Mỗi dịp Tết đến xuân về, người ta lại nhớ đến bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên như một niềm hoài cảm. Trước đây, bài thơ là niềm thương cảm cho những giá trị cũ đang dần mất đi, bị gạt sang rìa đời sống. Đến nay, nhắc tới Ông đồ là nhắc tới những giá trị văn hóa truyền thống cũ. Bài thơ Ông đồ nổi tiếng vậy nhưng ít ai biết Vũ Đình Liên còn có thêm một tác phẩm khác viết về ông đồ.
Bức ảnh chụp nhà thơ Vũ Đình Liên và bút tích của ông. Ảnh: Nguyễn Bình Phương |
Mới đây, nhân dịp xuân Canh Tý, nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương đăng tải bức ảnh chụp bút tích của nhà thơ Vũ Đình Liên kèm ảnh thi sĩ. Bút tích này do chính tay nhà thơ Vũ Đình Liên viết bài Bóng ông đồ. Bài thơ như một sự tiếp nối mạch cảm xúc của thi phẩm Ông đồ nổi tiếng (sáng tác năm 1936).
Bài thơ được Vũ Đình Liên viết lên một mảnh giấy cắt từ lịch treo tường, dán thêm một dải điều đỏ và gửi tặng gia đình người bạn thơ. Lời mở đầu ông viết: “Khai bút xuân Nhâm Tý 1 - 1982”. Tuy nhiên, theo đúng lịch, năm Nhâm Tý là năm 1972, rất có thể nhà thơ đã viết nhầm, sáng tác bài thơ khai xuân năm 1982 (Nhâm Tuất) và đề nhầm năm là “Nhâm Tý”. Cũng có thể bài thơ được sáng tác vào năm Nhâm Tý (1972) và viết tặng gửi bạn vào năm 1982 (năm Nhâm Tuất).
Một nguồn tư liệu cho biết bút tích này nhà thơ Vũ Đình Liên gửi tặng gia đình nữ sĩ thân thiết - những người bạn thơ tri âm - ở miền Trung.
Nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương cho biết anh sở hữu bút tích này qua trao đổi cùng những người trong hội sưu tầm sách. Bút tích này anh có được đã 7 năm nay, được lưu giữ cẩn thận. Nhà sưu tầm chia sẻ thêm anh từng cho mượn bút tích quý để làm triển lãm, tuy nhiên phải đến hơn một năm sau mới đươc trả lại.
“Kiếm được những món như thế giống như lộ ra một viên đá quý sau quá trình làm phu mỏ”, nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương nói.
Nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương - người đang gìn giữ bút tích Bóng ông đồ. |
Dưới đây là toàn bộ bút tích của nhà thơ Vũ Đình Liên:
Khai bút Xuân Nhâm Tý
1-1982
Thân gửi anh chị ... (nhà sưu tầm che tên người được tặng)
Bóng ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy bóng ông đồ
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa
***
Ôi! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi
***
Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay
***
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ nhân đạo, thiên cơ
***
Cách mạng là nhân nghĩa
Ông đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng thiện mỹ
Từ ngón tay ông đồ.