Các nhà nghiên cứu tại Anh đã phân tích đột biến ở chủng virus corona SARS-CoV-2 và phát hiện bằng chứng cho thấy hiện tượng lây lan nhanh xuất hiện từ cuối năm 2019. Họ không ghi nhận xu hướng virus trở nên dễ truyền nhiễm hơn hoặc gây bệnh nặng hơn.
"Virus đang thay đổi, nhưng bản thân điều này không đồng nghĩa tình hình sẽ tệ hơn", Francois Balloux, nhà nghiên cứu tại Viện Di truyền học Đại học London, trả lời CNN.
Nhóm của Balloux nghiên cứu các chuỗi gen đã giải trình tự của chủng virus, lấy mẫu ở nhiều thời điểm và địa điểm khác nhau. Bài viết khoa học của nhóm đã được đánh giá chéo bởi các nhà khoa học khác trước khi xuất bản. Nghiên cứu kết luận virus đã bắt đầu lây nhiễm trên người từ cuối năm 2019.
"Phát hiện này loại bỏ mọi kịch bản giả định SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm từ lâu trước khi được phát hiện và qua đó khiến phần đông dân số nhiễm bệnh", nhóm của Balloux đăng báo cáo khoa học trên tại chí Infection, Genetics and Evolution.
Một số bác sĩ từng hy vọng virus đã lây nhiễm âm thầm trong nhiều tháng mà không được phát hiện. Với kịch bản đó, có khả năng một bộ phận dân số đã phát triển khả năng miễn dịch. Balloux chia sẻ ông cũng từng hy vọng giả thuyết này chính xác. Tuy nhiên, theo ước tính của nhóm nghiên cứu, tối đa chỉ mới có 10% dân số thế giới nhiễm virus corona.
Ảnh chụp virus corona chủng mới, SARS-CoV-2, bằng kính hiển vi điện tử trong mẫu bệnh phẩm của một bệnh nhân Covid-19 ở Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Một số nghiên cứu thời gian qua cho thấy SARS-CoV-2 bắt nguồn từ dơi nhưng có thể đã thông qua một loài vật trung gian trước khi lây sang người. Những ca nhiễm trên người đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
"Các kết quả của nhóm tương tự với những ước tính thời gian qua, cho thấy mọi chuỗi gen đều có tổ tiên chung rơi vào cuối năm 2019, củng cố (giả thuyết) giai đoạn này là lúc SARS-CoV-2 nhảy sang vật chủ là con người", nhóm của ông Balloux kết luận.
"Rất gần đây thôi. Chúng tôi rất tự tin cho rằng chuyển đổi vật chủ xảy ra vào cuối năm ngoái", ông chia sẻ.
Nhóm cũng phát hiện bằng chứng di truyền học ủng hộ những nghi vấn virus đã tràn sang châu Âu, Mỹ và một số nơi khác trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi các ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 1 và tháng 2/2020. Việc truy tìm "bệnh nhân số 0" đối với mọi nước sẽ là nhiệm vụ bất khả thi, theo Balloux.
Ông cảnh báo một số nghiên cứu thuộc dạng "tiền xuất bản", chia sẻ trên mạng trong thời gian qua nhưng chưa được đánh giá chép, có thể khiến dư luận hướng đến những kết luận sai lệch.
"Mọi virus đều đột biến một cách tự nhiên. Đột biến về bản chất không phải điều xấu. Không có cơ sở nào cho thấy SARS-CoV-2 đang đột biến nhanh hơn hay chậm hơn dự kiến. Cho đến nay, chúng ta chưa thể nói liệu SARS-CoV-2 đang tăng hay giảm mức nguy hiểm chết người và khả năng lây nhiễm", ông chia sẻ.