Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chúng ta không phải nạn nhân của cuộc sống

Chúng ta không chỉ là mạng lưới di truyền của mình. Chúng ta có thể góp sức chữa lành cơ thể và trí óc của mình trên con đường đạt đến sức khỏe, hạnh phúc nói chung.

Có một sự thức tỉnh đang diễn ra ngay lúc này. Chúng ta không cần phải chấp nhận câu chuyện “gene bị lỗi” là số phận của mình nữa. Các nghiên cứu khoa học mới cho chúng ta biết rằng các gene mà chúng ta thừa hưởng không cố định; chúng chịu tác động của môi trường, bắt đầu từ trong bụng mẹ và tiếp tục trong suốt cuộc đời chúng ta. Phát hiện đột phá về di truyền biểu sinh sẽ kể một câu chuyện mới về gene của chúng ta.

Tất nhiên, chúng ta được định sẵn một bộ gene. Nhưng cuộc đời giống như một bộ bài, ở mức độ nào đó, chúng ta có thể chọn ván bài mình muốn chơi. Chúng ta có thể đưa ra lựa chọn về việc ngủ nghỉ, dinh dưỡng, các mối quan hệ và cách chúng ta di chuyển cơ thể - tất cả đều làm thay đổi biểu hiện gene.

Nhà sinh vật học Bruce Lipton đã truyền bá phúc âm về vai trò của di truyền biểu sinh trong nhiều năm và gọi ảnh hưởng của nó là “ngành sinh học mới”. Đồng thời, ông cũng là một người phê bình mạnh mẽ quyết định luận di truyền như một sự bóp méo hoàn toàn sự thật về sinh học của chúng ta.

Chua lanh sau sang chan anh 1

Chúng ta chính là người tạo ra cuộc sống cho mình. Ảnh: Nguoiduatin.

Trên thực tế, mọi thứ - từ nước ối bao quanh chúng ta khi còn trong bụng mẹ, những lời chúng ta nghe từ người chăm sóc khi còn nhỏ, đến không khí chúng ta hít thở, các chất hóa học mà chúng ta ăn vào - đều ảnh hưởng đến gene của chúng ta, khiến một số gene được bật lên và một số khác tắt đi. Chúng ta có một mã di truyền khi sinh ra. Nhưng sự biểu hiện và ức chế của gene lại chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Nói cách khác, những trải nghiệm sống sẽ biến đổi chúng ta ở cấp độ tế bào.

Ngành di truyền học biểu sinh đã đưa chúng ta đi từ mô hình kiểm soát bệnh tật sang mô hình công nhận tác động của môi trường hàng ngày lên sức khỏe của chúng ta. Kết quả là một góc nhìn hoàn toàn mới: Chúng ta có thể là những nhân tố tham gia tích cực vào hạnh phúc của chính mình. Điều này liên quan đến sức khỏe thể chất, nguy cơ phát triển các bệnh như tiểu đường và ung thư, cũng như sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chúng ta.

Các yếu tố di truyền biểu sinh đóng vai trò quan trọng trong khả năng phát triển các bệnh tâm thần, như nghiên cứu về các cặp song sinh giống hệt nhau, trong đó một người mắc một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng, chẳng hạn tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực, còn người kia thì không.

Các nghiên cứu về stress (ngay khi còn trong bụng mẹ) và mối liên hệ của tình trạng này với sự phát triển các bệnh tâm thần về sau trong cuộc đời một người cũng thể hiện sự tác động sâu sắc của môi trường đến mọi bộ phận cơ thể, kể cả cơ quan quyền lực nhất: bộ não. Chẳng hạn, bác sĩ Gabor Maté, chuyên gia về chứng nghiện và sang chấn, đã viết rất nhiều về vai trò của căng thẳng cảm xúc trong việc gây ra bệnh lý thể chất và tâm lý, cũng như để lại dấu ấn sâu sắc trên cấu trúc của não bộ.

Quan niệm cho rằng di truyền không quyết định số phận đã mang lại cho tôi một hiểu biết sâu sắc. Tôi từng tin rằng vì mẹ tôi bị bệnh, nên tôi cũng bị bệnh. Nhưng góc nhìn di truyền biểu sinh đã cho tôi công cụ điều chỉnh lại nhận thức về cơ thể mình. Tôi có thể đã thừa hưởng một số thiên hướng từ mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải trở thành giống như bà.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của di truyền biểu sinh vượt qua nhiều thế hệ. Những kinh nghiệm sống của tổ tiên chúng ta đã định hình nên DNA của họ, từ đó hình thành nên DNA của chúng ta. Điều này có nghĩa là cuộc sống của chúng ta không kết thúc ở chúng ta mà còn được lưu truyền - cả cái tốt và cái xấu, cả sang chấn và niềm vui - sang các thế hệ tiếp theo.

Trong các nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, những con tiếp xúc với chế độ ăn kiêng cực đoan hoặc stress quá mức không chỉ có những thay đổi trong tim và quá trình trao đổi chất của chúng, mà còn ở cả con cái và đời cháu chắt chút chít của chúng. Có bằng chứng cho thấy điều này cũng đúng với con người. Các nghiên cứu theo dõi những đứa trẻ sống sót sau sang chấn, bao gồm cả những đứa trẻ phải chịu đựng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có các vấn đề sức khỏe tương tự cha mẹ chúng, cũng cho thấy tỷ lệ mắc nhiều loại bệnh tăng lên.

Nếu các gene mà chúng ta thừa hưởng phải chịu ảnh hưởng bất lợi từ trải nghiệm của các thế hệ trước, vậy phải làm sao để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn này? Một số yếu tố môi trường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta - chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh thời thơ ấu của mình, chứ chưa nói đến hoàn cảnh thời thơ ấu của ông bà cố chúng ta - nhưng vẫn có nhiều yếu tố nằm trong tầm kiểm soát.

Chúng ta có thể tự bù đắp cho mình sự nuôi dưỡng mà chúng ta đã không nhận được khi còn nhỏ. Chúng ta có thể học cách tạo ra những mối quan hệ an toàn và một ngôi nhà an toàn cho mình. Chúng ta có thể thay đổi những gì mình ăn, tần suất tập thể dục, ý thức của chúng ta, những suy nghĩ và niềm tin mà chúng ta thể hiện. Như Tiến sĩ Lipton đã nói: “Thật ra toàn bộ ngành sinh học mới chỉ là thế này. Đưa chúng ta ra khỏi tâm thế ‘Bạn là nạn nhân của cuộc sống’ và giới thiệu sự thật rằng chúng ta chính là người tạo ra cuộc sống của mình”.

Chúng ta không chỉ là mạng lưới di truyền của mình. Một khi hiểu được điều này, thì phương pháp “nối lại” mạng lưới bị lỗi thông qua các biện pháp can thiệp như y học và phẫu thuật theo kiểu quyết định luận truyền thống dường như lại càng không thỏa đáng. Chúng ta có thể và nên góp sức chữa lành cơ thể và trí óc của mình trên con đường đạt đến sức khỏe và hạnh phúc nói chung.

Nicole LePera/ Sài Gòn Books và NXB Thế Giới

SÁCH HAY