Đảng cực hữu National Rally đã giành được thành công lịch sử trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 19/6. Ước tính, National Rally sẽ có 86-90 ghế tại cơ quan lập pháp cao nhất cả nước, tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Từ vị trí một đảng không có tiếng nói, National Rally sẽ trở thành đảng chính trị đối lập chính tại quốc hội, theo Reuters.
Phe cực hữu lật ngược tình thế
Từ khi tiếp quản quyền lực năm 2011, bà Marine Le Pen đã tìm mọi cách giúp đảng National Rally thoát khỏi tai tiếng của một tổ chức bài ngoại, bài nhập cư - vốn là hình ảnh của đảng này sau gần 40 năm dưới quyền lãnh đạo của ông Jean-Marie Le Pen, cựu sĩ quan quân đội, cũng là cha ruột của bà Le Pen.
Trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2 hồi tháng 4, dù thất bại trước Tổng thống Emmanuel Macron, bà Le Pen cũng đã giành được 42% số phiếu ủng hộ.
Kết quả này cho thấy lãnh đạo đảng National Rally đã tận dụng được sự bất bình của cử tri dành cho Tổng thống Macron, cũng như sự giận dữ đang lan tỏa khắp nước Pháp vì giá cả sinh hoạt leo thang, cuộc sống đi xuống tại nhiều vùng nông thôn.
Hôm 19/6, thành công của bà Le Pen tiến thêm một bước dài. Trong hai cuộc bầu cử các năm 2012 và 2017, đảng National Rally chỉ giành được lần lượt 2 và 5 ghế đại biểu quốc hội.
Bà Marine Le Pen. Ảnh: AFP. |
Thăm dò cử tri tuần trước cho thấy đảng của bà Le Pen chỉ có thể giành 25-50 ghế.
Kết quả dự đoán từ 85-90 ghế lần này là một bất ngờ lớn mà National Rally đã tạo ra. Đảng cực hữu của bà Le Pen có khả năng trở thành đảng lớn thứ hai tại quốc hội.
Phát biểu sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu, bà Le Pen tuyên bố phe cực hữu đã đạt được 3 mục tiêu.
Thứ nhất, Tổng thống Emmanuel Macron chỉ còn nắm thế thiểu số tại quốc hội.
Thứ hai, phe cực hữu hiện đã có đủ lực lượng tại cơ quan lập pháp cao nhất để trực tiếp đề xuất các chính sách mà bà Le Pen coi là "cải cách chính trị cần thiết cho đổi mới dân chủ".
Thứ ba, bà Le Pen tuyên bố National Rally giờ có thể đứng ra thành lập một nhóm đối lập có tiếng nói quyết định chống lại những "kẻ phá hoại", gồm đảng trung hữu của ông Macron cũng như liên minh cực tả Nupes mới thành lập.
Chủ tịch National Rally Jordan Bardella so sánh kết quả mà đảng này giành được trong cuộc bầu cử giống như "cơn sóng thần".
"Thông điệp trong buổi tối hôm nay là người dân Pháp đã biến Emmanuel Macron thành tổng thống của phe thiểu số", ông Bardella nói trên kênh TF1.
Kết quả bầu cử hôm 19/6 đã đặt dấu chấm hết cho khái niệm "mặt trận cộng hòa", một liên minh không chính thức của cử tri từ mọi phe nhóm tập hợp phía sau các ứng viên chính thống nhằm ngăn các chính trị gia cực hữu trúng cử.
Không dừng lại, kết quả cuộc bầu cử cũng cho thấy bà Le Pen đã thu được thành công với chiến lược thay đổi hình ảnh của đảng, cũng như từ chối liên minh với chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Eric Zemmour sau thất bại trong bầu cử tổng thống.
Thất bại toàn diện cho Tổng thống Macron
Về mặt số ghế, đảng National Rally của bà Le Pen chỉ về thứ ba, sau liên minh "Together" của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả Nupes. Tuy vậy, với khoảng 90 ghế đại biểu, National Rally giờ sẽ có sức nặng lớn hơn nhiều trong mọi tiến trình chính trị cũng như thỏa thuận tại quốc hội Pháp.
Ví dụ, National Rally giờ có thể yêu cầu quốc hội tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ. Đảng cực hữu cũng có quyền soạn thảo dự luật và gửi trực tiếp tới tòa án hiến pháp.
Ngoài ra, đại diện của National Rally có thể đứng đầu các ủy ban chuyên môn của quốc hội. Đồng thời, với 90 ghế đại biểu, National Rally sẽ có thời lượng phát biểu đáng kể trong các cuộc thảo luận tại nghị viện.
"Chúng ta đang đối mặt cú sốc của nền dân chủ bởi bước tiến đột phá mạnh mẽ của National Rally", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trả lời kênh truyền hình France 2.
Với Tổng thống Macron, kết quả bỏ phiếu hôm 19/6 là một thất bại toàn diện, xóa nhòa chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4.
Liên minh của ông Macron vẫn trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội khóa tới. Tuy nhiên, với chỉ 210-260 ghế được bầu vào quốc hội, liên minh này không thể trở thành phe chiếm đa số - vốn yêu cầu ít nhất 289 ghế, theo AFP.
Sáng 20/6, trên trang nhất trực tuyến, tờ Le Monde chạy tiêu đề "Macron đối mặt nguy cơ tê liệt chính trị". Trong khi đó, tờ Le Figaro cảnh báo kết quả cuộc bầu cử báo hiệu chương trình nghị sự tham vọng của ông Macron sẽ "chết yểu".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Macron bước vào nhiệm kỳ hai với hàng loạt chính sách tham vọng như cắt giảm thuế, cải cách tiền lương, tăng tuổi nghỉ hưu. Tính khả thi của các kế hoạch này giờ bị đặt câu hỏi.
"Các cải cách giờ sẽ rất phức tạp, việc điều hành đất nước giờ sẽ thử thách hơn nhiều", Dominique Rousseau, giáo sư luật Đại học Sorbonne, nhận định.
Bởi không thể chiếm đa số ghế tại quốc hội, liên minh Together của Tổng thống Macron sẽ phải tìm cách liên kết với các đảng phái khác để thành lập chính phủ đa số, quá trình này có thể mất nhiều tuần lễ, khiến nước Pháp rơi vào bế tắc chính trị.
Phương án khả thi nhất là liên minh với đảng Republicans, đảng cánh hữu truyền thống của Pháp. Republicans dự đoán giành khoảng 61 ghế tại quốc hội.
Tuy nhiên, chủ tịch đảng Republicans, ông Christian Jacob, tuyên bố đây sẽ là một liên minh "không dễ dàng", đồng thời nói thêm đảng của ông muốn ở thế đối lập.
Trong trường hợp không có một liên minh chính thức, chính phủ sẽ phải dựa vào sự hỗ trợ từ các đảng đối lập đối với từng dự luật.
Điều này sẽ đòi hỏi các cuộc đàm phán lâu dài trước khi mỗi dự luật được đưa ra bỏ phiếu. Song, nó được cho là rủi ro khi các đảng đối lập rút lại sự ủng hộ vào phút cuối, dẫn đến dự luật không thể thông qua.
Khó khăn không dừng lại ở đó. Nhiều bộ trưởng quan trọng trong chính phủ của ông Macron sẽ phải từ chức bởi họ thất bại trong nỗ lực giành ghế quốc hội. Trong số này có Bộ trưởng Y tế Brigitte Bourguignon, Bộ trưởng Hàng hải Justine Benin, hay Bộ trưởng Môi trường Amelie de Montchalin.
Hai đồng minh thân cận khác của Tổng thống Macron là Chủ tịch quốc hội Richard Ferrand và cựu Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cũng đã thừa nhận thất bại.
Trong một diễn biến tích cực hiếm hoi, Bộ trưởng châu Âu Clement Beaune và Bộ trưởng Dịch vụ công Stanislas Guerini đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào quốc hội. Đây là hai gương mặt trẻ mới nổi trong liên minh của Tổng thống Macron.