“Do hệ thống bầu cử, đảng cánh hữu Tập hợp Quốc gia (đảng của bà Le Pen - PV) có ít cơ hội thắng hơn 30-40 ghế - số ghế này cũng đã là kết quả rất tốt với họ rồi”, giáo sư Emmanuel Droit tại Đại học Strasbourg (Pháp) chia sẻ với Zing.
Trong cuộc bầu cử năm 2017, đảng Tập hợp Quốc gia chỉ giành được 8 trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội Pháp, bất chấp việc nhận được 13,2% phiếu phổ thông ở vòng 1 và 8,8% ở vòng 2.
Theo khảo sát của công ty thăm dò dư luận Ipsos đầu tháng này, đảng của bà Le Pen được dự đoán giành khoảng 37 ghế, con số cao hơn nhiều so với kết quả năm 2017, nhưng cũng chỉ chiếm hơn 6% số ghế trong Quốc hội Pháp.
Trong khi đó, với sự hình thành của liên minh giữa các đảng cánh tả, lực lượng này được dự báo sẽ trở thành thách thức hàng đầu đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo giáo sư Droit.
“Liên minh cánh tả chắc chắn là thách thức lớn nhất, nhưng vẫn không có khả năng tạo ra nguy cơ (với ông Macron). Họ sẽ không ngăn ông Macron giành được đa số đáng kể”, ông nói.
Liên minh mới
Cùng với bầu cử tổng thống, bầu cử quốc hội cũng là sự kiện chính trị quan trọng tại Pháp. Chia sẻ với Zing cuối tháng 4, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết các thay đổi trong chính sách của nước này chỉ có thể diễn ra sau cuộc bầu cử, khi các phe phái nắm thế đa số trong quốc hội được hé lộ.
“Tổng thống Pháp sẽ dựa vào việc đâu là những lực lượng chính trị chiếm đa số trong quốc hội, và sẽ bổ nhiệm thủ tướng và hình thành nên chính phủ bao gồm các bộ trưởng”, ông nói.
Các tấm áp phích bầu cử ủng hộ ông Mélenchon. Ảnh: AFP. |
Giáo sư Paul Bacot tại Viện Nghiên cứu Chính trị Lyon (Pháp) cho biết cách thức bầu cử theo hai vòng tại Pháp gây ra bất lợi với bà Le Pen, người từ chối xây dựng liên minh với các lực lượng cực hữu khác.
Chính trị gia cực hữu Éric Zemmour, người có quan điểm cứng rắn về nhập cư, từng tìm cách xây dựng liên minh với đảng Tập hợp Quốc gia trong cuộc bầu cử quốc hội, theo AFP. Dù vậy, bà Le Pen không chấp thuận đề nghị này.
“Chiến lược này sẽ khiến các ứng viên của đảng Tập hợp Quốc gia bị loại (từ vòng 1 - PV) ở nhiều khu vực bầu cử, dẫn đến việc ứng viên cánh tả và người thuộc phe của Tổng thống Macron đối đầu nhau cho chiếc ghế nghị sĩ”, ông nhận định với Zing.
Trong khi đó, trước cuộc bầu cử năm nay - diễn ra trong hai ngày 12/6 và 19/6 - các đảng cánh tả tại Pháp đã hình thành liên minh lịch sử với tên gọi Liên minh Nhân dân Sinh thái và Xã hội mới (NUPES), với ông Jean-Luc Mélenchon - người về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 vừa qua - là nhân vật chủ chốt.
“Chúng tôi đưa ra một tầm nhìn mới về thế giới và xã hội”, ông Mélenchon nói, theo Financial Times. “Tôi không nói rằng chúng tôi sẽ xây nên thiên đường trong một ngày, nhưng chúng tôi sẽ chấm dứt ‘cảnh địa ngục’”.
“Nền chính trị Pháp đã có thay đổi lớn. Cánh tả của nền chính trị đã trở nên cấp tiến hơn và đang nằm dưới sự lãnh đạo của đảng ‘Nước Pháp bất khuất’ của ông Jean-Luc Mélenchon”, giáo sư Droit nhận xét.
Ít cơ hội lật đổ
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định cơ hội “lật đổ” ông Macron của các phe phái đối lập tại Pháp là không nhiều.
Theo giáo sư Bacot, đảng Tập hợp Quốc gia không còn là vấn đề với ông Emmanuel Macron. Sự yếu kém của đảng Những người Cộng hòa - đại diện phe trung hữu - cũng khiến họ không thể là mối đe dọa.
Các chuyên gia nhận định bà Le Pen không gây ra nhiều thách thức cho ông Macron trong bầu cử quốc hội. Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, liên minh cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon cũng khó có thể giành đa số ghế, dù gặt hái kết quả tốt trong bầu cử.
Theo kết quả bầu cử vòng một hôm 12/6, liên minh của Tổng thống Macron và liên minh cánh tả đang nắm giữ hai vị trí dẫn đầu về số phiếu bầu phổ thông, với xấp xỉ 26% số phiếu.
Dù vậy, hệ thống bầu cử hai vòng tại Pháp giúp phe trung dung của ông Macron nắm lợi thế hơn, theo AFP, khi họ có thể nhận được phiếu bầu của các cử tri cánh hữu trong vòng hai.
Theo ước tính của công ty thăm dò dự luận Elabe, liên minh cánh tả sẽ giành khoảng 170-220 ghế, trong khi liên minh “Chung sức” của Tổng thống Emmanuel Macron có khoảng 260-300 nghị sĩ, chưa chắc chắn vượt qua mốc 289 ghế cần thiết để nắm đa số.
Nếu không nắm được đa số trong quốc hội, ông Macron sẽ cần đàm phán với các đảng phái khác - nhiều khả năng là đảng Những người Cộng hòa - để thành lập liên minh có đủ đa số trong quốc hội. Nếu thất bại, ông sẽ phải chấp nhận một chính phủ thiểu số và đàm phán với các phe đối lập trên từng vấn đề, theo AFP.
“Trong trường hợp này, sự tan rã của hệ thống đảng phái tại Pháp sẽ tiến thêm một bước. Mọi điều diễn ra sau đó sẽ phụ thuộc vào chiến lược của các phe phái đối địch”, giáo sư Bacot nói.
Trong khi đó, khả năng phe cánh tả kiểm soát Quốc hội Pháp và thành lập chính phủ được đánh giá là không cao, theo giáo sư Droit.
“Nếu NUPES giành được đa số ghế sau ngày 19/6, đây sẽ là một cơn địa chấn về chính trị với sự hồi sinh của hệ thống ‘cùng chung sống’. Dù vậy, viễn cảnh này không thực tế”, vị giáo sư nhận xét.