Lúc này, khắp Philippines đang là những tấm phông bạt và băng rôn ghi khẩu hiệu “Hãy tranh cử đi, Sara” và in ảnh bà Sara Duterte Carpio, con gái Tổng thống đương nhiệm Duterte. Đây là một phần trong chiến dịch nhằm thuyết phục bà Sara ra tranh cử để kế nhiệm cha mình.
Trước mắt, bà Sara dường như không có ý định đó. Bà vẫn kêu gọi những người ủng hộ không hô hào khẩu hiệu trên. Thực tế, cha của bà cũng từng hờ hững với chiếc ghế tổng thống trước cuộc bầu cử năm 2016.
Vào năm 2022, nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống Duterte sẽ kết thúc. Cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm nhà lãnh đạo này sẽ diễn ra trong bối cảnh Mỹ muốn tăng cường liên minh với các nước châu Á để đối trọng với Trung Quốc, Nikkei Asia nhận định trong bài viết ngày 11/5.
Băng rôn kêu gọi bà Sara tranh cử kế nhiệm bố gần đây được treo tại Manila và nhiều nơi tại Philippines. Ảnh: Reuters. |
Cuộc bầu cử sắp tới còn có ý nghĩa quan trọng khi nền kinh tế Philippines đang đối diện thách thức lớn. Cách đối phó đại dịch của Tổng thống Duterte, trong đó các lệnh phong tỏa, đã làm nền kinh tế sụt giảm 9,6% vào năm 2020. Hy vọng hồi phục kinh tế mạnh mẽ sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ sau chiến tranh đã tan biến với làn sóng lây nhiễm mới đây. Phần lớn chương trình tiêm chủng vẫn chưa chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Nhưng bất chấp những khó khăn trên, tỷ lệ ủng hộ của ông Duterte vẫn là 91% vào cuối năm 2020, theo một thăm dò ý kiến của công ty khảo sát Pulse Asia. Trong khi đó, mức độ tín nhiệm của những đời tổng thống trước thường đi xuống vào cuối nhiệm kỳ.
Độ tín nhiệm cao của Tổng thống Duterte đã khơi nguồn cho sự trỗi dậy của bà Sara trong vai trò người kế nhiệm. Nếu lên làm tổng thống, bà Sara có thể tiếp tục chính sách của ông Duterte, đồng thời ở vào vị trí lý tưởng để bảo vệ cha sau khi ông mãn nhiệm.
Nhiều nét tương đồng với cha
Cũng như cha, bà Sara là luật sư, thích lái môtô, và tỏ ra là chính khách khiêm tốn nhưng cứng rắn. Nét tính cách này được khắc họa rõ sau lần bà đấm một quan chức tòa án trên kênh truyền hình quốc gia vào năm 2011.
Trong số ứng viên tiềm năng, bà Sara có tỷ lệ ủng hộ là 27%, theo khảo sát do Pulse Asia thực hiện vào đầu tháng 2 cuối tháng 3. Con số này cao hơn gấp đôi so với ứng viên xếp vị trí thứ hai. Trong khi đó, ứng viên chỉ cần có đa số phiếu bầu sẽ giành thắng lợi trong cuộc chạy đua tổng thống Philippines.
Sara, thường được gọi là Inday Sara, là bà mẹ 42 tuổi với ba con. Bà là thị trưởng đương nhiệm thành phố Davao, nơi ông Duterte từng nắm quyền lãnh đạo trong hơn hai thập kỷ. Bà Sara đã có thời gian đảm nhiệm vị trí phó thị trưởng Davao, dưới quyền cha. Năm 2010, hai người từng đổi ghế cho nhau để né tránh giới hạn nhiệm kỳ.
Tiếng tăm chính trị của bà Sara vượt ra khỏi phạm vi Davao. Năm 2018, bà giúp hạ bệ Chủ tịch Hạ viện Philippines Pantaleon Alvarez sau khi hai người mâu thuẫn về một số vấn đề liên quan tới việc bà thành lập đảng riêng ở cấp khu vực, Hugpong ng Pagbabago (Liên minh vì Thay đổi).
Năm 2019, nhiều ứng viên tranh cử vào Thượng viện Philippines đều mong muốn có được sự ủng hộ từ đảng Hugpong. Nhu cầu này lớn đến mức cuối cùng, bà hậu thuẫn cho 13 ứng viên tiềm năng dù chỉ có 12 ghế thượng nghị sĩ. 9 người trong số này thắng cử, qua đó làm suy yếu nhóm đối lập trong thượng viện.
Ông Duterte và con gái Sara. Ảnh: TNS. |
“Lúc này, Inday là người dẫn đầu và đưa ra quyết định chính trị”, ông Duterte từng nói về con gái vào năm 2019. Năm 2020, bà Sara được công nhận làm quân nhân dự bị hàm đại tá. Điều này làm mối quan hệ giữa bà và quân đội thân thiết hơn.
Ông Duterte từng thề “cả đời” không đến thăm Mỹ sau khi cuộc chiến chống ma túy của ông hứng chịu nhiều chỉ trích ở đó. Nhưng bà Sara luôn rất linh hoạt trong quan hệ ngoại giao. Năm 2020, bà tham gia chương trình đào tạo lãnh đạo của Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington. Bà Sara từng đi cùng bố trong các chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, Nhật Bản, và các quốc gia khác.
Còn quá sớm để quyết định
Tuy liên minh nhà Duterte lúc này rất vững chãi, các cuộc tranh cử tổng thống gần đây cho thấy người dẫn đầu sớm chưa chắc đã giành chiến thắng.
Câu chuyện của chính ông Duterte là một ví dụ. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016, ông Duterte tham gia tranh cử với lời hứa tiêu diệt tội phạm. Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ ông vẫn tăng mạnh sau những buổi tranh luận trên truyền hình, mít tinh ủng hộ, và chiến dịch mạng xã hội mạnh mẽ. Cuối cùng, ông Duterte thắng cử bằng 40% phiếu bầu trong cuộc đua có 5 người tham gia.
Cuộc bầu cử tống thống năm 2010 cũng ẩn chứa sự bất ngờ. Một năm trước cuộc bầu cử, tỷ phú và cựu Chủ tịch Thượng viện Manuel Villar đang trên đà chiến thắng thì Corazon Aquino, một cựu tổng thống được người dân Philippines yêu quý, qua đời. Cái chết của Corazon Aquino giúp nâng cao tiếng tăm của con trai bà, Benigno Aquino. Ông Benigno cuối cùng trở thành tổng thống trong cuộc bầu cử năm ấy.
Những tiền lệ như thế giúp phía đối lập có hy vọng lật ngược tình thế.
“Còn quá sớm. Trong những cuộc bầu cử trước, người dẫn đầu các cuộc khảo sát từ sớm cuối cùng đều thua cuộc”, Antonio Carpio, thẩm phán tối cao nghỉ hưu, cho biết.
Ronald Holmes, giám đốc công ty khảo sát Pulse Asia, cho rằng nguyên nhân đằng sau kết quả cuộc khảo sát gần nhất một phần là do mức độ quen thuộc của người dân với tên các ứng viên. Điều này có khả năng thay đổi trong 12 tháng tới, sau khi ứng viên bắt đầu thể hiện lập trường trong các vấn đề.