Tại Stillwater, một “làng đại học” ở bang Oklahoma, các nhà hàng và tiệm bán lẻ vẫn được phép mở cửa đón khách ra vào tấp nập, theo Los Angeles Times. Đây có thể coi là một ưu đãi hiếm hoi so với phần lớn còn lại của nước Mỹ trong giai đoạn dịch Covid-19.
Tuy nhiên, khi chính quyền Stillwater ban hành quyết định khẩn cấp buộc người dân ra đường phải đeo khẩu trang che mặt, nhân viên các cửa tiệm liên tiếp “bị đe doạ, chửi bới và tấn công bạo lực”, theo báo cáo của thành phố.
Để xoa dịu dư luận, giới chức nơi này nhanh chóng điều chỉnh nội dung quyết định thành “khuyến khích” việc đeo khẩu trang.
“Sự thay đổi diễn ra chỉ trong ba giờ ngắn ngủi, dù đã có những bằng chứng y học rằng việc che chắn khuôn mặt sẽ giúp khống chế sự lây lan của Covid-19”, Tổng quản trị thành phố (quan chức quản lý hành chính) Norman McNickle nói. “Điều đáng buồn là rất nhiều người phản đối quy định vì hiểu nhầm rằng nó vi hiến. Họ cho rằng không ai có thể bị buộc đeo khẩu trang, không có luật pháp hay toà án nào ủng hộ cách làm này”.
Tại công viên Prospect ở Brooklyn, New York, một số người chọn đeo khẩu trang trong khi một số người khác thì quyết định không đeo. Ảnh: NYT. |
Sau khi nhiều bang rục rịch mở cửa trở lại vào cuối tuần qua, nhiều người Mỹ ra đường buộc phải quyết định cho một lựa chọn sẽ không sớm biến mất: đeo khẩu trang hay không.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh dịch (CDC, Mỹ) từng khuyến cáo tất cả người dân nên đeo khẩu trang vải khi ra khỏi nhà để giúp làm chậm sự lây lan của virus corona. CDC lưu ý việc đeo khẩu trang là nhằm bảo vệ người xung quanh, và chiếc khẩu trang không phải là biện pháp thay thế cho duy trì giãn cách xã hội.
Những người không muốn đeo khẩu trang cho rằng đây là hành động xâm phạm quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, một số người khác thì có lý do đơn giản hơn, là việc đeo khẩu trang khiến họ không thoải mái.
“Tôi ghét nó”, Ammiel Richards, 27 tuổi, trả lời New York Times. Anh đã hai lần bị mời xuống xe buýt ở thành phố New York vì không đeo khẩu trang.
Rafael Palma, 43 tuổi, cũng là một người không đồng ý chấp hành chỉ đạo đeo khẩu trang. Vợ của anh là một nhân viên y tế. Họ thường xuyên đi nhà thờ, tham gia biểu tình ở thành phố Sacramento để yêu cầu thống đốc California cho mở cửa lại nền kinh tế.
“Tôi không ôm chầm hay hôn người khác như trước đây nữa. Một số người cho rằng chúng tôi bất cẩn và không để tâm đến những người khác, rằng chúng tôi đang truyền bệnh dịch. Nhưng để làm được như vậy thì chúng tôi phải có nó (virus corona) đã chứ”, Palma nói.
Palma cũng đổ lỗi cho những chính sách liên tục thay đổi khiến anh bối rối. Trước đây, anh nói chính phủ khuyến cáo người dân không nên đổ xô mua khẩu trang mà nên để dành chúng cho nhân viên y tế.
Còn các chuyên gia y tế thì tỏ ra bàng hoàng khi quan sát các đám đông ở nơi công cộng không sử dụng khẩu trang. Bác sĩ Deborah Brix, điều phối viên chiến dịch chống Covid-19 ở Nhà Trắng, nói bà vô cùng lo ngại khi chứng kiến người biểu tình ở toà nhà quốc hội bang Michigan hoàn toàn không che chắn gì.
“Cá nhân tôi rất đau lòng và lo lắng, bởi vì họ sẽ về nhà và có thể lây bệnh cho ông, hoặc bà. Nếu có chuyện không may xảy ra với người thân thì họ sẽ ân hận suốt quãng đời còn lại”, bà Brix nói trên Fox News.
Người biểu tình ở trước toà nhà quốc hội bang Michigan yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế bang này. Ảnh: AP. |
Từ bắt buộc thành khuyến khích
Hồi tuần qua, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine buộc phải rút lại quyết định vốn yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng, sau khi vấp phải sự phản đối dữ dội ở bang này.
“Rất rõ ràng một điều về sự cách biệt quá xa này khi người dân không dễ dàng chấp nhận những gì chính quyền khuyên họ nên làm”, DeWine nói trên kênh ABC ngày 3/5.
Đầu tuần này, Thống đốc bang Missouri Mike Parson khi đến thăm cửa hàng do một nhóm thương binh thành lập đã không đeo khẩu trang, dù những người tiếp đón ông đều sử dụng.
“Tôi đã chọn không đeo. Tôi nghĩ đó là quyền quyết định của mỗi cá nhân, chứ không phải là vai trò của chính phủ trong việc bắt buộc ai phải đeo khẩu trang và ai thì không. Tôi muốn lặp lại quan điểm của mình: Đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân”, ông Parson nói.
Thống đốc bang Florida Ron DeSanties khi cho phép các nhà hàng, tiệm bán lẻ, bảo tàng và thư viện mở cửa lại vào đầu tuần này, đã đề nghị nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang, nhưng không mang tính bắt buộc. Trong giai đoạn mở cửa dần dần ở Florida, những khu vực nhộn nhịp như Miami-Dade, Broward và Palm Beach vẫn tiếp tục đóng cửa.
Miami đã mở cửa các công viên đón khách trở lại vào tuần qua, nhưng với điều kiện người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, cho đến cuối tuần, các nhân viên bảo vệ phải gửi cảnh báo đến hơn 7.000 người vì không chấp hành lệnh này. Phần lớn vụ vi phạm xảy ra ở công viên South Pointe, nên chính quyền thành phố quyết định lại đóng cửa công viên vào ngày 4/5.
Bang New Jersey cũng mở cửa công viên vào cuối tuần qua. Dù Thống đốc Phil Murphy đánh giá cao việc người dân vẫn duy trì giãn cách hiệu quả, ông bày tỏ nỗi lo rằng “có lẽ chúng tôi không có đủ khẩu trang”. “Khoảng 80-90% người dân không đeo khẩu trang khi ra ngoài”, ông nói.
Tại bang New York, tâm dịch lớn nhất của Mỹ, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 15/4 ban hành chỉ đạo bắt buộc về việc đeo khẩu trang. Hôm 4/5, ông Cuomo khẳng định các chính quyền địa phương có toàn quyền bảo đảm việc chấp hành của người dân.
“Bởi vì anh hoàn toàn có thể mang đến cái chết cho một ai. Làm sao anh có thể tàn nhẫn và vô trách nhiệm như vậy? Việc đó (đeo khẩu trang) có phải chuyện to tát gì đâu. Không phải anh đeo khẩu trang là để bảo vệ bản thân, mà là để bảo vệ tôi. Và tôi đeo khẩu trang là để bảo vệ anh”, ông Cuomo nói.
Vị thống đốc giải thích rằng “chẳng ai nói phải đeo khẩu trang suốt ngày. Nếu anh đi bộ trong rừng thì không cần đeo. Anh cũng có thể tháo khẩu trang lúc này. Nhưng nếu trông thấy người khác tiến đến thì hãy đeo vào. Đó là điều tối thiểu chúng ta có thể làm”.
Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio vào đầu tuần thông báo kế hoạch cấp phát miễn phí 5 triệu khẩu trang phẫu thuật và 2,5 triệu khẩu trang vải trong những tuần tới. “Dù bạn đến bất kỳ đâu, bạn sẽ được tặng một khẩu trang che mặt”, ông De Blasio nói.
Nhân viên đeo khẩu trang khi phục vụ thực khách tại một nhà hàng ở St. Petersburg, Florida, ngày 4/5. Ảnh: AP. |
Đeo khẩu trang để tránh đụng độ bạo lực?
Khi đối mặt với chất vấn về một vụ xung đột bạo lực giữa cảnh sát và một người được cho là không chấp hành quy định về giãn cách xã hội, Thị trưởng De Blasio nói đó chỉ là một sự cố riêng lẽ. Ông cho rằng việc chấp hành các chỉ thị của chính quyền sẽ giúp ngăn chặn những xung đột và va chạm với lực lượng hành pháp trong tương lai.
Tại bang Oklahoma, Tổng quản trị thành phố Stillwater, ông McNickle, cho biết ít nhất một vụ chống đối chỉ đạo đeo khẩu trang đã sử dụng đến súng để đe doạ nhân viên cửa hàng.
Ở bang Michigan, Thống đốc Whitmer đã ra lệnh người dân phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong suốt tháng 5. Tuy nhiên, hồi cuối tuần qua, một nhân viên bảo vệ cửa hàng Family Dollar thuộc khu vực Flint đã bị bắn chết sau khi yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang theo đúng quy định.
Nạn nhân là anh Calvin Munerlyn, 43 tuổi, bị bắn chết sau khi không cho con gái của một khách hàng vào cửa hàng vì cô này không đeo khẩu trang.
Anh Munerlyn qua đời để lại gia đình gồm vợ và tám đứa con.
“Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình người bảo vệ”, ông Whimer phát biểu hồi đầu tuần. “Việc họ vẫn đi làm và thực hiện chức trách bảo vệ những người khác là điều phi thường. Chúng ta phải biết rằng việc giữ bình tĩnh là vô cùng quan trọng. Đó là điều đúng đắn cần làm. Tôi kêu gọi mọi người dân Michigan cần sáng suốt và hành động hợp lý để bảo vệ chính họ và người xung quanh trong thời khắc khó khăn này”.