Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Con người bất lực khi không lắng nghe cơ thể

Chúng ta thấy bản thân mình không thể thay đổi bởi vì chúng ta không được nghe toàn bộ sự thật về sự tồn tại của con người.

Hãy nhắm mắt lại. Hình dung ra một quả chanh. Ngắm nhìn thấy lớp vỏ vàng bóng của nó. Cầm nó trong tay bạn. Cảm nhận những đường gợn của nó. Đưa nó lên mũi bạn, tưởng tượng mùi hương thanh khiết xộc vào mũi. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn đang cắt một miếng chanh. Quan sát nước chanh chảy ra khi bạn cắt qua lớp thịt quả. Ngắm những vết lõm nhỏ hình bầu dục ở giữa quả chanh.

Bây giờ đưa miếng chanh vào miệng. Môi của bạn có thể nhói lên khi chạm miếng chanh. Vị chua, the the, tươi mát. Miệng bạn có nhăn nhúm lại hay tứa đầy nước bọt không? Chỉ nghĩ đến một quả chanh cũng đủ để kích thích phản ứng của các giác quan. Bạn vừa trải nghiệm sự kết nối trí óc - cơ thể.

Bài tập hình dung này là một cách đơn giản mà hiệu quả để thể hiện sự thống nhất giữa tâm trí và cơ thể. Thật không may, y học phương Tây bị hạn chế bởi niềm tin rằng trí óc và cơ thể là những thực thể tách biệt - các bác sĩ lâm sàng điều trị riêng rẽ cho trí óc (tâm lý học hoặc tâm thần học) hoặc cơ thể (tất cả các ngành khác của y học) nhưng ít khi kết hợp điều trị cho cả hai cùng một lúc.

Sự phân biệt độc đoán giữa trí óc và cơ thể khiến cho thuốc không còn tiềm năng chữa bệnh và đôi khi còn khiến chúng ta trở nên ốm yếu hơn trong quá trình này. Mặt khác, các nền văn hóa bản địa và phương Đông đã hiểu đầy đủ và tôn vinh sự kết nối giữa trí óc, cơ thể và linh hồn - ý thức về một cái gì đó cao hơn bản thân chúng ta - suốt hàng nghìn năm.

Từ lâu, họ đã sử dụng nghi lễ và nghi thức thâm nhập vào Bản ngã nhằm kết nối với tổ tiên để được hướng dẫn và làm sáng tỏ, và hoạt động dưới một sự “hiểu biết” nội tâm rằng toàn bộ con người được tạo nên từ các bộ phận kết nối với nhau.

Nhưng y học phương Tây chính thống vốn coi sự kết nối này là “phản khoa học”. Vào thế kỷ 17, nhà triết học người Pháp René Descartes đã đề ra khái niệm “thuyết nhị nguyên trí óc - cơ thể”, một sự tách rời theo nghĩa đen giữa trí óc và cơ thể. Sự phân chia này tồn tại suốt 400 năm sau.

Chúng ta vẫn cho rằng trí óc tách rời với cơ thể. Nếu bạn bị bệnh về mặt tâm lý, bạn sẽ gặp một bác sĩ chuyên khoa, có một bộ hồ sơ bệnh án và kết thúc ở một bệnh viện chuyên dụng; nếu các triệu chứng của bạn được coi là “thuộc về thân thể”, thì quá trình này sẽ rất khác.

Khi công nghệ phát triển vào thế kỷ 19, chúng ta đã biết được nhiều hơn về cấu trúc sinh học của con người và cách mà mọi thứ trong môi trường (virus, vi khuẩn) có thể gây hại cho chúng ta. Y học trở thành một lĩnh vực can thiệp.

Khi các triệu chứng xuất hiện, bác sĩ sẽ có mặt để kiểm soát bằng cách loại bỏ chúng (chẳng hạn như phẫu thuật) hoặc điều trị chúng (ví như kê các loại thuốc với những tác dụng phụ đã biết và chưa biết). Thay vì lắng nghe cơ thể - suy cho cùng, các triệu chứng là cách cơ thể giao tiếp với chúng ta - thì ta lại tìm cách làm cho nó im lặng.

Trong quá trình kìm nén các triệu chứng, chúng ta thường phải gánh chịu những tác hại mới. Ý tưởng về phương pháp chăm sóc toàn bộ con người đã bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho phương pháp kiểm soát triệu chứng, điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự phụ thuộc. Tôi gọi nó là phương pháp Băng cá nhân (Band-Aid), chúng ta tập trung vào việc điều trị các triệu chứng riêng lẻ khi chúng phát sinh nhưng không bao giờ xem xét nguyên nhân cơ bản.

Bước vào thế kỷ 20, chúng ta đã tin vào nguyên nhân di truyền của các chẩn đoán - một lý thuyết được gọi là quyết định luận di truyền (genetic determinism). Theo mô hình này, gene của chúng ta (và sức khỏe về sau) được quyết định từ lúc mới sinh. Chúng ta được “định trước” sẽ thừa hưởng hoặc được miễn một số bệnh tùy theo sự may rủi không nhìn thấy được nằm trong DNA của chúng ta. Quyết định luận di truyền không cân nhắc đến vai trò của hoàn cảnh gia đình, những sang chấn, thói quen hoặc bất cứ điều gì khác trong môi trường.

Với động lực này, chúng ta không phải là nhân tố tham gia tích cực vào sức khỏe và sự lành mạnh của chính bản thân mình. Tại sao lại như vậy? Nếu điều gì đó đã được định đoạt từ trước, thì không cần thiết phải xem xét bất kỳ thứ gì ngoài DNA của chúng ta. Nhưng khoa học càng tìm hiểu nhiều hơn về cơ thể người và sự tương tác của cơ thể với môi trường xung quanh (dưới vô số hình thức, từ dinh dưỡng và các mối quan hệ của chúng ta đến các hệ thống áp bức chủng tộc), thì câu chuyện càng trở nên phức tạp.

Chúng ta không đơn thuần là những biểu hiện của mã di truyền, mà là sản phẩm của những mạng lưới tương tác đáng chú ý, thuộc về cả bên trong và bên ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Một khi vượt qua khỏi niềm tin di truyền là định mệnh, chúng ta sẽ có thể làm chủ sức khỏe của mình. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy mình đã từng “không được lựa chọn” như thế nào và trao cho chúng ta khả năng tạo ra sự thay đổi thực sự và lâu dài.

Tôi đã tận mắt chứng kiến sự “không được lựa chọn” này trong quá trình học tập của mình. Tôi được dạy rằng rối loạn tâm thần là do di truyền, rằng quyết định luận di truyền vốn gắn liền với chẩn đoán và rằng mỗi chúng ta đã được trao cho một số mệnh nằm trong DNA của mình và chúng ta hầu như chẳng thể làm gì về điều đó.

Công việc của tôi là lập danh mục các triệu chứng - mất ngủ, tăng cân, sụt cân, tức giận, cáu kỉnh, buồn bã - và đưa ra một chẩn đoán mà sau đó tôi sẽ cố gắng giải quyết bằng liệu pháp trò chuyện. Nếu vẫn chưa đủ, tôi có thể giới thiệu bệnh nhân đến một bác sĩ tâm thần, và họ sẽ được kê đơn thuốc điều trị tâm thần.

Đó là những lựa chọn. Không có cuộc thảo luận nào về vai trò của cơ thể đối với bệnh tâm thần, chúng tôi chưa bao giờ được khuyên dùng những từ như “chữa lành” hay “khỏe mạnh”. Ý tưởng khai thác sức mạnh của cơ thể để chữa lành trí óc bị coi là phản khoa học.

Khi không tự đặt ra câu hỏi làm thế nào để chúng ta có thể đóng góp vào sức khỏe của chính mình, chúng ta sẽ trở nên bất lực và phụ thuộc. Thông điệp là thế này: Chúng ta hoàn toàn tuân theo ý thích bất chợt của cơ thể, và cách duy nhất để thấy ổn là giao phó sức khỏe của chúng ta vào tay các bác sĩ lâm sàng - những người có thần dược giúp chúng ta khỏe hơn, những người có tất cả các câu trả lời, những người có thể cứu chúng ta. Nhưng thực tế là chúng ta ngày càng ốm yếu hơn.

Nicole LePera/ Sài Gòn Books và NXB Thế Giới

SÁCH HAY