Chiến binh "John thánh chiến" của Nhà nước Hồi giáo (IS) trong video hành quyết con tin người Mỹ, nhà báo Steven Sotloff. Ảnh: Guardian |
Theo báo Guardian, Emwazi cùng gia đình đến Anh khi 6 tuổi. Anh trưởng thành ở phía tây London. Hàng xóm mô tả Emwazi là một người lịch thiệp và nhã nhặn. Người thân cũng cho biết Emwazi thích mặc những bộ đồ sành điệu nhưng luôn tuân thủ các phong tục của đạo Hồi, như để râu và không nhìn thẳng vào mắt phụ nữ.
Năm 2009, Emwazi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin tại Đại học Westminster. Tuy nhiên, thay vì xây dựng sự nghiệp trong giới công nghệ, Emwazi trở thành một đối tượng cần theo dõi của Cơ quan tình báo Anh, MI5.
Những người thân cận với các nhóm cực đoan ở tây London cho biết Emwazi bắt đầu nổi danh từ 5 - 6 năm trước, khi tham gia một nhóm thanh niên Hồi giáo ở khu North Kensington. Họ cùng đi lễ ở các nhà thờ và chơi thể thao. Đây là nhóm mà MI5 ráo riết theo dõi vì một số thành viên đã gây ra hàng loạt vụ đánh bom các tuyến tàu điện ngầm ở London ngày 21/7/2005.
Người thân của Emwazi cho rằng anh bắt đầu bộc lộ tư tưởng cực đoan sau một kỳ nghỉ ở Tanzania vào giữa năm 2009. Cảnh sát Tanzania từng bắt Emwazi để điều tra. Sau đó, chính quyền Tanzania quyết định trục xuất Emwazi. Do bị từ chối nhập cảnh, Emwazi phải lên máy bay đến Hà Lan.
Lúc này, một nhân viên MI5 đã tiếp cận Emwazi để thẩm vấn, đồng thời cáo buộc Emwazi muốn đến Somalia để gia nhập nhóm phiến quân al-Shabaab. "Người này biết tất cả về tôi, nơi tôi ở, tôi làm gì, tôi gặp gỡ ai. Anh ấy thậm chí còn chiêu dụ tôi về làm chung cơ quan, nhưng tôi từ chối. Do vậy, anh ta đe dọa 'cuộc sống của anh sẽ khó khăn hơn về sau'", một email của Emwazi viết. Theo Guardian, MI5 tiếp tục tạm giữ Emwazi nhiều lần để thẩm vấn.
Một thời gian sau, Emwazi quyết định chuyển về sống ở quê hương Kuwait, nhận việc tại một công ty máy tính, và lập gia đình. Anh trở về London hai lần. Tháng 6/2010, Cơ quan chống khủng bố Anh lại bắt Emwazi. Lần này, họ lấy dấu vân tay, lục soát tư trang, ngăn cản anh trở về Kuwait. Emwazi cáo buộc một cảnh sát thậm chí còn siết cổ anh trong lúc thẩm vấn.
Năm 2012, Emwazi tiết lộ với một số người thân rằng anh muốn đến Syria. Những người biết chuyện đều ra sức ngăn cản, nhưng họ không rõ Emwazi vượt qua hàng rào theo dõi và xuất cảnh bằng cách nào. Sau khi đến Syria, Emwazi đã gia nhập IS khi còn là một nhóm nhỏ trong al-Qaeda.
Ngôi nhà mà Mohamed Emwazi từng sống ở tây London. Ảnh: Guardian |
Thế giới vào cuộc điều tra
Cộng đồng tình báo phương Tây bắt đầu ráo riết truy tìm chân tướng tay đao phủ hành quyết con tin của IS từ tháng 9/2014. Trong những đoạn video, y mặc đồ trùm kín và chỉ để lộ đôi mắt, cùng tiếng nói đe dọa các nước. Các nhà điều tra áp dụng nhiều biện pháp khác nhau như sử dụng công nghệ phân tích giọng nói hoặc khai thác tin từ những con tin mà IS đã thả ra. Sau một thời gian, thông tin đầu tiên họ công bố là "John thánh chiến" chính là công dân Anh, nhưng không xác định danh tính cụ thể.
Một con tin (nay đã tự do) kể lại, "John thánh chiến" là một người trong nhóm chiến binh canh giữ con tin phương Tây ở nhà tù Idlib, Syria, hồi năm 2013. "John là người kín tiếng nhất, nhưng rất thông minh và luôn có tính toán", một con tin kể. Hai người còn lại đều nói giọng Anh. Emwazi cũng là người trực tiếp ra tay tra tấn con tin bằng biện pháp trấn nước.
Những con tin người nước ngoài đã bị IS hành quyết. Ảnh: Washington Post |
Chỉ đến ngày 25/2, truyền thông phương Tây mới tiết lộ tên, tuổi của đao phủ IS nhờ vào sự xác nhận của người thân. "Tôi chắc chắn Mohamed Emwazi chính là 'John thánh chiến'. Chúng tôi thân nhau như anh em, nên tôi có thể khẳng định là anh ấy", một người bạn thân của Emwazi nói với báo Washington Post ngày 25/2. Asim Qureshi, giám đốc một tổ chức nhân quyền thường liên hệ với Emwazi trước năm 2012, nói: "Có rất nhiều điểm giống nhau đáng kinh ngạc, khiến tôi cảm thấy họ chắc chắn là một người".
Cơ quan an ninh Anh không xác nhận, nhưng cũng không phủ nhận, thông tin về tung tích của đao phủ IS mà báo chí đăng tải. Còn người phát ngôn của Thủ tướng David Cameron nói: "Chúng tôi không thể khẳng định hay bác bỏ các thông tin của ngành tình báo. Quan điểm của ngài thủ tướng là chúng ta chắc chắn sẽ đem những kẻ thủ ác trong IS ra chịu tội trước công lý. Lực lượng an ninh và cảnh sát đang nỗ lực thực hiện điều này".
Trong khi đó, một quan chức chính phủ Mỹ khẳng định với báo Guardian rằng Emwazi chính là sát thủ máu lạnh chuyên hành quyết các con tin nước ngoài của IS.