản do phạm tội mà có. Trường hợp xác định là tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại. Quá trình cơ quan thu nhập tính thuế, cán bộ không đồng ý có thể kiện ra tòa.
Vì sao chọn 45%?, Tổng Thanh tra Chính phủ nói theo tính toán có tham khảo của Bộ Tài chính, mức thuế suất này tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần dao động từ 5% đến 35%) cộng với khoản tiền phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế.
"Làm như thế thì phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, khả thi trong điều kiện nền kinh tế và khoản lý tài sản, thu nhập và kiểm soát chi tiêu của toàn xã hội hiện nay không qua ngân hàng", ông Khái nhấn mạnh.