Cô lạc đà Winter sở hữu hai cặp chân nhọn, đôi tai cong và đôi lông mi cong đáng ghen tị, theo mô tả của báo New York Times. Và Winter đang là niềm hy vọng của giới khoa học trong cuộc chiến chống Covid-19.
Winter không có siêu năng lực đặc biệt nào. Cô chỉ đơn giản là may mắn khi được các nhà nghiên cứu ở Bỉ lựa chọn để tham gia hàng loạt nghiên cứu về virus, bao gồm SARS và MERS.
Khi phát hiện ra trong cơ thể của Winter có kháng thể kìm hãm cả hai bệnh dịch này, giới khoa học từng hy vọng cùng loại kháng thể có thể tác dụng với cả virus gây ra dịch Covid-19. Những kết quả bước đầu đều thành công, nội dung quá trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell đầu tuần này.
Lạc đà Winter (giữa) được nuôi tại một trang trại của Đại học Ghent, Bỉ. Ảnh: NYT. |
Sự đặc biệt của kháng thể lạc đà không bướu
Giới khoa học lâu nay đã chuyển sang nghiên cứu kháng thể trong cơ thể loài lạc đà không bướu. Suốt thập niên qua, họ đã sử dụng kháng thể của chúng trong các thí nghiệm với HIV và cúm. Những kết quả đạt được đều có vẻ triển vọng.
Cơ thể con người chỉ sản sinh một loại kháng thể gồm hai loại chuỗi protein nặng và nhẹ, cấu hình dạng chữ Y. Trong khi chuỗi protein nặng trải khắp chữ Y thì chuỗi protein nhẹ chỉ tập trung ở phần ngọn. Trong khi đó, loại lạc đà không bướu sản sinh hai loại kháng thể. Một loại tương ứng về kích cỡ như kháng thể người. Loại còn lại thì nhỏ hơn và kích thước chỉ bằng 25% kháng thể người. Kháng thể của chúng cũng tạo thành hình chữ Y, nhưng phần ngọn ngắn hơn vì nó không có chuỗi protein nhẹ.
Loại kháng thể rất nhỏ này có thể len lỏi vào những “protein gai” (spike protein), loại protein giúp virus corona xâm nhập vào tế bào vật chủ và lây lan, mà kháng thể người thì không thể. Cơ chế này giúp nó hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hoá loại virus.
Dạng chữ Y của kháng thể. Ảnh: Britannica. |
Kháng thể của giống lạc đà như Winter dễ tác động hơn, theo tiến sĩ Xavier Saelens, nhà nghiên cứu virus phân tử tại Đại học Ghent (Bỉ) và cũng là chủ trì nghiên cứu. Chúng có thể được liên kết hoặc hợp nhất với những kháng thể khác, bao gồm kháng thể người, mà vẫn giữ được sự ổn định. Loại kháng thể này là một đặc điểm di truyền trong giống lạc đà nói chung.
Cá mập cũng có những kháng thể nhỏ hơn tương tự, nhưng chúng không thích hợp cho cho nghiên cứu này, “cũng không dễ ôm như loại lạc đà này”, Daniel Wrapp, một đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. Tiến sĩ Saelens nói lạc đà không bướu đã được thuần hoá, dễ đối phó và ít bướng bỉnh hơn các loại lạc đà khác.
Khả năng kháng các chủng virus corona
Hồi năm 2016, tiến sĩ Saelens, Wrapp và tiến sĩ Jason McLellan tại Đại học Texas-Austin đã tập trung vào giống lạc đà này, cụ thể là Winter, để tìm kiếm kháng thể “có thể vô hiệu hoá nhiều loại virus corona khác nhau”. Họ đã tiêm vào cơ thể Winter những “protein gai” lấy từ virus gây ra dịch SARS và MERS, sau đó xét nghiệm mẫu máu của cô lạc đà. Trong khi họ chưa thể bóc tách một kháng thể nào có khả năng chống lại cả hai loại virus trên, họ tìm thấy hai loại kháng thể mạnh có khả năng đối kháng riêng lẻ với MERS và SARS.
Hình dạng cầu gai của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19. Ảnh: Economist. |
Khi nhóm nghiên cứu đang viết báo cáo về những phát hiện của họ, loại virus corona mới trở thành điểm nóng toàn cầu vào đầu năm nay. Họ nhanh chóng nhận ra rằng loại kháng thể nhỏ của lạc đà không bướu có thể phát huy hiệu quả tương tự với virus gây ra Covid-19, theo tiến sĩ Saelens.
Những thử nghiệm ban đầu đã xác nhận niềm tin của nhóm nghiên cứu. Họ hy vọng kết quả này sẽ dẫn đến việc sử dụng kháng thể của lạc đà không bướu như một phương pháp điều trị dự phòng, nhằm bảo vệ những người chưa nhiễm bệnh, bao gồm nhân viên y tế.
Mặc dù hiệu quả điều trị sẽ diễn ra tức thời, hiệu quả của cách làm này không kéo dài lâu mà chỉ trong khoảng 1-2 tháng nếu không tiếp tục được tiêm thêm kháng thể.
Quá trình nghiên cứu biện pháp phòng ngừa chủ động này dự kiến còn kéo dài hơn vài tháng nữa, nhưng nhóm nghiên cứu đang tiến tới thử nghiệm lâm sàng. Họ cần thực hiện thêm các thí nghiệm để xác nhận sự an toàn của việc tiêm kháng thể có khả năng kháng virus này vào cơ thể người.
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để biện pháp này được áp dụng. Nhưng nếu nó thực sự hiệu quả, lạc đà Winter xứng đáng được dựng tượng”, theo tiến sĩ Saelens.