Phòng thí nghiệm Rocky Mountain ở Hamilton được điều hành bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ quy tụ nhiều nhà virus học ưu tú chuyên xử lý mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới, từ cúm gia cầm đến Ebola và dịch hạch.
Thông thường ở đây có 450 nhân viên, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 50 đến 75 người đang làm việc cật lực ngày đêm chỉ vì một căn bệnh: Covid-19.
Quy tụ nhiều nhà virus học ưu tú xử lý mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới
Quang cảnh lối vào phòng thí nghiệm Rocky Mountain và một phần của cơ sở tại Hamilton, Montana. Ảnh: New York Times. |
Vẫn còn quá nhiều điều chúng ta chưa biết về virus corona này. Cuộc đua để làm sáng tỏ những bí ẩn của nó và phát triển một loại vaccine phòng bệnh đang trở thành nỗ lực toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Chính phủ nhiều nước và các công ty tư nhân đang đổ những nguồn lực khổng lồ vào nghiên cứu và thử nghiệm. Tại Mỹ, trung tâm của sự chú ý đổ dồn về phòng thí nghiệm Rocky Mountain - một trong chín cơ sở nghiên cứu của liên bang được trang bị an toàn sinh học Cấp độ 4 - tức cấp độ cao nhất.
Phòng thí nghiệm có 5 nhóm nghiên cứu tập trung vào Covid-19 và đã có những bước tiến đáng kể. Như tờ New York Times đưa tin tuần trước, nhóm của ông Vincent Munster đã thử nghiệm một loại vaccine của Đại học Oxford trên khỉ. Một nhóm khác đã mô phỏng môi trường nuôi cấy virus corona trong tế bào động vật và chứng minh hiệu quả của một số loại thuốc điều trị virus trên động vật.
Nhóm thứ ba đã đưa ra hoàn thành nghiên cứu về các phương pháp khử trùng mặt nạ phòng độc N95 hiệu quả sử dụng tia cực tím. Đây cũng chính là nơi thử nghiệm và đo lường được virus corona sống trên các loại bề mặt trong bao lâu.
Emmie de Wit, người đứng đầu phòng thí nghiệm sinh bệnh học phân tử, lần đầu nghe về Covid-19 vào cuối tháng 12/2019 từ lời cảnh báo trên ProMED về một căn bệnh giống như viêm phổi ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Đến đầu tháng 1, cô đã nghe đồn rằng căn bệnh đó là do virus corona chủng mới gây ra và ngay lập tức lên kế hoạch nghiên cứu về nó.
Ngay khi dữ liệu giải trình tự gen của virus được đưa lên mạng, họ đã có phương án tạo mô hình động vật của virus (tái tạo virus bên trong tế bào động vật sống). Họ đã chờ đợi và xem tin tức từ Trung Quốc. Ngày 10/1, khi xem xét trình tự gen của virus, tiến sĩ de Wit và đồng nghiệp nhận thấy nó tập trung tấn công một thụ thể nhất định trên các tế bào được gọi là ACE2, giống như SARS và virus cảm thông thường.
Tiến sĩ Emmie de Wit tại phòng thí nghiệm Rocky Mountain, nơi cô đang nghiên cứu virus corona. Ảnh: New York Times. |
Trong tháng vừa qua, nhóm của cô đã thử nghiệm thuốc remdesivir kháng virus trên khỉ và phát hiện thuốc có khả năng làm giảm đáng kể sự tiến triển của bệnh và tổn thương phổi ở động vật. Sau khi công bố thành công bước đầu, thuốc được nhóm tiếp tục đưa vào thử nghiệm trên người.
Các nhà khoa học tại đây làm việc bảy ngày một tuần, phối hợp nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội, ngay cả bên trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cao cấp nơi họ xử lý virus.
Các nhà nghiên cứu được yêu cầu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để tránh nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm và trong cuộc sống bên ngoài. “Chúng tôi làm việc cả ngày dài và sau đó trở về nhà ăn và ngủ”, tiến sĩ de Wit nói. Cô chỉ mua sắm nhu yếu phẩm vào sáng sớm cuối tuần để tránh đám đông. Nếu họ nhiễm bệnh, công việc có khả năng cứu sống hàng triệu người của họ sẽ phải dừng lại vô thời hạn.
“Lúc đầu, tất cả đều rất hấp dẫn và mới mẻ từ quan điểm khoa học”, cô ấy nói. “Nhưng sau đó, tôi bắt đầu lo lắng rằng chúng ta có thể phải đối mặt với một đại dịch... Đó là một trải nghiệm kỳ lạ, vì một mặt, bạn say mê khoa học; nhưng mặt khác, về cá nhân, bạn bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc hơn về nguy cơ đối với người thân của mình nếu căn bệnh tiếp tục lan rộng”.
Đi đầu trong các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ
Từ khi chính thức thành lập và sáp nhập với Viện Y tế Quốc gia năm 1930, phòng thí nghiệm Rocky Mountain trở thành cái tên đi đầu trong các nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ. Trong Thế chiến thứ II, phòng thí nghiệm đã chế tạo vaccine chống sốt vàng cho lính Mỹ và trở thành nhà máy sản xuất vaccine cho cả nước. Năm 1981, một nhà côn trùng học gốc Thụy Sĩ làm việc taị phòng thí nghiệm này có tên Willy Burgdorfer, đã tìm ra vi khuẩn sinh ra từ bọ chó gây ra căn bệnh Lyme bí ẩn.
Nghiên cứu của phòng thí nghiệm về các bệnh do prion và nhiễm trùng thoái hóa nơ-ron thần kinh đã làm sáng tỏ bệnh Lyme, suy giảm mạn tính, cũng như bệnh bò điên. Các nhà nghiên cứu tại Rocky Mountain cũng đã đóng góp trong việc chế tạo vaccine Ebola và đã gửi các nhóm đến Tây Phi để nghiên cứu ở các vùng có khí hậu nóng.
Tiến sĩ Marshall Bloom, Phó giám đốc Quản lý khoa học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain, cho biết ba bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nhất thế kỷ XX được xác định tại đây cũng được đặt tên theo các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm này phát hiện ra chúng: sốt phát ban Rocky Mountain (gây ra do vi khuẩn Rickettsia rickettsii, đặt tên theo Howard Ricketts), sốt Q (Coxiella burnetii, đặt tên theo Herald Cox) và bệnh Lyme (Borrelia burgdorferi, đặt tên theo Willy Burgdorfer).
Tiến sĩ Bloom, người đã làm việc tại phòng thí nghiệm Rocky Mountain từ năm 1972, tự hào kể lại 120 năm lịch sử của nó. Đối với ông, những thành công trong quá khứ là bằng chứng cho một khái niệm rộng hơn về sự chuẩn bị: đầu tư vào nghiên cứu bệnh truyền nhiễm trong thời gian đất nước chưa có dịch cho phép chúng ta ứng phó nhanh hơn khi dịch bệnh xảy ra. Kết quả nghiên cứu của Rocky Mountain về các bệnh trước đây, như cúm 1918 hoặc các virus corona khác như SARS và MERS, đã tạo nên những cú nhảy vọt về khoa học cũng như cung cấp nền tảng cho những nghiên cứu sau này đối phó với các mối đe dọa mới xuất hiện.
Tiến sĩ Marshall Bloom, Phó giám đốc Quản lý khoa học tại Phòng thí nghiệm Rocky Mountain, hiện làm việc tại nhà. Ảnh: New York Times. |
Trong một email, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, tiến sĩ Anthony S. Fauci, đã trích dẫn “những đóng góp quan trọng và độc đáo của phòng thí nghiệm trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm mới” như “một bằng chứng mạnh mẽ cho sự cấp thiết của việc tài trợ dài hạn cho nghiên cứu khoa học cơ bản”.
Trong những năm gần đây, tiến sĩ Fauci đã đến thăm phòng thí nghiệm nhiều lần và giảng bài tại Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Hamilton. Tiến sĩ Bloom nhớ lại bài giảng cuối cùng của tiến sĩ Fauci, vào tháng 10, khi ông chia sẻ về thời gian làm việc với các đời tổng thống trước đó, từ thời Ronald Reagan và đại dịch AIDS.
Mặc dù là một trong số ít những người trên thế giới đang trực tiếp nghiên cứu virus SARS-CoV-2, tiến sĩ de Wit cũng có những băn khoăn và lo lắng như chúng ta. “Một mặt, tôi có thể lạc quan vì chính mình nhìn thấy tốc độ và sự tiến bộ trong nghiên cứu. Mặt khác, tiêu cực hơn, sẽ mất một thời gian trước khi chúng ta thực sự kiểm soát được căn bệnh này”, cô nói. “Giống như bất cứ ai, chúng tôi cũng lo lắng về việc nghỉ ngơi quá nhiều”.
Với con mắt của cả thế giới đang dõi theo, tiến sĩ de Wit và các đồng nghiệp của cô phải nghiên cứu tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhất của virus. “Chúng tôi sẽ phải làm đúng ngay từ lần đầu vì không có chỗ cho sai sót”, cô nói.
Đôi khi, cô cũng tự nhắc nhở rằng công việc mình làm không chỉ vì toàn cầu, mà còn vì chính quê hương của mình. Một ngày nọ, rời khỏi phòng thí nghiệm, cô nhận thấy một dòng chữ viết nguệch ngoạc ngoài cổng. Trong khi cô đang chăm chú làm việc với con virus chết người bên trong, cư dân Hamilton đã để lại những tin nhắn bằng phấn dọc theo vỉa hè và trên đá. "Cảm ơn!”.