Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạn là người chữa lành tốt nhất cho chính mình

Để có một tinh thần khỏe mạnh, bạn phải tích cực tham gia hàng ngày vào hành trình chữa lành của bản thân.

Tình huống này có thể quen thuộc với bạn: Bạn quyết định rằng hôm nay sẽ là ngày bạn thay đổi cuộc đời. Bạn sẽ bắt đầu tập thể dục, giảm bớt thức ăn chế biến sẵn, ngừng sử dụng mạng xã hội, cắt đứt mối quan hệ rắc rối với người yêu cũ. Bạn xác định rằng lần này mình nhất định sẽ thay đổi.

Sau đó - có thể vài giờ, vài ngày hay thậm chí vài tuần - sự kháng cự tinh thần xuất hiện. Bạn bắt đầu cảm thấy không thể cưỡng lại nước ngọt. Bạn không thể tập trung năng lượng để đến phòng tập, và bạn cảm thấy thôi thúc muốn gửi cho người yêu cũ một tin nhắn ngắn để kiểm tra xem sao.

Trí óc bắt đầu gào thét những câu chuyện đầy sức thuyết phục để níu kéo bạn quay lại đời sống quen thuộc với những lời biện hộ kiểu như: “Mình xứng đáng được nghỉ ngơi chút xíu”. Cơ thể cũng nhập cuộc cùng trí óc với những cảm giác kiệt sức và nặng nề. Thông điệp áp đảo lại hóa thành: “Mình không thể làm được điều này.

Trong hơn một thập niên làm nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý học lâm sàng, “mắc kẹt” là từ mà các thân chủ của tôi thường hay sử dụng nhất để mô tả cảm giác của họ. Tất cả thân chủ đến trị liệu đều vì muốn thay đổi.

Một số hướng mong muốn ấy vào bên trong - họ muốn thay đổi thói quen, học các hành vi mới, tìm cách ngừng chán ghét bản thân. Những người khác lại hướng ra bên ngoài - đến những mối quan hệ của họ với người khác, chẳng hạn như thay đổi một vấn đề khó giải quyết với cha mẹ, bạn đời hay đồng nghiệp.

Nhiều người muốn (và cần) thay đổi ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi đã điều trị cho những người giàu có và cả những người thất nghiệp; những người siêu năng động, đầy năng lượng và cả những người tồn tại bên lề xã hội. Nhưng dù xuất thân thế nào thì mọi thân chủ đều cảm thấy bị mắc kẹt - trong những thói quen xấu, những hành vi gây hại, những khuôn mẫu dự đoán được và có vấn đề - điều đó khiến họ cảm thấy cô đơn, tách biệt và tuyệt vọng.

Chua lanh sau sang chan anh 1

Chữa lành là hành trình đầy khó khăn. Ảnh: Elle.

Hầu hết đều ám ảnh về việc những người thân yêu, bạn bè, người quen và thậm chí cả người xa lạ sẽ đánh giá họ như thế nào. Hầu hết đều có chung niềm tin rằng sự đánh giá đó phản ánh bằng chứng về sự hủy hoại khó lường bên trong, hay “sự không xứng đáng” - một cách mô tả được nhiều người sử dụng.

Thông thường, những thân chủ nào có khả năng tự nhận thức nhiều hơn một chút sẽ xác định được các hành vi gây hại của họ và thậm chí hình dung ra một lộ trình thay đổi rõ ràng. Nhưng rất ít người ngay từ bước đầu tiên đã có thể chuyển từ biết thành làm.

Những người có thể nhìn thấy lối thoát đã bày tỏ cảm giác xấu hổ vì đã chịu thua bản năng để phải quay lại những khuôn mẫu hành vi không mong muốn. Họ xấu hổ vì họ đã biết rõ hơn nhưng vẫn không thể làm tốt hơn, đó là lý do tại sao họ tìm đến phòng trị liệu của tôi.

Thật không may, sự hỗ trợ của tôi cũng thường bị hạn chế. Năm mươi phút trị liệu mỗi tuần dường như không đủ để tạo ra một thay đổi có ý nghĩa cho đa số thân chủ. Một số trở nên thất vọng vì cuộc vui không thành này đến mức không buồn đi tìm một liệu pháp toàn diện nữa. Và mặc dù nhiều người khác cũng thu được lợi ích từ thời gian đến gặp tôi nhưng họ tiến triển rất chậm.

Một buổi trị liệu có vẻ có hiệu quả cao, nhưng rồi tuần sau đó thân chủ của tôi sẽ quay lại với những câu chuyện có thể đoán trước. Nhiều thân chủ thể hiện sự thấu hiểu đáng kinh ngạc về liệu pháp, ráp nối được tất cả các khuôn mẫu đã kìm hãm họ lại với nhau, nhưng rồi sau đó họ cảm thấy không thể cưỡng lại sức hút bản năng về phía những thứ quen thuộc ở đời thực (khi họ không ngồi trong phòng trị liệu của tôi). Họ có thể nhìn nhận lại và thấy các vấn đề, nhưng chưa xây dựng được khả năng áp dụng sự thấu hiểu đó vào cuộc sống hiện tại.

Tôi đã chứng kiến những khuôn mẫu tương tự xảy ra với những người từng có những trải nghiệm chuyển hóa - những người tham dự các khóa tu thiền chuyên sâu để chuyển hóa tâm trí - nhưng rồi, theo thời gian, họ lại sa đà vào những hành vi không mong muốn trước kia, thứ đã khiến họ phải tìm kiếm câu trả lời ngay từ đầu. Việc không thể tiến triển dù đã trải qua một phiên trị liệu khiến nhiều bệnh nhân của tôi rơi vào khủng hoảng: Mình bị gì vậy? Tại sao mình không thể thay đổi?

Điều tôi nhận ra là liệu pháp và những trải nghiệm mang tính biến đổi lạ thường có thể đưa chúng ta đi thật xa trên hành trình chữa lành nhưng không tạo ra sự thay đổi. Để thật sự thay đổi, bạn phải dấn thân vào hành trình chữa lành mỗi ngày.

Dr. Nicole LePera/ Sài Gòn Books & NXB Thế Giới

SÁCH HAY