Trong báo cáo được đăng tải trên website chính thức ngày 6/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bàn tới một số biện pháp thử nghiệm có kiểm soát đối với dịch Covid-19, qua đó rút ngắn thời gian cần thiết cho những thí nghiệm vaccine.
Vì sao WHO muốn cho người lành nhiễm bệnh?
Nghiên cứu lây nhiễm người có kiểm soát là phương pháp chủ động cho tình nguyện viên khoẻ mạnh nhiễm bệnh. Theo báo cáo này, những nghiên cứu lây nhiễm sẽ rất có giá trị khi có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm vaccine so với thử nghiệm thông thường.
Chủ động tiêm mầm bệnh Covid-19 vào người khoẻ mạnh có thể giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm vaccine, theo WHO. Ảnh: Getty. |
Trong quy trình thử nghiệm thông thường, cần tới rất nhiều người khoẻ mạnh tiêm vaccine để tìm ra con số ước lượng cho độ hiệu quả và an toàn của từng loại vaccine.
"Nghiên cứu lây nhiễm có kiểm soát có thể được sử dụng để so sánh mức độ hiệu quả của nhiều loại vaccine, từ đó chọn ra vaccine tiềm năng nhất cho một nghiên cứu kỹ hơn.
Những nghiên cứu được thiết kế tốt không chỉ giúp rút ngắn thời gian phát triển vaccine Covid-19, mà còn giúp đảm bảo vaccine được lựa chọn sẽ có hiệu quả", báo cáo của WHO cho hay.
Để thực hiện các nghiên cứu lây bệnh cho tình nguyện viên, theo WHO cần phải đảm bảo 8 tiêu chí bao gồm đảm bảo về mặt khoa học, phân tích kỹ rủi ro và lợi ích, người tình nguyện tham gia phải đồng ý và hiểu rõ các rủi ro.
Vaccine chứa phiên bản virus bị làm suy yếu hoặc bất hoạt, nhằm kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tự tạo ra kháng thể. Ảnh: Gov.uk. |
Các nghiên cứu ban đầu cũng nên tập trung vào nhóm người trẻ, từ 18-30 tuổi. WHO cho biết nên ưu tiên nhóm người ít có khả năng nhiễm bệnh, và cần cẩn thận tránh làm tổn hại tới nhóm nghèo hay dễ bị thiệt hại vì bệnh tật.
Từ các tiêu chí đó, nhóm nhân viên y tế và các nhà nghiên cứu y khoa là đối tượng phù hợp, do họ vốn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn người thường, và có hiểu biết rõ về các nguy cơ. Bên cạnh đó, WHO cũng cho rằng nhóm nhân viên y tế có xu hướng muốn đóng góp chống dịch hơn.
Không phải lần đầu được đề xuất
Đây không phải lần đầu tiên ý tưởng để cho các tình nguyện viên nhiễm bệnh được đề xuất để tăng hiệu quả nghiên cứu về vaccine và các phương thức chống dịch. Vào tháng 3, nhà dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc Đại học Harvard đã đứng đầu một nghiên cứu đưa ra đề xuất tương tự.
"Chúng ta cần những ý tưởng mới để vượt qua sự lựa chọn khó khăn giữa hy sinh nền kinh tế hay hệ thống chăm sóc sức khỏe, hoặc thậm chí cả hai vì Covid-19.
Tôi cùng Nir Eyal và Peter Smith đề xuất một thí nghiệm được kiểm soát chặt chẽ trên người tình nguyện để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm vaccine", ông Marc Lipsitch viết trên Twitter để giới thiệu về nghiên cứu của mình.
Những loại vaccine đầu tiên cho Covid-19 đã được thử nghiệm trên người vào tháng 3. Ảnh: AP. |
"Nhìn thoáng qua thì thật khó chấp nhận việc đòi hỏi mọi người phải nhận rủi ro bệnh tật hay cái chết, dù là cho lợi ích chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã đòi hỏi điều tương tự khi nhờ những người tình nguyện xông vào đám cháy để cứu người", nhóm tác giả nhận xét.
Theo Bloomberg, các nghiên cứu vaccine thông thường được tiến hành bằng cách so sánh hiệu quả giữa một nhóm được tiêm thuốc và nhóm không tiêm. Chờ đợi cả hai nhóm có nguy cơ nhiễm bệnh trong khi vẫn sống như bình thường là quá trình rất mất thời gian, có thể kéo dài tới vìa tháng.
Với ý tưởng tiêm mầm bệnh vào người khoẻ mạnh, nhóm tổ chức nghiên cứu có thể đảm bảo đối tượng nghiên cứu đã tiếp xúc với mầm bệnh.
Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua nghiên cứu vaccine cho virus corona chủng mới. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên ý tưởng này cũng vấp phải nhiều sự phản đối. Moderna, một trong những công ty đang phát triển vaccine Covid-19 cho rằng đây không phải ý tưởng hay.
"Tôi không chắc mình thích ý tưởng này, cả về khía cạnh đạo đức lẫn hiệu quả. Thường thì rủi ro sẽ nằm ở các chi tiết nhỏ", Tal Zaks, Giám đốc y khoa tại Moderna nói với Stat.
Ông Zaks cho rằng nghiên cứu lây nhiễm có kiểm soát cũng phải mất vài tháng từ khâu thiết kế tới triển khai, nên cũng không nhanh hơn quy trình thông thường của Moderna là bao.
Tổ chức 1daysooner đã tạo ra một website để những người tình nguyện tham gia thử nghiệm có thể đăng ký. Đến nay đã có gần 14.000 tình nguyện viên từ 102 quốc gia đăng ký.