Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tập trận ngày 25/5. Ảnh: Thomas Maresca/UPI/Shutterstock. |
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) gọi các kế hoạch đó là “biện pháp nham hiểm”, đồng thời lên án nước láng giềng Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước tới nay với Mỹ.
Theo Reuters, cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra tại thao trường Seungjin ở Pocheon, cách biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc khoảng 25 km. Khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc cùng nhiều xe tăng, pháo, xe bọc thép, chiến đấu cơ tham gia nội dung đầu tiên trong đợt tập trận vào ngày 25/5. Các nội dung diễn tập dự kiến kéo dài đến ngày 15/6, để kỷ niệm 70 năm thiết lập liên minh và 75 năm ngày thành lập quân đội Hàn Quốc.
Các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào cuối tuần trước và thảo luận về sự phối hợp mới khi đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một loạt tên lửa và vũ khí trong những tháng gần đây, gần nhất phải kể tới vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn mới.
Sau khi KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuần trước đã thị sát cơ sở chế tạo vệ tinh do thám đầu tiên nước này, tới ngày 25/5, Hàn Quốc tuyên bố nước này đã phóng thành công tên lửa vũ trụ tự sản xuất, đưa một vệ tinh vào quỹ đạo.
Theo công bố từ phía Hàn Quốc, tên lửa Nuri được phóng từ trung tâm vũ trụ Naro trên bờ biển phía nam Hàn Quốc lúc 18h24 trong lần phóng thứ ba sau trục trặc kỹ thuật khiến vụ phóng bị hủy một ngày trước đó.
Bộ trưởng Khoa học Hàn Quốc Lee Jong Ho nói rằng trong số 8 vệ tinh trên tên lửa có một vệ tinh cấp thương mại đã liên lạc với trạm ở Nam Cực sau khi triển khai thành công.
Sáu vệ tinh khác cũng đã được triển khai; kết quả của vệ tinh thứ bảy vẫn chưa được ghi nhận.
Tổng thống Yoon Suk Yeol khẳng định vụ phóng đã đưa Hàn Quốc vào danh sách 7 quốc gia hàng đầu đã đưa các vệ tinh sản xuất trong nước lên quỹ đạo bằng các phương tiện phóng được chế tạo trong nước.
Tên lửa Nuri là tâm điểm trong các kế hoạch đầy tham vọng của Hàn Quốc nhằm khởi động chương trình không gian và thúc đẩy tiến bộ trong mạng 6G, vệ tinh do thám và thậm chí cả tàu thăm dò Mặt Trăng.
Seoul cũng có kế hoạch phóng vệ tinh quân sự, nhưng nước này loại trừ khả năng sử dụng tên lửa Nuri làm vũ khí.
Trong một báo cáo hôm 25/5, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ trích dẫn hình ảnh vệ tinh cho biết việc xây dựng trạm phóng vệ tinh của Triều Tiên đã đạt đến "mức độ khẩn cấp mới".
Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách về Triều Tiên có tựa đề "Bắc Triều Tiên qua 100 câu hỏi" do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2021. Cuốn sách giúp bạn đọc có cách nhìn đầy đủ, rõ nét hơn khi tìm hiểu về đất nước, con người Triều Tiên, cũng như cập nhật những thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội Triều Tiên hiện nay.