Đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện tốt hơn các dự đoán của các nhà phân tích trong vòng bầu cử hồi cuối tháng 4 khi giành tới 58,5% số phiếu, dù vẫn kém xa con số 66,1% năm 2017.
Ngay khi kết quả bầu cử được công bố, ông Philippe Martinez, lãnh đạo Tổng Công đoàn Lao động Pháp (CGT), nhận định vị tổng thống sẽ không có “tuần trăng mật” mà phải bắt tay ngay vào giải quyết loạt vấn đề, theo Reuters.
Theo giới quan sát, ông Macron sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong nhiệm kỳ mới, bao gồm khủng hoảng chi phí sinh hoạt tăng cao, tiến trình cải cách lương hưu gây tranh cãi, hệ thống y tế chịu áp lực lớn do thiếu hụt nhân viên và cam kết giảm 40% phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery nói với Zing rằng theo thông lệ chính trị nước ông, chính sách của Paris vẫn sẽ tiếp diễn cho tới cuộc bầu cử quốc hội. Bởi lẽ phải đến khi những thay đổi về lực lượng nắm đa số tại quốc hội được hé lộ, đường lối của Pháp nói chung mới có sự thay đổi.
Sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 4, nước Pháp sẽ tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 tới. Sau khi quốc hội mới được bầu ra, một chính phủ mới có thể hình thành.
“Bây giờ chúng ta biết chắc chắn tổng thống cho nhiệm kỳ mới là ai, nhưng quốc hội như thế nào, chính phủ ra sao thì mới chỉ là giả thiết, chưa được khẳng định và phải chờ tới kỳ bầu cử quốc hội”, ông giải thích.
Phía trước là bầu cử quốc hội
Giới quan sát nhận định nhiều khả năng phe ông Macron vẫn sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 6 tới. Khảo sát của hãng nghiên cứu Harris Interactive được công bố hôm 25/4 cho thấy phe của ông Macron có thể giành từ 326 đến 366 ghế trong tổng số 577 ghế của Quốc hội Pháp.
Nếu phe của ông Macron giành chiến thắng, vị tổng thống sẽ giữ quyền lực lớn trong hoạch định chính sách như 5 năm vừa qua. Dù vậy, nếu phe đối lập thắng cử, ông sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào quốc hội và thủ tướng, người có thể đến từ một đảng khác, theo Reuters.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery trong cuộc phỏng vấn với Zing. Ảnh: Quốc Đạt. |
Theo Đại sứ Warnery, ông Macron sẽ phải dựa vào kết quả bầu cử quốc hội để bổ nhiệm thủ tướng và thiết lập chính phủ mới.
“Tổng thống Pháp sẽ dựa vào việc đâu là những lực lượng chính trị chiếm đa số trong quốc hội, và sẽ bổ nhiệm thủ tướng và hình thành nên chính phủ bao gồm các bộ trưởng”, ông chia sẻ. “Vào thời điểm này (cuối tháng 4 - PV), có lẽ tôi cũng khó có thể nói sâu hơn nữa về vấn đề này vì thực chất ở Pháp có rất nhiều lực lượng chính trị với những màu sắc khác nhau”.
Khi được hỏi về những ý kiến nhận định người Pháp bầu cho ông Macron không phải vì ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm, mà vì họ không thích ứng viên Marine Le Pen, Đại sứ Warnery cho rằng đây là điều bình thường trong cuộc sống chính trị.
“Ở Pháp, nhiều khi người ta nói đùa thế này: Bầu cử tổng thống có 2 vòng, vòng một là để chúng ta lựa chọn, vòng hai là để loại bỏ ứng cử viên chúng ta không mong muốn”, vị đại sứ chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Warnery, các nghiên cứu xã hội học về đời sống chính trị Pháp cho thấy không hẳn có sự đối lập giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền với nhau hay giữa các độ tuổi với nhau.
“Chẳng hạn, giữa hai ứng cử viên được bầu trong vòng 2 (của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua - PV), ngay cả trong một đối tượng vẫn có sự phân chia. Vậy sự phân chia ấy là tự nhiên nhưng không hẳn là theo một tiêu chí là độ tuổi, vùng miền hay nông thôn - thành thị”, ông khẳng định.
“Đối với chúng tôi - những người dân Pháp - điều quan trọng là người được bầu cuối cùng thành tổng thống Pháp sẽ khẳng định bản thân là tổng thống của toàn bộ người Pháp”, ông nói.
Theo Đại sứ Warnery, việc Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron - người ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) - tái đắc cử cho thấy người dân Pháp vẫn thiết tha với tổ chức khu vực này.
Người ủng hộ ông Macron vẫy cờ EU sau khi kết quả bầu cử tổng thống vòng 1 được thông báo. Ảnh: Reuters. |
“Trong buổi lễ chúc mừng tổng thống Macron tái cử, chúng ta thấy trong khán phòng không chỉ có cờ Pháp mà có cả cờ của EU, gần như là số lượng bằng nhau”, vị đại sứ cho biết. “Khi tổng thống Macron bước vào phòng để nói chuyện với công chúng, bản nhạc được cử lên chính là ‘Khải hoàn ca’ của Beethoven, bài hát của EU”.
“Điều đó mang tính biểu trưng rất cao”, ông nói.
Tuy vậy, Đại sứ Warnery cũng thừa nhận trong xã hội Pháp cũng có các luồng ý kiến khác nhau và có những người hoài nghi EU.
“Không phải là họ không muốn EU phát triển, mà họ nghĩ rằng EU hiện tại vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng của họ, chưa bảo đảm được những quyền lợi như họ mong muốn”, ông nói. “Trái lại, có những người khác ủng hộ EU hơn, bởi vì người ta thấy rằng đó là những điều họ mong đợi”.
Chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không đổi
Theo ông Warnery, dù kết quả cuộc bầu cử quốc hội tháng 6 tới thế nào, chính sách của Pháp đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không thay đổi.
“Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một khu vực đặc biệt quan trọng đối với Pháp”, vị đại sứ khẳng định. Ông cho biết đây là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Pháp, cũng như có khoảng 8.000 binh sĩ Pháp đóng quân.
“Không có lý do gì Pháp từ bỏ một chiến lược về khu vực”, ông tuyên bố.
Ông Macron đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Paris trong tuần này. Ảnh: Hindustan Times. |
Bên cạnh đó, Đại sứ Warnery cũng cho biết Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp cũng nằm trong khuôn khổ chính sách chung về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu, được đưa ra tháng 9/2021.
“Chính sách này có nhiều yếu tố trùng hợp với các ưu tiên của Việt Nam như mong muốn tạo dựng một khu vực hòa bình, phát triển, xây dựng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, hướng tới các mục tiêu cả trước mắt và lâu dài như trong vấn đề chống lại biến đổi khí hậu hay phát triển con người”, ông nói.
“Chúng tôi tin rằng các mục tiêu được đưa ra trong các chiến lược như vậy không chỉ có tầm nhìn đến cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, mà còn xa hơn thế rất nhiều”, vị đại sứ khẳng định.
Trao đổi với Zing, Đại sứ Warnery mô tả quan hệ song phương giữa Việt Nam và Pháp rất lâu đời, phong phú, đa dạng, và mang tính “nền tảng”.
“Điều đó thể hiện rất rõ qua chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Pháp, qua những trao đổi, những dự án hợp tác giữa hai bên”, ông nói.
Vị đại sứ chỉ ra Việt Nam và Pháp rất hiểu nhau do có quan hệ lâu đời với nhau. Do yếu tố lịch sử, trao đổi nhân dân giữa hai nước cũng rất mật thiết. Ông bày tỏ ấn tượng đặc biệt về hợp tác y tế giữa hai quốc gia. Theo ông, việc hợp tác diễn ra “rất tự nhiên”.
“Vào năm 2020, Việt Nam tặng khối lượng khẩu trang rất lớn cho Pháp khi Pháp bắt đầu phải đối phó với đại dịch Covid-19”, ông chia sẻ. “Trong năm 2021, Pháp đã có những khoản viện trợ vaccine cho Việt Nam. Và hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị một lượng vaccine tiếp theo để viện trợ cho Việt Nam”.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng dù có những thay đổi về cơ cấu chính trị ở Pháp sau cuộc bầu cử sắp tới, sẽ không có thay đổi đáng kể trong chính sách của Pháp đối với Việt Nam”, ông khẳng định.